Lười một chút đôi khi lại dễ dàng dạy con nên người.

Cha mẹ là những giáo viên đầu tiên của con cái. Những gì cha mẹ dạy dỗ rất quan trọng đối với mỗi một đứa con. Vì vậy, khi giữ trên mình trọng trách nuôi dưỡng con cái, cha mẹ luôn tìm đủ mọi phương thức giáo dục để con có thể trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Thế nhưng, tất bật lo toan nhiều điều đôi khi lại chẳng bằng những lúc tỏ ra lười biếng.

Hãy nghiệm mà xem nếu cha mẹ luôn tay luôn chay làm hết mọi việc, cho con tất cả mọi thứ sẵn có thì đứa trẻ liệu sẽ trở nên như thế nào? Thành công hay thất bại?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng trong một vài khía cạnh cha mẹ càng lười biếng càng dễ dạy con nên người. Và đây là những gì họ muốn bố mẹ dành thời gian để thử nghiệm:

1. Quá lười để chiều theo ý con

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Brightside

Nhiều bố mẹ trải qua một tuổi thơ thiếu thốn. Đến khi trưởng thành có chút điều kiện lại chỉ muốn con mình được hưởng thụ. Cũng có nhiều gia đình con sinh ra đã ngậm thìa vàng và mặc nhiên không để các bé phải đụng tay làm bất cứ việc gì. Họ sẵn sàng mọi thứ trước mắt rồi dâng đến miệng, mời đến tay con kể cả khi con chưa kịp ra “yêu sách”.

Nhưng những bố mẹ lười biếng lại chọn cách để con tự có tất cả. Đó là tiền đề quan trọng để một đứa trẻ tìm cách có được thứ mình muốn, tự làm điều mình mong và tự hình thành thói quen tốt cho bản thân. Những bố mẹ lười biếng thật sự hạnh phúc với lựa chọn của mình bởi việc khước từ một vài yêu cầu của con sẽ rất hữu ích trong việc nuôi dưỡng sự độc lập và trưởng thành của trẻ trong tương lai. Khi không được bố mẹ thỏa mãn dọn sẵn cho tất cả, đứa trẻ sẽ có ý thức tự mình phục vụ mình. Trong quá trình “lao động” này, nó nhận ra nhiều giá trị bản thân và ngày càng say sưa, thích thú khám phá tiềm năng của chính mình. Nhờ đó những đứa trẻ này sẽ tôi luyện bản lĩnh và làm chủ cuộc đời mình.

2. Quá lười để than vãn

Cuộc sống có quá nhiều lo toan. Cha mẹ gánh trên vai trách nhiệm mưu sinh, giáo dục con cái lại càng thêm nặng nề. Khó có thể tránh được những lúc mệt mỏi và than vãn như một cách để giải tỏa tức thời những bức bách cuộc sống. Thế nhưng họ lại không nhận ra rằng than vãn từ chỗ là một nhu cầu giải tỏa căng thẳng sẽ trở thành thói quen và là căn bệnh mãn tính.

Sống trong nhà mà suốt ngày nghe những lời than vãn, thay vì những ngôn từ truyền năng lượng tích cực đứa trẻ từ chỗ chán nản sẽ dần học theo thói xấu này. Khi gặp chút khó khăn hay khi nếm mùi thất bại, chúng sẽ chỉ biết cách than vãn để qua chuyện mà không tận dụng thời gian để tìm cách thoát khỏi bế tắc hay nối lại thành công. Một đứa trẻ nhận nguồn năng lượng tiêu cực từ bố mẹ sẽ không bao giờ có thể trở nên lạc quan và sống tích cực, dần dần chúng sẽ chỉ còn muốn rúc mình vào vỏ ốc của bản thân, chấp nhận thua cuộc một cách dễ dàng. Do đó, muốn con nên người cha mẹ hãy lười biếng than vãn mỗi ngày đi nhé!

3. Quá lười để cằn nhằn

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Brightside

Không ít bố mẹ bị ảnh hưởng bởi tuổi thơ khi sống với những bố mẹ hay cằn nhằn và bây giờ, họ tiếp tục trở thành những bố mẹ ưa cằn nhằn. Khi con sai lỗi, họ lôi ra rất nhiều lý luận và lý lẽ để nhồi vào tai con. Một lần chưa đủ, cả ngày và cả tuần vẫn cứ hoài một “bài ca” rồi tự mình an ủi “mưa lâu thấm đất”. Nhưng họ không biết cằn nhằn chưa bao giờ là cách giáo dục hiệu quả, nhất là đối với trẻ em. Xét cho cùng, không đứa trẻ nào muốn cha mẹ chúng cứ gieo rắc những lời ù ù như muỗi vò trong tai hết ngày này sang ngày khác. Các bé cần một môi trường sống tích cực và chuyển động. Thế nên, hãy một lần dứt khoát nói rõ cho con biết con sai ở đâu và cùng trẻ khắc phục sai lầm của mình. Hành động bao giờ cũng là bài học ghi dạ khắc cốt có ích hơn những câu lý thuyết suông.

4. Quá lười để làm người đọc sách

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Brightside

Đọc sách cho con nghe có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, nhưng tốt hay không còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Nếu trẻ vẫn còn nhỏ, tất nhiên đó là hoạt động không thể thiếu trong lịch sinh hoạt của gia đình. Nhưng nếu đứa trẻ đã có khả năng suy nghĩ độc lập, đã biết đọc viết mà bố mẹ vẫn cầm sách đọc vanh vách cho con nghe thì vô tình nó sẽ trở thành một chướng ngại cho sự phát triển của các bé. Bởi vì khi không có "lời nhắc nhở tử tế" từ cha mẹ, trẻ sẽ tìm cách bắt bộ não của mình phải hoạt động và chúng sẽ qua thời gian được tôi luyện để trở nên nhạy bén hơn.

Tóm lại, nếu muốn con trưởng thành, nên người đức cao tài rộng thì cha mẹ hãy cố gắng để bản thân mình được lười biếng ít nhất trong 4 khía cạnh nêu trên. Bằng cách này, cha mẹ lười biếng có thể cứu con mình khỏi những rắc rối và để trẻ tự do phát triển theo hướng tích cực hơn.