Trồng và bảo vệ cây xanh trong các khu vực thành thị chính là yếu tố then chốt trong việc xây dựng những thành phố đáng sống và bền vững trong tương lai khi mà dân số thành thị tăng lên và nhiều khu vực bị đô thị hóa.

Một nghiên cứu của trường Đại học London (UCL) vừa công bố kết luận rằng những khu vực trồng cây trong các đô thị ở Anh có thể hấp thụ lượng khí thải cacbon tương đương rừng nhiệt đới.

Nghiên cứu này đã mở ra một cách nhìn mới về giá trị hấp thu khí thải cacbon và giảm thiểu biến đổi khí hậu của cây xanh trong thành phố. Nghiên cứu sử dụng các dữ liệu của Cơ quan Môi trường Anh thu thập bằng hình thức quét laser LiDAR trên không và trên mặt đất để lập ra một bản đồ lượng khí cacbon mà khoảng 85.000 cây xanh ở khu Camden (London) hấp thụ được.

idesign cay trong thanh pho hap thu khi cacbon 01Cây xanh đô thị có thể sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí thải cacbon | Nguồn: stocksnap

Nhóm nghiên cứu từ ULC nhận thấy những khu vực như Hampstead Heath có thể hấp thụ tới 178 tấn cacbon trên một hecta, gần bằng mức 190 tấn/hecta của các khu rừng mưa nhiệt đới. Tiến sĩ Phil Wilkes, tác giả chính của nghiên cứu cho biết:

“Những cây xanh thành thị mà chúng ta vẫn đi qua mỗi ngày là nguồn tài nguyên quan trọng. Chúng tôi đã lập ra một bản đồ kích thước và hình dáng của từng cái cây ở khu Camden, từ những khu rừng nội đô tại các công viên lớn tới những cây riêng lẻ trong những khu vườn sau nhà.


Điều này cho phép chúng ta đo lường được lượng cacbon mà số cây xanh này đang hấp thụ cũng như đánh giá được tầm quan trọng của chúng trong việc xây dụng môi trường sống cho chim chóc và côn trùng.”

idesign cay trong thanh pho hap thu khi cacbon 03Những công viên thành phố hay chỉ một cây xanh trong sân nhà cũng đều có giá trị | Nguồn: 12019

Kĩ thuật LiDAR mặt đất là kĩ thuật mới được nhóm nghiên cứu của UCL sử dụng để đo lường lượng khí cacbon trong rừng mưa nhiệt đới trước đây. Giờ đây họ đã áp dụng công nghệ này ở ngay khu Camden của London. Những đánh giá lượng khí thải cacbon cây xanh trong thành thị hấp thụ trước đây dựa trên những đánh giá từ cây cối ở ngoài thành phố. Trên thực tế chỉ số ở hai khu vực này có thể rất khác nhau.

LiDAR sử dụng hàng triệu xung điện laser để tạo nên một bức tranh 3D vô cùng chi tiết về kết cấu của cây cối. Nhờ đó nhóm nghiên cứu có thể tính toán chính xác nhất lượng khí cacbon mà những cái cây đã hấp thụ trong quá trình quang hợp. Họ cũng dự tính được lượng khí cacbon sinh ra từ việc tiêu thụ nguyên liệu hóa thạch mà cây xanh thành phố đã giúp giảm thiểu.

idesign cay trong thanh pho hap thu khi cacbon 02Nguồn: neshome

Cây xanh đóng góp rất lớn trong việc tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự sống trong các thành phố. Chúng cung cấp bóng râm, giảm ngập lụt, lọc không khí, là chỗ ở cho chim chóc, động vật và các loài thực vật khác cũng như mang lại giá trị giải trí và thẩm mĩ cho con người.

Theo Treeconomics thì những giá trị cây xanh mang lại cho vùng Thượng London có giá trị ước tính lên đến 133 triệu bảng Anh mỗi năm. Trong đó, chỉ riêng khả năng hấp thụ khí cacbon của cây thành thị ở đây đã đáng giá tới 4,8 triệu bảng Anh mỗi năm, tương đương 17,8 bảng Anh mỗi cây.

Các nhà khoa học hi vọng nghiên cứu của họ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của cây xanh trong thành phố và có tác động tích cực lên vấn đề quy hoạch thành phố trong tương lai. Họ mong rằng nghiên cứu này sẽ góp phần minh họa cho sự khác biệt giữa cây xanh trong thành phố và các đồng loại trong hoang dã hay giữa cây xanh ở các môi trường thành thị khác nhau.

“Một phát hiện quan trọng của nghiên cứu này là làm nổi bật lên giá trị của cây xanh trong thành phố trong những mô hình quy hoạch và điều kiện sống đa dạng. Cho tới nay hướng tiếp cận của nghiên cứu vẫn đang khá hiệu quả nên chúng tôi sẽ mở rộng ra khắp London, sau đó là các thành phố khác ở Anh và trên khắp thế giới.”

Tiến sĩ Mat Disney, đồng tác giả của nghiên cứu
idesign cay trong thanh pho hap thu khi cacbon 004Cây trong thành phố có thể sẽ là lời giải cho vấn đề ô nhiễm khí thải cacbon | Nguồn: 12019

“Cây thành thị rất quan trọng bởi chúng gần gũi với con người nhất và là một bộ phận quan trọng của mỗi thành phố. Chúng mang tới vẻ đẹp, bóng râm cho các đô thị, là nhà cho hàng vạn sinh vật, hấp thụ khí cacbon và nhiều yếu tố gây ô nhiễm khác. Nghiên cứu của UCL sẽ đóng góp thêm dữ liệu và chi tiết về vai trò của cây xanh trong thành phố.”

Harry Studholme, Chủ tịch Ủy ban Lâm nghiệp Anh