Trong nhiều tuần qua, tôi sống trong lo lắng và sợ hãi. Jakarta, thành phố tôi ở, dần trở thành tâm dịch Covid-19 của Indonesia và châu Á.

Số người chết tăng lên hàng ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng số người nhiễm nCoV cao hơn số được công bố rất nhiều. Bạn bè tôi chia sẻ về việc họ bị sốt, ho, nhưng không thể tìm được nơi xét nghiệm. Bệnh viện quá tải và đã có 18 bác sĩ qua đời vì Covid-19. Từ Việt Nam, cha mẹ tôi liên tục gọi điện hỏi thăm, thúc giục tôi về nước khi vẫn có khá nhiều chuyến bay qua lại, "chỉ hơn hai tiếng là đặt chân xuống Sài Gòn". Lúc đó, chính phủ Việt Nam chưa có quyết định cách ly tập trung. Khi tôi trao đổi với gia đình về nỗi lo sẽ mang nguy cơ lây nhiễm đến bố mẹ, chị dâu nói sẽ dành một căn hộ trống cho tôi ở.  

Mọi điều kiện thật tốt để tôi lên đường về nước. Tuy nhiên, khi thu xếp đồ đạc vào vali, lòng tôi trĩu nặng. Tôi không thể để chồng và con trai ở lại. Chồng tôi cần tiếp tục làm việc và con trai nằng nặc "phải ở lại để dự kỳ thi cuối cấp ba" vào tháng Tư. Khi tôi đang chần chừ, một số quốc gia bắt đầu chính sách bế quan toả cảng. Tôi hiểu một khi quyết định rời xa chồng con, không biết khi nào chúng tôi có thể đoàn tụ.

Rồi nhiều bạn bè ở Jakarta lần lượt lên máy bay về nước. Đại sứ quán Australia, Anh, Mỹ... ra khuyến cáo "các công dân hãy trở về". Tôi muốn về Việt Nam, nhưng lúc này chồng tôi - một công dân Đức - không còn cơ hội nhập cảnh. Thêm vào đó, các trung tâm cách ly ở Việt Nam đang ngày càng quá tải.

Tôi xác định sẽ ở lại để cùng gia đình đương đầu với dịch bệnh. Cho đến một buổi sáng, ban mai tràn đến với thông tin rằng chuyến bay giải cứu công dân cuối cùng do Đại sứ quán Đức tổ chức sẽ rời Jakarta trong hai ngày nữa, và nếu muốn, chúng tôi có thể lên máy bay về Frankfurt. Chồng tôi được cơ quan cho phép làm việc từ xa, trường của con trai cũng vừa tuyên bố sẽ hủy kỳ thi cuối cấp. Chúng tôi quyết định trở về quê chồng ở ngoại ô thành phố Munich. Một trong những lý do chính là con gái tôi đang làm việc ở đây, và điều tiên quyết lúc này, gia đình cần ở bên nhau.

Nhưng ngày quyết định rời Indonesia cũng là ngày tôi nhận ra visa vào khối Schengen ba năm của mình không còn hiệu lực, tôi chỉ có 24 tiếng để xin visa đặc biệt cho phép thân nhân của công dân Đức nhập cảnh. Để có được visa này, tôi cần giấy xác nhận của địa phương nơi chúng tôi sẽ về, rằng họ cho phép tôi - một người nước ngoài - nhập cảnh. Nhân viên đại sứ quán nói rằng thật khó khăn để lấy được xác nhận ấy chỉ trong một ngày. Nhưng rồi, thật kỳ diệu, chỉ bằng một cuộc điện thoại của chồng tôi và email đính kèm ảnh chụp những giấy tờ cần thiết, chính quyền thành phố Pfaffenhofen quê chồng đã lập tức gửi thư sang đại sứ quán Đức tại Indonesia, thúc giục họ cấp visa cho tôi. Visa được cấp ngay trong ngày hôm sau, cũng là ngày tôi tạm biệt Indonesia. Trên đường ra sân bay, nhìn những người lao động vẫn tất tả ngược xuôi, tôi bật khóc. Trong gần ba năm ở đây, Jakarta đã trở thành ngôi nhà yêu dấu, tôi mong dịch bệnh mau qua để mọi người không phải chịu thêm mất mát.

Chúng tôi bay từ tâm dịch này đến một tâm dịch khác. Trên chuyến bay đầy lo lắng là sự ân cần của các tiếp viên. Họ phát khẩu trang cho những người không có khẩu trang, động viên mọi người giữ gìn sức khoẻ. Không khí trên máy bay nặng nề khó tả, cho đến khi tất cả xôn xao. "Ai đó đã mang theo sầu riêng lên máy bay, hãy giúp chúng tôi loại bỏ mùi nồng nặc này!", cơ trưởng lên tiếng. Mọi người cười ồ. Khoảnh khắc ấy, mùi sầu riêng đã át đi nỗi sợ hãi mang tên Covid.

21 năm làm dâu nước Đức, năm nào tôi cũng trở về đây. Về với những thành phố hiện đại và miền quê yên ả, thanh bình. Nhưng lần này, lòng tôi nôn nao một cảm giác đặc biệt khi máy bay đáp xuống. Một nước Đức đang trong hoạn nạn vẫn mở rộng vòng tay điều trị bệnh nhân Covid-19 cho láng giềng lân cận, một đất nước đang bộn bề trong tình trạng khẩn cấp mà vẫn chu toàn. Thẻ lên máy bay của chúng tôi chính là những tấm vé miễn phí cho tất cả phương tiện công cộng để về nhà.  

Sau chuyến tàu dài ba giờ đồng hồ miễn phí từ Frankfurt về Munich, chị chồng tôi đã đứng đợi sẵn để trao chìa khóa ô tô. Con gái chị nhường căn hộ của cháu để chúng tôi ở tạm trong những ngày cách ly. Khoé mắt cay cay, nhưng tôi không thể ôm mọi người và khóc, chặng đường phía trước vẫn gian nan. Thật là một thử thách để chúng tôi tiếp tục khoẻ mạnh, lạc quan, tiếp tục duy trì các công việc của mình từ xa lẫn với lo âu vô hình.

Dịch bệnh Covid-19 chính là phép thử dành cho mọi mối quan hệ, từ cá nhân đến gia đình, xã hội về sự đoàn kết, tình yêu, tinh thần kỷ luật. Tôi may mắn được đón ánh sáng của sự bao dung và tình thương yêu. Cảm ơn nước Đức rộng mở vòng tay đón tôi trở lại. Cám ơn Việt Nam về những gì chính phủ và cộng đồng đang làm để một người con đi xa có thể yên tâm phần nào về sự an toàn của cha mẹ và người thân của mình.  

Những con đường chúng tôi vừa đi qua rất vắng, nhưng ngập tràn nắng và hoa. Tiếng con gái tôi ríu rít ngân vang trong điện thoại. Tôi đang đếm từng giây phút để 14 ngày tự cách ly trôi qua, gia đình sẽ được đoàn tụ sau nhiều tháng trời xa cách.

Nguồn: Nguyễn Phan Quế Mai