Hè là dịp để học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, bồi dưỡng năng khiếu, vui chơi, giải trí... Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, các hoạt động vui chơi giải trí bị hạn chế. Làm thế nào để trẻ có những ngày hè vui, bổ ích, an toàn trong đại dịch là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Chủ động từ mỗi gia đình

Thời điểm này năm trước, khi sống trong dịch Covid-19, ba mẹ loay hoay không biết phải làm gì để con mình có một kỳ nghỉ hè bổ ích, đáng nhớ. 

Để giúp con bớt nhàm chán trong những ngày hè tại nhà, chúng ta mua dụng cụ cần thiết để con tập vẽ; mua những cuốn sách hợp tuổi của con để tạo thói quen đọc sách cho con; cài đặt các phần mềm học tiếng Anh để con có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp… Đặc biệt là vào ngày nghỉ, chị dành thời gian để dạy con nấu ăn, làm việc nhà…

Một năm trôi qua, con gái chị nay đã là học sinh lớp 7, biết nấu cơm, làm việc nhà; đặc biệt là biết tự tìm các cuộc thi trực tuyến để tham gia. Hiện tại, con gái đang chuẩn bị tham gia các cuộc thi vẽ tranh… “Thấy con bận rộn với các cuộc thi, chia sẻ việc nhà với mẹ, mùa hè năm nay dù nghỉ dịch ở nhà nhưng tôi thấy yên tâm hơn nhiều so với một năm trước đó” - chị Hân bộc bạch.

Với gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hè năm nay cả gia đình không thể đi du lịch, 2 cô con gái không thể đến các lớp năng khiếu, kỹ năng, ngoại ngữ. Để yên tâm khi đi làm, vợ chồng chị đón bà ngoại vào ở cùng. Chị mua sách khoa học thường thức, truyện, dụng cụ vẽ, đồ chơi để các con giải trí. Đồng thời, để các con không quên kiến thức trong thời gian nghỉ ở nhà, mỗi sáng trước khi đi làm chị giao bài tập, từ vựng để các con học. Tối sau khi ăn cơm xong, chị kiểm tra bài tập trong ngày của con và dành thời gian chơi với con.

Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, chị nấu một vài món ăn gia đình và yêu cầu các con cùng tham gia góp sức vừa để tạo sự gắn kết giữa cha mẹ và các con, vừa để các con biết thêm về nữ công gia chánh, đặc biệt là giúp con hạn chế việc xem tivi, các thiết bị thông minh.

Chị Đặng Thị Hồng Sáu (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán, vợ chồng chị đã có kế hoạch hè này sẽ cho các con về quê thăm ông bà nội, ngoại. Các con chị nghe tin được về quê thì rất háo hức. Thế nhưng, chưa kết thúc năm học thì dịch bùng phát trở lại khiến cho kế hoạch về quê bị “phá sản”.

Không thể về quê, các con không thể đi học hè, vợ chồng chị làm công nhân, thời gian nghỉ phép có hạn. Cách mà chị Sáu chọn là cho 2 con tự trông nhau ở nhà. Con trai lớn năm nay học lớp 6 được cha mẹ dạy nấu ăn, ở nhà tự nấu ăn cho em. Cô con gái năm nay học lớp 2 thì tập làm quen với công việc nhà. Gần 2 tuần nghỉ học, các con chị đã quen với việc tự chăm sóc bản thân, làm một số việc nhà khi cha mẹ đi làm, thậm chí là vui hơn khi được cha mẹ ghi nhận sự tiến bộ mỗi ngày.

Kết hợp vừa học, vừa chơi

Không thể phủ nhận hè là dịp để học sinh nghỉ ngơi sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, nếu 3 tháng hè học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi hoàn toàn chưa hẳn đã tốt, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, vấn đề an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Theo em, kỳ nghỉ hè nên kết hợp vừa học, vừa chơi.

Học ở đây không phải là đến các lớp học thêm để ôn tập văn hóa hay học trước chương trình mà học ở đây là học thông qua các trò chơi; học qua các cuộc thi trực tuyến; học qua việc đọc sách, đọc truyện… Đối với các cuộc thi trực tuyến, hiện nay với sự phát triển của internet và mạng xã hội, chỉ cần vào Google gõ từ khóa cuộc thi trực tuyến do các cấp, các ngành tổ chức dành cho trẻ em hoặc thiếu nhi sẽ không khó để tìm ra cuộc thi trực tuyến phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi…

Cá nhân em bằng cách này cũng đã tham gia rất nhiều cuộc thi như: tìm hiểu và sưu tập tem bưu chính, vẽ tranh Bác Hồ với thiếu nhi - thiếu nhi với Bác Hồ, vẽ tranh về an toàn giao thông, vẽ tranh bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vẽ tranh về gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ…