Thật ngạc nhiên khi có đến 15 nhà chuyên môn thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt 1 mà “phiên bản cuối cùng” vẫn đầy “sạn”.

Tôi thật ngạc nhiên khi biết có đến 15 nhà chuyên môn thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt 1. Họ là ai? Theo thanhnien, họ là những nhà khoa học có uy tín, những thầy cô đến từ các trường ĐH sư phạm và ít nhất 1/3 hội đồng là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên cả nước.

15 chuyên gia có 15 ngày nghiên cứu SGK độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả SGK đăng ký thẩm định. Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và tiến hành bỏ phiếu. Hội đồng sẽ gặp gỡ thông báo cho tác giả SGK ý kiến đánh giá của hội đồng.

Có thể nói, quy trình thẩm định như trên là rất kỹ lưỡng, đòi hỏi cái tâm, cái tầm và trách nhiệm luôn ở mức cao nhất của những người gánh trên vai nhiệm vụ nhặt “sạn”. Đặc biệt sự công tâm, trong sáng vượt qua “cám dỗ” của các thể loại “phong bì” (nếu có) là điều làm nên chất lượng cuối cùng của bộ sách giáo khoa. 

Trong số các bộ sách thì bộ Cánh Diều được nhiều trường ở nhiều địa phương trên cả nước chọn nhất. Song đây cũng là bộ sách gây tranh cãi nhiều nhất. Theo nhóm tác giả cho biết đây là bộ SGK duy nhất có bản thảo của đầy đủ các môn được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu "đạt" tuyệt đối.

hình ảnhNguồn ảnh: VNE

Đến thời điểm này, khi con cái chúng ta tiếp cận bộ sách hơn một tháng, cũng là bấy nhiêu đó thời gian giáo viên, cha mẹ “vật vã’  cùng các con, vậy nên không có lý do gì để bảo rằng các ý kiến phản ánh của thầy cô, phụ huynh là chủ quan, phiến diện. Sự bức xúc về bộ sách không dừng ở một cá nhân, một nhóm người mà lan rộng khắp xã hội, ngay cả các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành cũng phải lên tiếng. Chính vì vậy, chúng ta buộc phải xem xét lại trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách. Những lá phiếu “đạt” có thật sự đến từ cái tâm trong sáng và quá trình làm việc nghiêm túc với ý thức cao rằng nếu thẩm định chểnh mảng, cẩu thả là đang “đầu độc” cả một thế hệ.

Về phía bộ phận biên soạn sách, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 khẳng định những người biên soạn sách đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình nhưng Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Time School nhận định: “Khi biên soạn bộ SGK này, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt, nên các tác giả đã không hình dung được SGK của mình sẽ được sử dụng để đào tạo con người nào”.

hình ảnh

Tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của Tác giả bài viết “Kho tàng cổ tích, ngạn ngữ Việt rất nhiều, sao phải vay mượn nước ngoài làm sách?” trên tuoitre: “Triết lý giáo dục nền tảng là bắt nguồn từ bầu sữa mẹ, từ triết lý văn hóa dân tộc Việt Nam”. 

Không có lý do gì chúng ta đưa ngữ liệu nước ngoài vào sách giáo khoa mà bỏ qua cả một kho tàng văn học, ngữ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Rõ ràng người biên soạn đã quên rằng dạy tiếng Việt cũng chính là dạy văn hóa cho trẻ nhỏ, hun đúc tinh thần yêu quê hương, đất nước, giúp các con kết nối với nguồn cội.

Lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chính là nỗi lòng của phụ huynh chúng tôi: “Các ý kiến dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GD-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học”.