Trong một lần tham gia công tác từ thiện, tôi được giao việc tiếp cận các em nhỏ và ghi lại những ước mơ của các em để treo lên chiếc đèn ông sao đêm Trung Thu. Có những ước mơ rất đặc biệt và dễ thương, ví dụ như “tìm được nhiều loại hóa thạch”, “học giỏi để ông bà cha mẹ vui lòng”, “trở thành giảng viên piano”… tuy nhiên phần nhiều vẫn là “trở thành cô giáo dạy học”, “trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo”. Tôi không nói nghề bác sĩ, giáo viên hay kĩ sư là những nghề tầm thường; điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chính những bậc phụ huynh tham dự buổi từ thiện hôm đó đã ghé vào tai con những gợi ý như vậy khi bé có biểu hiện lúng túng trước câu hỏi về ước mơ sau này. Khi ấy trong đầu tôi chợt nghĩ quay quắt chỉ một điều: “Vì sao cha mẹ không để bé tự do suy nghĩ, tránh khỏi những khuôn đúc tầm thường mà lại hướng con đi theo những chuẩn mực mà cha mẹ cho là đúng và nên làm?”


Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi nghĩ về câu chuyện các em bé Nhật Bản lễ phép, có kỉ luật và cực kì sáng tạo; câu chuyện về trẻ em Mỹ tự tin và giao tiếp mạch lạc mà tôi vẫn thường đựợc nghe kể và xem trên báo đài. Để có được một thế hệ như thế, hẳn phụ huynh phải hết sức chú trọng đến việc phát huy sáng tạo và nuôi dưỡng ước mơ cùng con từ nhỏ.









Vậy bạn có nghĩ mình nên làm những điều sau đây để hun đúc ước mơ cho con ngay từ bây giờ?



1. Dành thời gian cùng con mỗi ngày:




webtretho




Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi biết không nhiều bậc phụ huynh chịu khó bỏ ra 15 phút đến nửa tiếng chơi đùa, hỏi han con. Dành thời gian cùng con mỗi ngày là cách duy nhất để bạn hiểu con hơn, bên cạnh đó hạn chế được thời gian bé tiếp xúc với đồ công nghệ - vốn là con dao hai lưỡi khi không có cha mẹ bên cạnh. Một gợi ý nhỏ cho bạn, nếu bạn tình cờ hỏi và nghe con nói rằng con muốn được làm nhà sử học hay thậm chí những ước mơ ngô nghê như đựơc làm công chúa, nhà vua… bạn có thể kể chuyện cổ tích có yếu tố này cho con nghe hoặc dẫn con đi thăm viện bảo tàng vào cuối tuần. Bạn cũng có thể cùng con vẽ tranh, học bài, nghe nhạc… đây cũng là một cách lắng nghe và từ đó phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của trẻ.




2. Không gây áp lực chuyện điểm số với con:







Tôi biết có nhiều bậc phụ huynh cảm thấy nổi sùng khi con cái của họ học hành kém hơn bạn bè cùng trang lứa. Chắc bạn cũng thừa biết rằng để thành công trong xã hội, việc giúp con rèn luyện các kĩ năng cơ bản và trau dồi đạo đức cũng quan trọng không kém gì việc học sao để có điểm số thật cao? Trong giai đoạn bé đang phát triển nhận thức, đừng quát mắng hay gây áp lực cho bé. Hãy kiên nhẫn cùng con tìm ra nguyên nhân khiến bé không được điểm cao, bên cạnh đó bạn nên đan xen các bài học về sự lễ phép, cách giao tiếp cùng bạn bè, sự trung thực và ngay thẳng… vào các mẩu chuyện kể, các cuộc đối thoại hàng ngày cùng con.




3. Không so sánh:







Người lớn chúng ta còn khó chịu khi bị so sánh thì hà cớ gì lại áp đặt điều đó với những đứa trẻ? Không so sánh con với chúng bạn cũng là một cách tôn trọng con. Có thể bé còn nhỏ nhưng nhận thức của bé đã rất phát triển, bạn càng so sánh, bé càng trở nên lì lợm và cứng đầu. Trong trường hợp này những lời khuyên nhỏ nhẹ hoặc động viên khích lệ lại cực kì hữu ích. Bạn thử áp dụng một vài lần sẽ thấy sự khác biệt trong cách cư xử của con trẻ.


4. Để con tự đưa ra quyết định:







Một lỗi mà bất cứ phụ huynh nào cũng hay mắc phải chính là lối suy nghĩ con còn bé quá nên không tin tưởng cho con tự quyết định điều gì. Thậm chí ngay cả khi con đã lớn, việc chọn học trường gì, quen ai, chọn nghề nghiệp gì cho phù hợp cũng được bố mẹ vạch sẵn. Là một bậc phụ huynh thông minh, thiết nghĩ bạn nên lý giải rõ cho con biết vì sao nên làm việc này, không nên làm việc kia một cách rõ ràng. Khi tự nhận thức được điều gì là đúng sai, hợp lý; bé sẽ đưa ra quyết định mà không phải vì sợ hay bị bố mẹ bắt buộc nữa.




Kết:







Khi chúng ta lớn, chúng ta thấm hơn những bài học mà cha mẹ ngày xưa đã dạy dỗ. Điều này cũng sẽ áp dụng tương tự với con cái chúng ta sau này. Hãy dành cho con sự quan tâm, kiên trì và yêu thương đúng mực của bạn; hãy dạy con biết ước mơ và đứng trên đôi chân của chính mình bằng những hành động dù nhỏ nhặt nhất từ hôm nay bạn nhé!