Năm 1997, cậu bé Lưu Hoa Nam đang học lớp 8 của chị Vương Tú Vân 'tác động vật lý' một bạn học. Mẹ cậu là chị Tú Vân phải tới trường xin lỗi thầy cô và phụ huynh của em học sinh đó. Khi trở về, chị trách mắng con trai rất nặng nề.

Trong lúc vừa giận vừa khóc, chị nói: "Con hãy nhìn xem, con cái nhà khác đều nỗ lực học tập, đặt mục tiêu thi đỗ Đại học Thanh Hoa, còn con chỉ biết gây rắc rối cho cha mẹ". Hoa Nam bướng bỉnh đáp: "Con cũng có thể thi đỗ".

Trong thực tế, Hoa Nam học kém, nghịch ngợm, luôn đứng cuối lớp về cả học lực và xếp hạng hạnh kiểm. Cha mẹ của cậu thường xuyên bị mời tới trường, hoặc vì kết quả học tập đáng lo ngại của con trai, hoặc vì những rắc rối mà cậu gây ra ở trường.

Một hôm, khi hai mẹ con chị Tú Vân đang ở nhà thì có một người đến báo cha của Hoa Nam vừa gặp tai nạn lao động trên công trường xây dựng. Hai mẹ con lập tức chạy đến công trường. Khi đến nơi, Hoa Nam thấy cha đã băng bó vết thương ở đầu gối và đang tiếp tục đẩy xe chở vật liệu xây dựng trên công trường.

Cảnh tượng người cha bị thương vẫn cố gắng đẩy xe với đôi chân tập tễnh khiến Hoa Nam rất xót xa. Miếng vải buộc ở đầu gối thấm máu, nhưng người cha không để tâm và vẫn cố hoàn tất ngày làm việc để được tính công.

Hoa Nam chạy tới hỏi tình trạng vết thương của cha, ông trả lời vội vã: "Cha không sao, hai mẹ con về ăn cơm đi. Con nhớ phải làm bài tập về nhà đấy nhé".

hình ảnh

Lưu Hoa Nam chụp ảnh cùng mẹ và bà, ảnh: dSD

Lời dặn dò của cha khiến Hoa Nam muốn khóc. Giữa lúc làm lụng vất vả nhất, ông vẫn nhớ ngay đến việc cần nhắc con làm bài tập, để bớt đi những lần bị trách phạt trên lớp. Trở về nhà, Hoa Nam suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cậu thấy đã đến lúc cần phải học tập chăm chỉ.

Cha mẹ Hoa Nam đã luôn lao động rất vất vả để duy trì cuộc sống gia đình. Nếu muốn gia đình có sự đổi thay, khấm khá hơn, Hoa Nam là người duy nhất có thể làm nên đột biến. Con đường đúng đắn nhất đối với cậu thiếu niên chính là học tập.

Khi Hoa Nam bước vào những năm cuối trung học, cậu học tập chăm chỉ, nỗ lực hết mình trước sự bất ngờ của các giáo viên, điểm số của cậu tăng dần. Từ một học sinh cá biệt luôn có điểm số đứng cuối lớp, lại hay gây rối khiến gia đình và nhà trường "đau đầu", Hoa Nam bắt đầu thăng hạng, vươn lên top học sinh khá, rồi top học sinh giỏi đứng đầu lớp.

Trước khi Hoa Nam đi thi đại học, chị Tú Vân nói với con trai: "Cha mẹ rất vui vì con đã nỗ lực thay đổi và có nhiều tiến bộ. Kết quả đi thi đại học của con thế nào, cha mẹ cũng vui lòng".

Năm 2001, Hoa Nam thi đỗ chuyên ngành kiến trúc cảnh quan của Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh với số điểm 645/750. Dù không đỗ vào Đại học Thanh Hoa danh tiếng, nhưng kết quả cậu đạt được vẫn nằm ngoài sự hình dung của mọi người.

Đối với gia đình, việc Hoa Nam thi đỗ đại học là chuyện không tưởng. Để cổ vũ tinh thần thêm cho con trai, chị Tú Vân cũng quyết tâm thực hiện lời hứa của mình trước đó: Nếu con thi đỗ đại học, mẹ sẽ trở thành nhà văn

Ở thời điểm nói ra câu này, chị Tú Vân không suy nghĩ gì nhiều, nhưng cậu con trai ngang bướng của chị đã lấy giấy bút ra để viết một bản cam kết "giấy trắng mực đen": "Mục tiêu của Lưu Hoa Nam là thi đỗ Đại học Thanh Hoa. Mục tiêu của Vương Tú Vân là trở thành nhà văn".

Về chị Tú Vân, chị vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo đông con. Là con gái cả, chị đã phải hy sinh rất nhiều để hỗ trợ cha mẹ làm công việc đồng áng, cũng như chăm sóc các em nhỏ hơn. Chị Tú Vân thất học, mù chữ. Năm 1982, ở tuổi 22, chị kết hôn với anh Lưu Kinh Khoa. Một năm sau, chị sinh con trai Lưu Hoa Nam.

hình ảnh

Người mẹ từ không biết chữ trở thành nhà văn vì thực hiện lời hứa với con trai, ảnh: DSD

Sau khi con trai đi học đại học, chị Tú Vân không quên bản cam kết từng thực hiện với con, chị bắt đầu nỗ lực học chữ. Chồng của chị Tú Vân là người đọc thông viết thạo, anh đã dạy vợ học chữ. Chỉ sau hai năm, chị Tú Vân thoát khỏi cảnh mù chữ. Mục tiêu tiếp theo của chị là tập làm văn.

Về Hoa Nam, càng lớn cậu càng có chí hướng học hành. Sau khi ra trường và đi làm được 2 năm, chàng thanh niên tâm sự với cha mẹ rằng, cậu muốn học cao học tại Đại học Thanh Hoa. Gia đình ủng hộ Hoa Nam, chị Tú Vân lại càng nỗ lực rèn luyện việc viết văn để "không thua" con trai.

Chị mua nhiều sách văn học về đọc miệt mài, khi đọc được những câu văn hay, chị ngồi chép lại nhiều lần. Dần dần, Tú Vân thử viết truyện ngắn gửi tới các tờ tạp chí. Khi thấy các truyện ngắn của mình dần được đăng tải đều đặn, chị bắt đầu luyện viết tiểu thuyết.

Năm 2007, Hoa Nam hoàn tất mục tiêu trúng tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Thanh Hoa.

Chị Tú Vân cũng bắt đầu gửi bản thảo đến các nhà xuất bản. Tính đến năm 2015, chị đã có một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết được xuất bản như "Cuộc sống ở một thị trấn nhỏ", "Cuộc sống hạnh phúc trên nông trại" hay "Gia đình họ Ngưu".

Những tác phẩm của nữ nhà văn Vương Tú Vân đều lấy bối cảnh đời sống nông thôn với những câu chuyện giản dị nhưng tràn đầy xúc cảm, được viết ra bằng chính trải nghiệm thực tế và quan sát tinh tế của chị. Từ một nữ nông dân mù chữ, Vương Tú Vân trở thành thành viên của Hiệp hội Nhà văn tỉnh Sơn Đông.