Trời nắng nóng như thế này, nhà nào chẳng dùng máy điều hòa phải không? Nhưng nếu đang dùng mà gặp cảnh tượng như vụ việc em kể dưới đây chắc chỉ có nước bỏ chạy.

Mới hôm qua lướt mạng xã hội cùng các trang Kiến thức và Dân Trí, em đọc được tin kể về nhà nọ ở Tây Ninh sau thời gian dài không dùng máy điều hòa, nay trời nóng quá mới mở lên, dù điều chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp nhất, 16 độ C nhưng cả nhà vẫn không thấy mát. Rồi họ ngó lên máy điều hòa thấy cái đuôi thò ra. Hoảng hốt họ gọi cho thợ sửa điều hòa đến kiểm tra. Lúc mở dàn lạnh ra thì hỡi ôi, cả gia chủ lẫn thợ sửa đều khiếp vía, ‘hồn xiêu phách lạc’ vì có tới 4 – 5 con rắn làm tổ trong đó, con nào cũng có màu xanh lá. Lấy lại bình tĩnh, người thợ sửa điều hòa dùng các thiết bị và đứng từ xa kẹp rắn ra ngoài rồi lần lượt diệt chúng ngay dưới sàn nhà. Trong khi đó, chủ nhà lo lắng nên đăng vụ việc lên mạng kèm câu hỏi loại này có độc không?

hình ảnh


Ảnh chụp vụ việc. Nguồn: Nhân vật cung cấp. 

Theo thợ sửa điều hòa, 2 loại rắn thường dễ chui vào điều hòa nhất là rắn cườm và rắn ráo. Tất cả đều không nguy hiểm đến tính mạng con người, song với những người không có kinh nghiệm chúng thường mang đến nỗi sợ hãi và lo lắng. Theo quan sát, vì ngôi nhà này là nhà cấp 4 lại nằm kế bãi đất trống với cây cỏ mọc dại xung quanh rất nhiều, đây chính là nơi lý tưởng để bọn rắn sinh sống. Vì vậy, nếu xung quanh nhà chị em có nhiều cây cối thì nên định kỳ kiểm tra điều hòa thương xuyên, tránh các con vật như rắn, chuột chui vào ẩn nấp rồi cắn dây điện làm hỏng hóc các thiết bị.

Thật ra mà nói, trước giờ không hiếm các vụ rắn chui vào điều hòa ở nhà, nhất là các khu vực gần cây cối rậm rạp, mọc um tùm. Tuy nhiên, đối với vụ việc em mới kể ra đây, số lượng rắn chui vào khá nhiều, tới 4 – 5 con nên khiến ai nhìn thấy cũng hoảng sợ. Chủ nhà bảo rằng cũng may là sớm phát hiện để gọi thợ tới, chứ nghĩ tới cảnh nửa đêm đang ngủ mà nó bò từ điều hòa ra thì đường tới tổ tiên chắc không còn xa. Vừa kể lại câu chuyện của mình, chủ nhà vừa cảnh báo mọi người nếu sử dụng điều hòa thì phải định kỳ kiểm tra thường xuyên, chứ đừng để gặp cảnh tương tự.

Rất nhiều dân mạng bình luận rằng tưởng tượng cảnh đi làm về mệt, mở điều hòa cho mát mà mới ngửa mặt lên nhìn thấy nguyên ‘cả gia tộc bé Na’ chắc đứng hình. Trong khi đó, có người thắc mắc làm sao chúng có thể chui vào điều hòa nhỉ?

Giải đáp thắc mắc này, chủ của một cửa hàng điện lạnh ở Hà Tĩnh chia sẻ đường chui của chúng thường qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt, nếu họ không trám kín vị trí này sau khi lắp đặt thì đường ống này hoặc cửa thông gió điều hòa sẽ là nơi lý tưởng để chúng chui vào.

Vì lẽ đó, khi lắp đặt máy điều hòa cùng với cục nóng, chị em nên quan sát và chú ý kỹ vấn đề này nhằm tránh để xảy ra tình huống tương tự. Đồng thời, quá trình sử dụng điều hòa, chị em cần lưu ý thêm:

- Định kỳ bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa (bao gồm dàn lạnh và cục nóng), nếu dùng thường xuyên thì khoảng 5-6 tháng vệ sinh một lần.

- Phát quang cây cối rậm rạp quanh nhà (nếu có).

- Nếu nghe tiếng động lạ phát ra từ máy điều hòa, không nên tự mở nắp ra vì nếu đó là rắn có thể dễ bị chúng cắn (dù không độc nhưng cũng khiến vị trí bị cắn sưng phồng) hoặc bị giật điện. Thay vào đó, chị em nên tắt cầu dao và gọi cho thợ sửa điều hòa tới để họ hỗ trợ mình kiểm tra.

- Ngoài ra, chị em không nên lắp đặt cục nóng điều hòa quá gần mái nhà hoặc cây xanh. Còn đường ống thoát nước thải cũng không nên lắp quá gần mặt đất, nếu thấp thì nên bọc thêm lưới kẽm ở đầu ống, ngăn các con vật chui vào.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Trí. 

Không riêng gì các con vật như rắn, rết hay chuột bọ, thằn lằn chui vào điều hòa đâu, chị H. ở Hà Nội kể  có lần nhà mình phải gọi thợ đến hỗ trợ tháo tổ chim ra khỏi dàn lạnh điều hòa. Vì những ngày trước cứ bước vào phòng, chị lại nghe tiếng chim kêu, tìm hoài vẫn không biết chúng ở đâu, mãi cho đến khi thấy phân chim rơi từ điều hòa ra, chị mới ngã ngửa. Đáng chú ý là điều hòa hoạt động liên tục suốt ngày đêm vậy mà tổ chim ấy vẫn sống bình thường mới ghê, sau khi gọi thợ đến họ đã giúp chị đưa tổ chim ra ngoài để chúng về với thiên nhiên rồi làm sạch dàn lạnh với cục nóng điều hòa. Thiệt đúng là có nhiều tình huống oái oăm mình chưa bao giờ gặp, cho nên dùng điều hòa mùa này phải chú ý để đảm bảo an toàn cho mình và cả nhà nha chị em.