Là một trong những nhà văn hoá hàng đầu của Việt Nam, Hữu Ngọc đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn hoá có giá trị vươn tầm thế giới. Một trong những cuốn sách như thế phải kể đến là Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam do ông chủ biên cùng các cộng sự đáng tin cậy. Cuốn sách này đã được xuất bản nhiều lần, là sự kế thừa từ lần tái bản năm 2000, có sửa chữa và bổ sung.

Văn hoá là một phạm trù rộng bao hàm mọi khía cạnh đời sống vật chất và tinh thần của con người. Đó là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trải qua một thời gian dài. Đó là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.

Văn hoá cổ truyền Việt Nam là nền văn hoá có từ lúc hình thành dân tộc, qua nhiều bước phát triển nội tại và chịu ảnh hưởng ngoại lai châu Á cho đến khi ảnh hưởng của văn hoá phương Tây tác động quan trọng đến một số lĩnh vực, tuy gốc dân tộc vẫn tồn tại. Như vậy, khoảng thời gian kéo dài từ thiên niên kỉ I TCN cho đến cuối TK XIX, đầu TK XX.

Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam chủ yếu nói đến văn hoá tộc người Việt (Kinh). Cuốn từ điển là sự kết tinh tài năng, tâm huyết cùng thái độ làm việc nghiêm cẩn của các nhà nghiên cứu, giúp cung cấp những kiến thức quan trọng dành cho mọi đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên và những người có mối quan tâm đến di sản văn hoá nước nhà đặc biệt là văn hoá cổ truyền.

Để giúp độc giả tìm hiểu, tra cứu kiến thức văn hoá cổ truyền của Việt Nam một cách dễ dàng, cuốn từ điển có cấu trúc gồm hai phần: phần thứ nhất là CÁCH TRA TỪ gồm tra từ theo đề tài và tra từ theo ABC; phần thứ hai là TỪ ĐIỂN, triển khai nội dung các từ đã nêu tên ở phần trên, các mục từ được trình bày theo ABC và là phần chính của cuốn từ điển.

Cuốn từ điển là tập hợp lượng kiến thức đồ sộ về các giá trị văn hoá cổ truyền nước ta trong môi trường khác nhau: môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn, môi trường lịch sử. Chủ thể của văn hoá là Con người được trình bày từ khi ra đời đến khi từ giã cõi đời, bao gồm: Sinh đẻ - thời thơ ấu, con người trưởng thành, tuổi già và chết. Chúng có giá trị to lớn đối với đời sống mọi mặt của người Việt và có sức hấp dẫn khó cưỡng với mọi đối tượng muốn tìm hiểu, nghiên cứu đất nước, con người Việt Nam.

Với những khái niệm, định danh,…của các giá trị văn hoá, cuốn sách xứng đáng trở thành công trình nghiên cứu đẳng cấp, chắc chắn sẽ được các độc giả có nhu cầu tìm đến nhằm tra cứu vì những nguồn dữ liệu đáng tin cậy mà một cuốn từ điển văn hoá cần có. Chúng vừa đơn giản, vừa cụ thể lại vô cùng phong phú trong từng mục từ khiến cho người đọc tìm về vốn văn hoá cổ của dân tộc không thể hài lòng hơn.

Mục đích của cuốn từ điển này là cung cấp những tri thức tối thiểu liên quan đến văn hoá với hành văn súc tích, ngắn gọn, dễ đọc, dễ thấm, góp phần khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống các di sản văn hoá cổ truyền của dân tộc. Chưa bao giờ người đọc lại được dịp khám phá vốn văn hoá cổ truyền sâu rộng của dân tộc một cách có hệ thống đến như vậy!

Một dân tộc không thể tồn tại khi không có văn hoá vì văn hoá là nền tảng giúp phát triển đời sống mọi mặt của dân tộc ấy. Đặc biệt hơn, những giá trị văn hoá cổ truyền được đề cập trong cuốn sách sẽ là kim chỉ nam giúp người đọc có hiểu biết nhất định nhắm duy trì những hiểu biết về giá trị văn hoá cổ của dân tộc đang có nguy cơ dần bị mai một theo thời gian.

Có cuốn Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam trên tay, độc giả như được “dạo chơi trong tác phẩm, lang thang từ mục này sang mục khác, lần giở vài trang rồi lộn lại, nhảy vọt từ trò chơi dân gian sang văn chương bác học, từ nghi lễ đạo giáo sang phẩm phục, từ đền chùa sang ma quỷ, từ đàn nguyệt sang cây thuốc…Mà có lẽ cũng nên lạc đường quên lối, nhờ cuốn sách này, trong khu rừng bao la của văn hoá Việt Nam” (PHILIPPIE PAPIN, Viện Viễn Đông Bác cổ).

Với cuốn từ điển dày dặn trên 800 trang này cùng phần minh hoạ bìa bắt mắt, nhiều hình ảnh đẹp, giàu ý nghĩa, chất giấy sang xịn, bạn đọc như đang sở hữu một cuốn cẩm nang quý giá không chỉ dùng để tra cứu thông tin văn hoá cổ truyền Việt Nam mà còn là một tài liệu tuyệt vời giúp trau dồi và hiểu biết – học hỏi những kiến thức mới. Nó giúp khẳng định chân lí: “Các điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước. Các điều chúng ta không biết là cả một đại dương” (Newton)

hình ảnh