Dấu hiệu đầu tiên cần chú ý là tình trạng chảy máu có thể đi kèm cảm giác đau hoặc không đau khi đi vệ sinh. Vết máu là dấu hiệu sớm nhất và thường gặp khi bị bệnh trĩ. Ở cấp độ nhẹ, việc chảy máu có thể không gây đau đớn nên nhiều người chủ quan, thực tế, dù chỉ là vài giọt máu trên giấy vệ sinh hay trong bồn cầu lúc đi tiêu cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh trĩ. Đặc biệt trong trường hợp trĩ nội, búi trĩ xuất phát từ phía trên hậu môn, khi gặp tình trạng này bệnh nhân thường cũng không cảm nhận được vì không có triệu chứng đau hay khó chịu. Vết máu là dấu hiệu cho thấy có thể phân khi đi ngang hậu môn để ra ngoài đã gặp phải búi trĩ và làm trầy xước bề mặt gây chảy máu.

Bên cạnh chảy máu, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ khác thường bị bỏ qua là cảm giác ngứa hoặc kích ứng ở vùng hậu môn. Tuy chưa phát triển đến mức đau rát do nứt hậu môn như bệnh trĩ nặng, nhưng niêm mạc ống hậu môn bị tổn thương có thể bài tiết ra dịch nhầy, gây ẩm ướt, ngứa rát và khó chịu cho bệnh nhân. Với trĩ ngoại hoặc trĩ nội đến cấp độ nặng, búi trĩ sa lòi xuống dưới hậu môn, vùng da xung quanh có thể sưng hoặc loét, cơn đau đột ngột xuất hiện ở vùng hậu môn và đặc biệt đau đớn khi ngồi xuống hay đi vệ sinh.

Nguy cơ mắc bệnh trĩ ngày càng cao, nhất là lực lượng lao động văn phòng

Nếu như tuổi tác là yếu tố làm gia tăng khả năng bị bệnh trĩ do cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn trở nên lỏng lẻo, nhão dần, thì thực trạng hiện nay, chế độ sinh hoạt lại khiến độ tuổi mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ và rộng rãi hơn. Thói quen ăn ít chất xơ, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống không đủ nước, thừa cân béo phì, lao động chân tay nặng hoặc ngồi nhiều là những tác nhân chính làm tăng nguy cơ táo bón dẫn đến khả năng mắc bệnh trĩ cực kỳ cao. Theo các bác sĩ, tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở dân văn phòng trẻ tăng cao nguyên nhân lớn là do việc ngồi lâu ở một tư thế khiến lưu thông máu ở vùng hậu môn và trực tràng không được tốt, dẫn đến hoạt động của cơ thắt hậu môn không được liên tục. Nguy hiểm nhất là việc ngồi lâu khiến cơ hậu môn mở, đi kèm với đại tiện không đúng giờ làm mất dần phản xạ đại tiện, ảnh hưởng đến nhịp độ và tần suất của đại tiện, dẫn đến hiện tượng táo bón.

Bên cạnh đó, thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh dùng điện thoại khiến thời gian đi đại tiện kéo dài cũng tăng cao nguy cơ bệnh trĩ.