Một số phụ huynh cho biết con mình đã phải thức dậy từ khi tờ mờ sáng để kịp giờ đến trường.
Từ ngày con gái đi học lớp 1 vợ chồng em cũng nghiêm túc trong chuyện giờ giấc hơn hẳn. Ngày trước con học mầm non mẫu giáo đi trễ nửa tiếng có khi cũng chả sao nhưng nay đã vào tiểu học rồi thì phải cố gắng đúng giờ cho nó nề nếp các mẹ ạ. Đi học đúng giờ là một trong những quy định của nhà trường mà học sinh nào cũng phải tuân theo. Điều này thể hiện được tác phong và kỷ luật của chính học sinh đó. Nhưng nếu trường ra quy định giờ vào học quá sớm thì không những học sinh mà bố mẹ cũng sẽ phải than trời.
Mới đây, một số trường trung học ở thành phố Kupang, tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia) đã tiến hành thử nghiệm thay đổi giờ học. Theo quy định mới, giờ vào học của học sinh là 5h30 sáng. Điều này đồng nghĩa với việc các em học sinh phải thức dậy rất sớm, có em ra khỏi nhà khi trời còn tối đen để kịp giờ đến trường.
Học sinh vào học khi trời mới tờ mờ sáng. Ảnh: Mothership
Việc thay đổi giờ vào học được cho là vì mục đích muốn tăng cường kỷ luật cho các em học sinh. Tuy nhiên, giờ học mới này bị rất nhiều phụ huynh học sinh lên tiếng phản đối. Rambu Ata – một phụ huynh học sinh cho biết từ ngày có quy định mới, con gái của cô vô cùng vất vả mới chuyện đến trường: “Chúng phải ra khỏi nhà khi trời còn tối đen như mực, tôi không đồng ý và hoàn toàn không yên tâm về việc đảm bảo an toàn cho con mình khi con đi học lúc đường còn quá vắng vẻ như thế”. Được biết, con gái cô Rambu Ata mỗi sáng phải thức dậy từ lúc 4h để chuẩn bị cho kịp giờ vào học mới. Mỗi ngày khi đi học về, cô bé đều như muốn gục ngã và lúc nào cũng lên giường đi ngủ ngay lập tức vì quá mệt.
Trước đây, đa số các trường học tại Indonesia bắt đầu vào học từ khoảng 7 – 8h sáng. Tuy nhiên, giờ giấc thay đổi như hiện tại khiến các em học sinh phải dậy từ rất sớm. Trên mạng xã hội, không hiếm để bắt gặp hình ảnh các em học sinh đi bộ đến trường khi trời vẫn còn tối đen như mực. Chính vì thế, rất nhiều phụ huynh ở nước này đã lên tiếng phản đối.
Đứng ở vị trí của phụ huynh thì thực sự việc đổi giờ học lên quá sớm thế này em thấy cũng thật bất cập. Vì giờ học sớm đâu chứng tỏ được tác phong kỷ luật của học sinh, quan trọng là khi nhà trường đưa ra khung giờ vào học, học sinh có tuân thủ đúng hay không và thái độ khi đi học như thế nào mà thôi.
Thay đổi này khiến nhiều phụ huynh ở Indonesia bức xúc. Ảnh: Mothership
Việc các con phải đi học từ lúc còn quá sớm như vậy không chỉ kéo theo nhiều nguy cơ rủi ro về mức độ an toàn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất nữa. Chắc hẳn ai cũng biết, đi học cũng rất vất vả vì cả ngày dài, các con phải tiếp thu rất nhiều kiến thức, chưa kể các chương trình học ngoài rồi ngoại khóa các kiểu. Càng lên lớp lớn, khối lượng kiến thức càng nhiều nên chắc chắn khi ở nhà, học sinh buộc phải ôn tập, rèn luyện thêm về vấn đề bài vở.
Nếu đã đi ngủ trễ mà còn phải dậy quá sớm thì chắc chắn các con sẽ ngủ không đủ giấc, và vấn đề thiếu hụt giấc ngủ thực sự sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và thể chất của trẻ luôn. Học sinh không ngủ đủ giấc có thể kéo theo nhiều hệ lụy như:
Ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng học tập
Khi ngủ ít, ngủ không đủ giấc, trẻ sẽ rất dễ rơi vào cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên xuất hiện trong tình trạng ủ rũ, dễ lo lắng về mọi thứ xung quanh. Chỉ khi có một giấc ngủ ngon và đủ thời gian, trẻ mới có thể có nhiều năng lượng để đến trường và tiếp thu hiệu quả các kiến thức.
Nếu thiếu ngủ, chất lượng học tập của trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Mất ngủ làm con khó tập trung hơn vào bài vở, hay suy nghĩ lơ đễnh và cũng không thể ghi nhớ hay tư duy hết khả năng của mình.
Ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất
Ảnh hưởng thứ hai cũng quan trọng không kém đó chính là ngủ ít có thể kéo theo nhiều sự trì trệ trong quá trình phát triển thể chất. Trong khi tuổi đi học chính là độ tuổi đang phát triển mạnh mẽ về chiều cao, cân nặng.
Để con có một vóc dáng chuẩn chỉnh cùng chiều cao đáng mơ ước, ngoài yếu tố gen di truyền, chế độ dinh dưỡng hay vận động thì trẻ cũng cần được ngủ đúng giờ, sâu giấc. Theo các chuyên gia, hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất từ khoảng 23h trở đi và con cũng cần có một khoảng thời gian để hấp thu được các hormone tăng trưởng đó. Ngủ trễ hoặc ngủ không đủ giấc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chiều cao trong tương lai của trẻ.
Sức đề kháng giảm
Một mối nguy hại nữa là khi ngủ không đủ giấc, trẻ sẽ dễ nhiễm bệnh hơn do sức đề kháng suy giảm. Ngủ là hoạt động nghỉ ngơi của cơ thể, nếu cơ thể không có đủ thời gian hồi phục và tái tạo năng lượng, chắc chắn chúng không thể làm tốt nhiệm vụ trao đổi chất cũng như phản kháng với những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.