Cha mẹ cư xử khéo, có trước có sau thì giáo viên cũng quý mến và đối đãi tốt với con em mình. Dưới đây là những kiểu phụ huynh được giáo viên mầm non quý mến hơn những người khác.

Ông bà ta vẫn nói “cha mẹ hiền để đức cho con”. Không phải đợi đức phúc đến đời sau mới hưởng mà ngay chính cách đối nhân xử thế của cha mẹ hôm nay cũng đã thấy ngay quả ngọt.

Không ít phụ huynh bỏ số tiền lớn cho con học tại trường nhưng lại không biết cách cư xử, thậm chí xem thường nghề nghiệp của cô giáo. Thái độ này không chỉ khiến các cô giáo tủi thân mà còn ảnh hưởng không tốt đến con mình. Trong khi đó, có những phụ huynh được giáo viên mầm non quý mến và tin tưởng. Họ là những người được nhiều hơn mất và con của họ cũng vậy.

hình ảnh

Trẻ mẫu giáo khi tách khỏi gia đình đến môi trường tập thể là một bước chuyển lớn, có xáo trộn tâm lý nên rất cần được chăm sóc. Lúc này cha mẹ nên là người chủ động kết nối với giáo viên để giúp con nhanh chóng hòa nhập với các bạn thay vì xăm soi từng chút một để đổ lỗi. Không ít phụ huynh chưa dạy con ngoan, khi con nhập học gây ra lỗi lại lập tức trách mắng, dọa nạt thầy cô. Đây là thái độ rất đáng lên án.

Để môi trường học tập trở thành nơi con làm quen với xã hội thu nhỏ, bố mẹ hãy cố gắng phối hợp với thầy cô trong tinh thần trách nhiệm và công tâm.

Dưới đây là 3 kiểu phụ huynh được giáo viên quý mến:

Không quá tin lời con, hãy nghe thêm lời giải thích của giáo viên

Trẻ con không biết nói dối nhưng đôi khi trẻ con chẳng phải luôn luôn nói sự thật. Vì một lý do nào đó, bé có thể kể khác đi sự thật xảy ra ở trường. Lúc này, nếu sáng suốt, cha mẹ không nên vội gạt đi lời nói của con mà hãy đón nhận. Sau đó, tiếp tục lắng nghe và đối chiếu từ lời nói của cô giáo. Phụ huynh trong những sự cố giữa con và nhà trường hoặc cô giáo nên là người giữ cán cân công bằng. Không nên quá áp đặt những suy nghĩ “trẻ con luôn đúng” của mình để bắt các giáo viên chịu tội nếu sự việc không quá hệ trọng.

Điều nên làm làm phải tin tưởng, tôn trọng và phối hợp cùng các giáo viên. Bằng nghiệp vụ sư phạm của mình, các cô sẽ biết cách để hóa giải sự việc. Nếu bé bị phạt trên lớp với hình phạt đúng mực, cha mẹ hãy từ tốn hỏi lý do để biết nguyên căn sự việc thay vì nổi nóng và đổ hết lỗi lên đầu giáo viên. Về chuyện học hành, muốn biết con tiến bộ thế nào, bản thân phụ huynh cũng cần chủ động hỏi cô giáo, thay vì chỉ nghe mỗi lời của con. Lắng nghe từ nhiều phía sẽ giúp bố mẹ hiểu chuyện hơn và hành xử công bằng cả với con, lẫn với giáo viên. Nếu chuyện nhỏ nhặt cũng làm lớn sẽ chỉ càng khiến con khó hòa nhập với môi trường tập thể.

Lo lắng cho con nhưng không làm xáo trộn công việc dạy dỗ của giáo viên

Giáo viên rất hoan nghênh những phụ huynh thường xuyên thăm hỏi tình hình của con. Điều đó cho thấy họ rất quan tâm đến việc học, sinh hoạt, ngủ nghỉ của con mình. Nhưng cái gì cũng có chừng mực. Nếu bố mẹ lo lắng đến mức vi phạm nội quy trường, lén theo dõi con khi trường đã quy định giờ đóng cửa thì điều đó sẽ gây ra những xáo trộn không hay trong môi trường giáo dục. Xuất phát từ tình thương nhưng hành vi theo dõi con từng li từng tí không được giáo viên ủng hộ. Các thầy cô giáo cũng cần thời gian để soạn giáo án, lo cuộc sống của riêng mình và đảm bảo an toàn của các học sinh còn lại. Nếu phụ huynh liên tục gọi điện hỏi thăm từng ngày hoặc không chịu rời lớp ra về mỗi buổi học sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cô giáo mà còn khiến các học sinh khác trong lớp bị ảnh hưởng.

Vội vã kết tội giáo viên

Vội kết tội không phải là kiểu phụ huynh được giáo viên quý mến. Con xảy ra chuyện gì, dù chỉ là 1 vết bầm, vết xước cũng khiến lòng cha mẹ như lửa đốt. Nhưng đừng vì xót xa con mình mà cha mẹ quên mất giáo viên khi chịu đứng lớp cũng mang trên mình trách nhiệm nặng nề với mấy chục học sinh cùng lứa. Nếu chưa tìm hiểu rõ sự việc đã vội quy tội cho giáo viên hay thậm chí mắng chửi vô tình sẽ khiến các con học theo lối hành xử lỗ mãng, thiếu tôn trọng người dạy dỗ mình. Bản thân cha mẹ, không ít người còn nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra, gởi con học là phủi trách nhiệm mà không biết rằng có những hành vi của con là bộc phát từ tâm lý bất ổn mà nguyên nhân đến từ gia đình.

Luôn luôn, giáo dục là sự phối hợp nhịp nhàng từ phía phụ huynh và nhà trường, các thầy cô giáo. Nếu muốn biết những gì xảy ra ở trường hãy hỏi han con sau mỗi ngày học. Khi có chuyện không hay, hãy lắng nghe trước khi quy tội. Đứng trên nhiều góc độ nhìn nhận sự việc sẽ cho thấy phụ huynh là người sáng suốt. Nhờ cách cư xử khôn khéo, phụ huynh không chỉ làm gương cho con mà còn chiếm được cảm tình của giáo viên để dù không gởi gắm, họ cũng ra sức dạy dỗ các bé như chính con ruột mình.