Các cụ ta có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”, câu nói này luôn đúng ở mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá làm nhiều bố mẹ rất bận rộn như hiện nay. Ngay từ khi mình còn bé, bố của mình thường xuyên nói câu này mỗi khi răn dạy điều gì. Đến nay, dù đã bao năm trôi qua, mình vẫn còn nhớ những tình huống bố mình dạy ba chị em chúng mình về những quy tắc ứng xử tuy đơn giản, nhưng nó lại là những ứng xử căn bản để tạo dựng một nếp sống tốt của một bé ngoan. Và đến nay, mình đã làm mẹ của ba bé, một nhiệm vụ “cao cả” luôn song hành với mình chính là “vẽ đúng đường” để con mình vận dụng những quy tắc ứng xử ấy một cách hiệu quả. Bởi lẽ, một bé ngoan hay hư sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự giáo dục, cách “uốn nắn” của bố mẹ. Chính vì lẽ đó, hôm nay mình cũng muốn chia sẻ với các mẹ về những quy tắc “vàng” căn bản trong ứng xử mà mình đã, đang và sẽ “uốn nắn” cho các bé, mong được học hỏi thêm từ các mẹ để “giáo án” của mình càng thêm phong phú nhé!


Khi các bé đã bắt đầu biết nói, biết nhờ bố mẹ hay ai khác làm một việc gì đó, mình luôn dặn các bé hãy nói lễ phép, có chủ ngữ, và kết thúc bằng từ “ạ” nếu người mà các bé nhờ lớn tuổi hơn mình.Chẳng hạn, khi ngồi trong mâm cơm, các bé nhà mình nói: “Con xin bát cơm”, mình liền chỉnh ngay là: “Con phải nói là “Mẹ ơi, cho con xin bát cơm ạ’, như vậy mới là một em bé lễ phép và lịch sự con ạ!Con thử nói lại mẹ nghe xem nào? Khi bé nói lại là một lần ghi nhớ, nếu lần sau bé có quên, việc này lặp lại nhiều lần bé cũng sẽ nhớ và sẽ quy tắc ấy sẽ luôn mãi hiện hữu trong bé.


Khi bé nhận được sự giúp đỡ của người khác, mình cũng dạy bé nói “cám ơn” một cách lễ phép cùng với thái độ cảm kích để thể hiện lòng biết ơn đối với việc mà người khác làm cho mình. Và câu nói này bố mẹ hãy dạy cho bé nói ngay khi bé vừa biết nói nhé, để khi bé lớn lên, tiếp xúc nhiều, nói được nhiều thì quy tắc này đã trở thành phản xạ không thể thiếu được trong bé.


Có lần, cả nhà mình đi chơi công viên, Thỏ láu chạy nhanh đã va vào bạn đi phía trước khiến bạn ấy bị ngã làm rơi gói bim bim ra khỏi tay. Mình vội chạy lại lấy gói bim bim cho bạn ấy và nói với Thỏ: “Con xin lỗi bạn đi nhé, hôm nay mẹ giúp con nhặt lại gói bim bim này cho bạn, nhưng nếu lần sau chẳng may con làm rơi đồ của người khác hay va vào người khác, con nhớ phải xin lỗi và nhặt lại đồ bị rơi lên trả cho người bị rơi nhé”. Mẹ hãy giải thích cho các bé rằng, “xin lỗi” là một câu nói lịch sự thể hiện sự nhận lỗi của mình với đối phương. Đó là một nề nếp tốt mà các mẹ chúng ta nên rèn bé từ khi còn nhỏ.


Khi bé lớn hơn, có rất nhiều quy tắc trong giao tiếp ứng xử mà chúng ta nên dạy cho bé để bé trở thành một người lịch sự và hiểu biết lúc trưởng thành. Có lần, khi nhà có khách, bố mẹ đang nói chuyện thì Thỏ láu và Bông đang giành nhau quyển truyện và gọi bố mẹ vào “phân xử” . Lúc đó mình không vào và đóng cửa lại cho hai bé “tự giải quyết”. Khi khách ra về, mình nghiêm giọng nói với hai bé: “Khi nhà có khách, bố mẹ đang nói chuyện thì các con phải chơi với nhau một cách trật tự, càng không được cãi nhau mà nói xen vào làm cắt ngang câu chuyện của bố mẹ với khách, như vậy là một bé ngoan các con ạ”. Và các bé như đã hiểu ra và mỗi lần có khách, các bé chỉ ra chào khách rồi không làm phiền mọi người nữa”. Nhưng nếu chỉ có cả gia đình ở nhà mà không có khách, nếu các bé có những thắc mắc về bất kỳ điều gì trong cuộc sống cũng như trong học tập thì mình luôn nhắc các bé phải hỏi ngay để được giải đáp những thắc mắc một cách sớm nhất và không để nó làm ảnh hưởng nhiều trong suy nghĩ của bé.


Ngay từ khi bé được 2 tuổi, mình đã dạy các phải có thói quen che miệng khi ngáp, hắt hơi và không được đưa tay lên ngoáy mũi nơi công cộng nên các bé nhà mình đã quen với thói quen này. Có lần bé nhà mình đi học về, bé kể với mẹ: “Hôm nay bạn Lâm lớp con bị sổ mũi, không lấy khăn lau mũi cứ lấy tay quệt mũi và chúng con đã lêu lêu bạn ấy” . Mình liền nói với bé: “con và các bạn không nên đem bạn Lâm ra làm trò cười như vậy nhé, nếu bạn có thói quen chưa đúng, con nên nhắc bạn vào trong phòng trong lấy khăn lau mũi cho sạch sẽ. Hành động như vậy rất đáng chê con ạ”. Ngay từ nhỏ, các mẹ chúng ta cũng nên tập dần cho bé cách ứng xử tế nhị để bé biết vận dụng dần vào trong giao tiếp, để bé trở nên khéo léo hơn trong giao tiếp cuộc sống.


Khi các bé đã biết nhận thức, mình thường bảo các bé: “Nếu trong phòng có người mà khóa cửa trong, các con hãy gõ cửa và đợi có phản hồi thì các con mới được vào phòng nhé”. Dần dần thói quen “gõ cửa phòng” được các bé vận dụng ở những nơi mà bé đi đến vì bé đã biết rằng phải làm như vậy mới là người lịch sự.


Khi các bé ngồi ăn cơm cùng với những thành viên khác trong gia đình, mình cũng thường dặn các bé: “Các con ăn cơm xong trước mọi người thì con nhớ phải mời mọi người trước khi đứng dậy nhé”. Thế là mỗi lần ăn cơm xong, các bé đều nói: “Cháu mời cụ ăn cơm, cháu mời ông bà ăn cơm, con mời bố mẹ ăn cơm” rồi mới đứng lên.


Để rèn cho bé những thói quen, những quy tắc vàng ấy, có thể lúc đầu bé vẫn còn chưa nhớ, chưa biết là mình ứng xử sai, nhưng với sự “ chỉ đường dẫn lối” của bố mẹ, những quy tắc ấy sẽ trở thành những nề nếp tốt trên hành trình trở thành “bé ngoan” của các con. Vậy các mẹ chúng ta hãy duy trì những “quy tắc vàng” căn bản ấy để các bé yêu luôn là những “bông hoa bé ngoan” nhé!Chúc các mẹ thành công!