Thay vì giúp con vượt qua nỗi sợ thì người mẹ lại chọn cách la mắng, dọa nạt con phải xuống nước tập bơi cho bằng được.

Cha mẹ nào cũng mong con mình giỏi giang, chính vì thế, hầu như rất ít người cảm thấy hài lòng và không bao giờ thôi đặt kỳ vọng ở con. Đây là điều hiển nhiên, vì trong thâm tâm cha mẹ cũng chỉ mong con mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi những kỳ vọng ấy lại quá cao, nhiều bố mẹ chỉ dựa vào những tiêu chuẩn của bản thân đặt ra khi dạy dỗ con cái mà quên đi con vẫn là đứa trẻ, vẫn sợ hãi và sẽ có những điều con chưa làm được. Mới đây một số người khi chứng kiến cảnh người mẹ mắng con ở hồ bơi vì không chịu xuống nước học bơi đã lắc đầu ngán ngẩm, thương cho đứa bé tội nghiệp chỉ mới 6 tuổi đã chịu áp lực lớn.

Hôm nay con không chịu xuống nước thì khỏi về nhà

Một người mẹ đưa con 6 tuổi đi học bơi nhưng vì là lần đầu tiên nên đứa bé sợ khi chạm nước và nhất quyết bám lấy mẹ, không xuống hồ. Lúc đầu người mẹ vẫn kiên nhẫn, nhẹ nhàng khuyến khích con xuống nước, nói con hãy dũng cảm lên, chỉ cần con chịu xuống nước mẹ sẽ mua đồ chơi cho.

Nhưng 20 phút trôi qua, đứa bé vẫn không chịu xuống nước, cuối cùng, mất kiên nhẫn, người mẹ nói nếu con đã đòi đi học bơi thì con phải xuống bơi cho mẹ. Lúc này đứa bé bắt đầu khóc, nhìn thấy thầy dạy bơi đã đến, người mẹ thấy xấu hổ về con mình nên hét lên với con: “Hôm nay con không chịu xuống nước thì khỏi về nhà nữa”.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: askthescientists

Đứa bé càng khóc to hơn, nhưng trước sự giận dữ và những lời la mắng không ngừng của mẹ, đứa bé đã xuống nước với vẻ mặt đầy sợ hãi và nước mắt. Thật ra có những đứa trẻ sợ nước, vì là lần đầu tiên, thay vì trấn an con, ngược lại người mẹ lại la mắng con, quên mất con mình vẫn là đứa bé 6 tuổi, vẫn có những nỗi sợ trẻ con và cần mẹ che chở.

Giận dữ và la mắng là cách giáo dục vô dụng nhất

Quá trình từ kiên nhẫn khuyên bảo đến la mắng xảy ra ở hầu hết mọi gia đình. Tuy nhiên la mắng chưa bao giờ là cách giáo dục hay, cũng chẳng ai muốn, nhưng ở một số trường hợp phải chấp nhận nó xảy ra.

Riêng với đứa bé lần đầu học bơi sợ xuống nước, rõ ràng con đang sợ hãi, con không làm gì sai, việc mẹ la mắng, dọa nạt con lúc này là mẹ sai. Con không mắc lỗi gì vẫn bị mẹ la mắng sẽ khiến tinh thần của con hoảng loạn, hoang mang và để lại tổn thương tâm lý lâu dài.

Trên thực tế, trẻ có thể nhận thức được lỗi lầm hay không trước hết phụ thuộc vào cảm xúc của trẻ lúc đó chứ không phải lời la mắng của cha mẹ. Trong tâm lý học có một lý thuyết "cửa sổ chịu đựng cảm xúc", có nghĩa là chỉ khi cảm xúc của chúng ta nằm trong ngưỡng chịu đựng, chúng ta mới có thể duy trì tư duy lý trí.

Nhà văn Adele Faber nói: “Nếu bạn muốn giúp con mình, bạn phải đối mặt với cảm xúc của chúng”. Khi mọi bậc cha mẹ đối mặt với vấn đề của trẻ, cách thông minh là giải quyết cảm xúc của trẻ trước, sau đó xem xét cách giải quyết vấn đề.

4 điều cần làm để giao tiếp tốt với con

1. Đôi tai biết lắng nghe

Nhiều cha mẹ chỉ nghĩ về cách dạy dỗ, răn bảo con mà quên cách lắng nghe con. Đứa trẻ rất cần được cha mẹ lắng nghe chứ không chỉ ngồi im nghe cha mẹ nói. Trẻ con cũng là một thành viên trong gia đình, cũng cần cha mẹ hiểu mình. Chúng ta có 2 tai và một cái miệng, chính là để nói ít và lắng nghe nhiều hơn.

2. Quan sát con nhưng không áp đặt

Là cha mẹ, chúng ta sẽ luôn dõi theo con cái, tuy nhiên đừng dùng ánh mắt soi mói, giám sát, áp đặt lên con sẽ cản trở con phát triển, đồng thời cảm thấy khó chịu, không muốn giao tiếp với cha mẹ nữa.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

3. Trái tim tổn thương

Đôi khi cha mẹ không nhận ra những bất ổn trong tâm lý của con cái khiến giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trở nên gay gắt, thậm chí đẩy con vào buồn bã và thất vọng. Khi cha mẹ thực sự bước vào trái tim của trẻ để hiểu chúng, cha mẹ đã đạt đến bước đầu tiên của giao tiếp. Tương tự như trường hợp của đứa trẻ 6 tuổi ở trên, người mẹ chỉ dựa vào suy nghĩ của mình mà không đoái hoài đến cảm nhận của con, đây thực sự là một sai lầm.

4. Giao tiếp hài hước thoải mái thay vì nghiêm túc và buồn tẻ

Cách thuyết phục con cái một cách thoải mái và hài hước để thay thế cho những lời thuyết giảng nghiêm túc và nhàm chán trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn. Bởi vì điều một đứa trẻ cần không phải là sự dạy dỗ trống rỗng, cứng nhắc, mà là sự thấu hiểu và giao tiếp từ trái tim.

Xem thêm: 

Vài vấn đề lưu ý khi trẻ sơ sinh thở mạnh.

Lựợng vitamin A phù hợp cho bà bầu trong thai kỳ.

Bổ sung kẽm cho bà bầu để giảm nôn nghén.