Nữ điều dưỡng và 15 phút sinh tử giữ em bé sơ sinh ở lại
Tối ngày 4-7, khi đang trên đường đi chơi về cùng chồng, đến thôn 6, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, chị Thảo phát hiện một người đàn ông bế cháu bé trên tay trong tình trạng hoảng loạn. Đằng sau ông, người nhà đang kêu khóc. Đoán có chuyện chẳng lành, chị Thảo bảo chồng dừng lại để chạy vào xem.
‘Lúc đó, tôi thấy cháu bé sơ sinh bị sặc sữa, ngừng thở và ngừng tim. Với linh cảm của một người mẹ và trách nhiệm của một nhân viên y tế, tôi đã cố gắng hết sức ép tim, hút sữa sặc, thổi ngạt, để cấp cứu cháu bé và cùng gia đình đưa cháu vào cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu’ - chị Thảo nhớ lại.
Sau gần 4 phút cố gắng cấp cứu trên xe taxi, đến được Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, chị Thảo đã bế cháu chạy vào thẳng khoa Hồi sức, sau đó cùng hỗ trợ với ekip trực để cấp cứu cháu bé.
'Chạy vào, tôi hô lớn rằng cháu bé đã ngừng thở ngừng tim rồi, các anh chị chuẩn bị bóp nội khí quản, bóp mát. Sau đó tôi giới thiệu là điều dưỡng Bệnh viện trẻ em Hải Phòng nên các anh chị Bệnh viện Đa khoa Thuỷ Nguyên đồng ý cho cùng cấp cứu' - chị Thảo nói.
Vài phút cấp cứu, thấy cháu bé vẫn chưa thở trở lại, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên lo lắng, một số người lo ngại về tình trạng của bé. "Tôi từng có kinh nghiệm 4 năm làm điều dưỡng tại khoa sơ sinh nên hiểu rằng tim trẻ sơ sinh dai lắm, động viên mọi người tiếp tục cố gắng. Một lúc sau tôi đã sờ vào động mạch bẹn của cháu bé và đã thấy có mạch đập, tôi lập tức báo với các anh chị ở đó và mới bớt lo lắng" - nữ điều dưỡng nhớ lại khoảnh khắc ấy.
"Lúc đó xong mọi việc tôi bắt đầu choáng váng. Ngày hôm đó tôi mất ngủ vì lo lắng, không biết bé có bị ảnh hưởng đến não không. Chỉ đến khi nhận được thông tin từ bệnh viện, biết bé đã ổn định, ăn ngủ tốt tôi rất mừng và nhẹ nhõm’ - chị Thảo kể.
Sau khi cháu bé có mạch đập trở lại, ekip trực của Bệnh viện Thủy Nguyên đã nhanh chóng chuyển ngay cháu sang bệnh viện Trẻ em để điều trị tiếp. Đến sáng ngày hôm sau, sau cuộc họp giao ban, chị Thảo mới nhận được thông tin về cháu bé và có kể với đồng nghiệp về trường hợp này. Lãnh đạo bệnh viện sau đó mới biết chính điều dưỡng của bệnh viện mình đã có công sức rất lớn trong việc cấp cứu trường hợp cháu bé này, giữ cháu ở lại cuộc sống.
Tốt nghiệp Cao đẳng y tế Hải Phòng, năm 2011, chị Thảo ra trường và công tác tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. Sau 4 năm công tác tại khoa sơ sinh, chị Thảo công tác tại khoa Hô hấp cho đến nay.
‘Chị Thảo như người mẹ thứ hai của cháu’
Ngay lập tức, gia đình gọi xe taxi của người quen cạnh nhà. Ông nội là người bế cháu chạy ra.
"Khi đó con tôi đã tím tái toàn thân, ngừng thở, cả nhà đã gần như không biết làm gì. Xe đến, bố tôi vừa khóc vừa bế cháu chạy. May mắn, đúng lúc đó, gia đình chị Thảo đi qua, thấy đám đông hô hoán chị chạy vào, xưng là cán bộ y tế bệnh viện ở Hải Phòng và giằng con trên tay bố tôi, xin được cấp cứu cho bé" – anh Tuyền kể lại.
Sự việc sau đó như lời chị Thảo nhớ lại. "Sau khi các chức năng sống của con hồi phục, tim đập trở lại, bệnh viện huyện đã bố trí xe cấp cứu và cử bác sĩ đưa bé ra Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để tiếp tục điều trị. Biết đây là bệnh viện nơi chị Thảo đang làm việc, gia đình tôi càng yên tâm hơn" – anh Tuyền nói.
Từ ngày định mệnh đó đến nay, con trai anh Tuyền đã khoẻ lại, cai được máy thở. Cháu cũng đã bú trở lại, hồi phục rất tốt.
"Gia đình tôi rất biết ơn chị Thảo cùng các y bác sĩ bệnh viện đã tận tình cứu chữa cho con tôi. Đối với gia đình tôi, chị Thảo như người mẹ thứ hai của cháu".
Hành động đáng tôn vinh, trân trọng
Buổi lễ khen thưởng chị Thảo càng thêm ý nghĩa, long trọng khi có sự tham dự của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM