Một số người tuy đã làm việc ở công ty hơn 2 năm nhưng mức lương được trả lại thấp hơn những nhân viên mới vào.





Mức lương có sự khác biệt giữa các nhân viên



Thông thường, những công ty lớn đều có một bộ phận chuyên quản lý về những vấn đề lương thưởng cho nhân viên. Bộ phận này được thành lập nhằm đảm bảo mọi người đều được đãi ngộ công bằng. Nhưng đôi khi, mọi việc không nằm trong tầm kiểm soát. Và đôi khi, thật xui xẻo, các sếp lớn không quan tâm đến sự công bằng, họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để trả lương cho nhân viên càng ít càng tốt.



Để trả lương cho một công việc toàn thời gian, các doanh nghiệp phải mất 120 triệu/năm cho một nhân viên với mức lương 10 triệu/tháng, một khoản tiền không nhỏ đối với chúng ta, và đối với doanh nghiệp cũng vậy. Nếu có 5 nhân viên họ có thể trả thấp hơn mức trên, công ty đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.



Bạn cũng không thể trách họ vì điều này, mục tiêu của họ là tạo ra lợi nhuận cho công ty. Nhưng điều đáng buồn là đôi khi bạn lại trở thành “nạn nhân” của việc này, nếu bạn nhượng bộ quá mức trong quá trình đàm phán lương ban đầu. Một số người tuy đã làm việc ở công ty hơn 2 năm nhưng mức lương được trả lại thấp hơn những nhân viên mới vào. Họ hoang mang không biết làm thế nào để nói chuyện này với sếp mà không bị ghét, thậm chí… sa thải.




Biện pháp khắc phục


Như vậy, chúng ta có thể làm gì để điều chỉnh tình trạng này? Trên thực tế, bạn hầu như… chẳng thể làm gì. Không có bất cứ bộ luật nào quy định các doanh nghiệp phải trả lương cho nhân viên một cách công bằng và xứng đáng với công sức của họ. Luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp không được trả lương dựa trên sự phân biệt chủng tộc, giới tính chứ không hề qui định doanh nghiệp không được phép trả lương cho nhân viên mới cao hơn những nhân viên đã gắn bó lâu dài với công ty.



Tuy nhiên, vẫn có một số cách giúp bạn trao đổi với sếp của mình để hiểu rõ lý do tại sao lại có sự khác biệt này.




Hỏi trực tiếp


Hãy tìm cơ hội để “nói nhỏ” nhưng trực tiếp với sếp: “Tôi biết nhân viên mới vào được trả lương cao hơn mức lương hiện tại của tôi. Tôi đã làm ở đây 2 năm và luôn hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Tôi phải làm gì để được trả mức lương tương đương với họ?”



Trong trường hợp này, bạn nên chuẩn bị tâm lý sẽ bị phản bác bởi sếp của mình. Hầu hết mọi nhà lãnh đạo đều không thích việc nhân viên của họ bàn tán với nhau về vấn đề lương bổng. Vì thế, họ sẽ làm cho bạn cảm thấy đó là một hành động sai trái. Và họ có thể đuổi việc bạn vì điều đó.



Nếu câu trả lời của sếp là “Không“, bạn phải thật sự tỉnh táo để đánh giá từ “Không“ này. Nó có nghĩa là họ từ chối nâng lương cho bạn, hay biểu hiện rằng họ không có quyền quyết định trong vấn đề này?



Nếu là trường hợp đầu tiên, bạn thật sự kém may mắn và chẳng thể làm gì hơn. Đối với trường hợp thứ hai, ở một số công ty, sếp không có toàn quyền quyết định mức lương. Họ còn phải thông qua một số bộ phận khác như bộ phận kế toán và bộ phận nhân sự chẳng hạn.



Nếu trường hợp của bạn rơi vào trường hợp thứ hai, bước tiếp theo bạn phải làm là:




Kéo sếp về cùng “chiến tuyến”


Nếu sếp trả lời bạn rằng “Tôi không có quyền nâng lương cho bạn”, vậy hãy đặt câu hỏi tiếp theo “Ai mới là người có quyền quyết định việc này?”.



Điểm mấu chốt là bạn phải làm cho sếp đứng về phía mình bằng cách thay đổi đại từ nhân xưng: “Chúng ta có thể nói chuyện với ai để giải quyết vấn đề này?”



Từ chúng ta là một phương pháp tích cực trong trường hợp sếp của bạn đứng về phía bạn. Họ cũng có thể cho bạn biết họ không thể đứng về phía bạn trong trường hợp này, nhưng nếu bạn không thử, thì sẽ không có cơ hội.



Sau khi biết được câu trả lời của sếp, bạn phải tiếp tục bám sát tình hình để biết mọi việc diễn tiến như thế nào. Tăng lương là cả một quá trình, không phải là việc ngày một ngày hai.



Nếu bạn đã làm cả 2 cách trên mà câu trả lời nhận được vẫn là không, tiếp theo bạn phải làm gì?




Chuyển việc


Đây là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi bạn không thể tiếp tục gắn bó với công ty lâu dài. Đôi khi, cách duy nhất để được nâng lương chính là chuyển sang làm việc ở một nơi khác.



– HR Insider –