Một trong những quy định mới cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Không thể phủ nhận học trên điện thoại di động là một trong những cách tiếp cận kiến thức mới phù hợp với sự chuyển mình mạnh mẽ của thời đại công nghệ số. Hiện đã có một số trường trên cả nước ứng dụng lợi thế của thiết bị này trong dạy và học.

Vậy nên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành quy định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập là “để bảo đảm ở một nơi nào đó, một lúc nào đó có điều kiện thuận lợi, giáo viên không bị hạn chế về việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh như một phương tiện để hỗ trợ học tập”. Hay nói cách khác, quy định này là một cách “hợp thức hóa” việc sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ giáo dục tại một số trường học nếu muốn.

Hẳn nhiên, phụ huynh lẫn giáo viên ai cũng nhìn thấy rõ mồn một việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong môi trường học đường (dù giáo viên cho phép) sẽ nảy sinh rất nhiều điều tiêu cực. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn những mặt tích cực của việc này để có một sự đánh giá công tâm và khách quan.

Hãy xem qua cách học trên điện thoại mà 3 trong số các trường đang áp dụng hiện nay như trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) và trường Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai).

hình ảnhHọc sinh Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai) sử dụng điện thoại tra cứu thông tin trong giờ học - Nguồn ảnh: vietnamnet

- Giáo viên không phải sử dụng giáo án giấy và học sinh không phải cặm cụi ghi bài. Mọi sự kết nối giữa giáo viên và học sinh đều thông qua một máy chủ. Các hoạt động từ cho bài tập, kiểm tra bài tập, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ HS… đều được thao tác trên máy. Vậy nên mỗi học sinh đều phải có máy tính bảng, laptop hoặc điện thoại thông minh để truy cập vào bài giảng.

- Giáo viên sẽ tạo điều kiện để học sinh học hỏi kinh nghiệm học tập từ các các chuyên gia, thủ lĩnh trẻ, cựu HS đang ở nước ngoài nhờ vào các ứng dụng như skype, fb…

- Học sinh dùng điện thoại để tra cứu thông tin bài học theo hướng dẫn của giáo viên. Thầy cô sẽ cung cấp cho các em link nguồn, hướng dẫn học trò cách đọc, cách tìm kiếm tài liệu, sàng lọc kiến thức...

Thầy hiệu trưởng trường Lào Cai cho biết: Trường chúng tôi có đến 90% học trò sử dụng smartphone đến nay, chúng tôi chưa thấy em nào hư hỏng vì sử dụng điện thoại cả". Thầy còn cho biết thêm "Từ năm học 2017 - 2018, khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào trong học tập và giảng dạy đến nay nhà trường đã hoàn thiện hệ thống mạng Wifi trên diện rộng với khoảng 500 - 700 học sinh có thể truy cập đồng thời".

Có thể nói, để việc học trên các thiết bị công nghệ đạt hiệu quả như trên, dễ dàng nhận thấy đối tượng học sinh là các em ở bậc THPT và hầu hết đều trên 14, lứa tuổi thích hợp để dùng smartphone - theo chuyên gia. Trong khi thông tư 32 cho phép học sinh dùng điện thoại đã mở rộng đến cả các em ở lứa tuổi 11, 12 (bậc học THCS) - đây là điều cần xem lại.

Tại sao ngay cả ông trùm công nghệ Bill Gate cũng không cho con sử dụng di động khi con chưa đủ 14 tuổi? 

hình ảnhẢnh minh họa - Nguồn ảnh: vietnamnet

Với trẻ ở tuổi tập nói, smartphone có thể làm gia tăng tình trạng chậm nói ở trẻ cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. 

Với trẻ lớn hơn, điện thoại di động có thể làm trẻ trở nên ù lì, lười vận động đầu óc. Trong giao tiếp hàng ngày, nếu trẻ phải huy động tất cả trí não và các giác quan để hình dung vấn đề, tương tác… thì khi sử dụng smartphone, việc giao tiếp chỉ mang tính chất một chiều. Nghĩa là thiết bị công nghệ xử lý hết cho trẻ, theo đó mà trẻ trở nên lười tư duy. Mặt khác, việc ngồi một chỗ bấm máy làm trẻ trở nên lười biếng và gia tăng nguy cơ béo phì.

Nguy hiểm hơn, những kết nối “ảo” trên mạng có thể làm trẻ bước vào các mối quan hệ nguy hiểm, dễ khiến trẻ bị dụ dỗ, bắt nạt, bắt cóc, tham gia vào các hành vi phạm pháp… Đặc biệt, khi con ở lứa tuổi 11, 12 thì “sức đề kháng” của con trước những điều này khá yếu ớt. Đây cũng chính là góc tối của các thiết bị công nghệ sử dụng Internet khó có thể khắc phục, gây nên nỗi bất an ở nhiều phụ huynh học sinh, dẫn đến sự phản đối việc cho học sinh mang điện thoại đến lớp.