Chú ý thời gian và lựa chọn phương tiện

Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi các bạn tính toán đi Cù Lao Chàm là vấn đề THỜI GIAN và PHƯƠNG TIỆN ra đảo. Thông tin tham khảo dành cho các bạn như sau:

Tàu gỗ xuất phát từ bến tàu Cửa Đại ra đảo là 8h30 và trở về vào đất liền 11h00 hàng ngày. Thời gian di chuyển 60 phút trong điều kiện biển lặng, thời tiết đẹp. Giá vé dành cho mỗi hành khách Việt Nam là 40k và khách nước ngoài là 100k. Khách Việt lên tàu mới bị chủ tàu thu tiền trực tiếp chứ không bán vé, còn khách nước ngoài sẽ được bán vé tại bến luôn. Ngoài vé tàu ra, khách nào cũng đều phải mua vé tham quan đảo giá 70k.

Như vậy, với giờ tàu gỗ thì các bạn có thể cân nhắc lựa chọn:

Đi trong ngày: Đi tàu gỗ chuyến 8h30 - về cano chuyến 14h30, chi phí 260k (70K vé tham quan + 40k vé tàu gỗ + 150k vé cano). Hoặc khứ hồi cano 350k bao gồm cả vé tham quan luôn.

Qua đêm trên đảo: tương tự như trên hoặc có thể đi tàu gỗ về tàu gỗ, chi phí 150k (80k khứ hồi + 70k vé tham quan). Cano chạy liên tục, đủ người là ra đảo nên giờ giấc thoải mái từ 8h00 đến 14h30.

Lịch trình của mình là đi về trong ngày nên mình lựa chọn đi tàu gỗ và về cano. Tàu gỗ là con tàu khá lớn, bao gồm 2 tầng. Hành khách sẽ được hướng dẫn lên tầng 2 với những băng ghế gỗ và ghế nhựa lẻ ngồi ở trên boong. Tầng 1, người ta xếp đầy hàng hóa ra đảo, bao gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm, xe máy, VLXD… Mũi tàu tầng 2 người ta cũng xếp đầy hàng hóa nhẹ, kiểu bim bim, giấy vệ sinh... cao chắn hết tầm nhìn. Theo quy định, hành khách bắt buộc mặc áo phao.

Hội tây rất thích đi loại tàu này, trên chuyến tàu chỉ có mỗi mình là du khách Việt, còn lại là dân địa phương đi theo hàng và hội tây. Hội này vô cùng thích thú với boong tàu phía sau, ngồi bệt la liệt trên sàn, thậm chí cởi phăng áo nằm tắm nắng, làm mình cảm thấy rất phấn khích, hĩ.

Lúc xuống tàu sẽ mất thêm chút thời gian vì phải chờ dân địa phương gỡ hàng ở tầng dưới mới có lối lên bờ. Hội tây nhiệt tình xuống vác hộ hàng hóa cho dân địa phương luôn cũng là để giải phóng nhanh lối đi. Cảng lúc này rất tấp nập.

Lên cảng, mình bất ngờ bị một anh dân phòng chặn lại và báo rằng mình không được cầm túi nilon theo. Tay mình đang cầm một chiếc túi nilon đen đựng quần áo bơi, khăn khố các kiểu. Mình xác định mang đi mang về rồi nên hứa với anh dân phòng nhét vào balo, không xả rác. Chắc chắn! Trong quy định in ở vé tham quan, BQL đảo cũng đã có dòng chú thích “Nói không với túi nilon”, nhưng không nói là cấm. Hội tây vẫn lách cách xách túi nilon đi theo còn các anh dân phòng thì không biết tiếng Anh mà giao tiếp. Hi vọng là thời gian tới, BQL đảo sẽ có biện pháp tốt hơn để kiểm soát việc này.

Nói không với túi nilon!

Tại các bãi biển, đặc biệt là bãi Ông, nilon dập dềnh gần bờ, nào là túi, nào là vỏ mì tôm, vỏ bánh… từ khách du lịch và các cano chạy tour đậu ở bãi này. Hi vọng, các bạn làm tour cùng chung tay kiểm soát vấn đề này từ các đoàn của mình, đặc biệt là hội Tung Của.

hình ảnh

Con đường vòng sau đảo có view đẹp như thế này.

Chú ý cung đường và địa điểm

Ok, lại miên man. Điều thứ 2 mình chia sẻ sau đây là lên đảo rồi thì đi bằng gì, đi đâu, làm gì?

Đặt chân lên đảo là bạn sẽ thấy một hàng các anh trai mặc áo xanh lơ làm dịch vụ đèo khách đi tham quan hoặc cho thuê xe. Giá thuê các anh đèo đi tham quan là 100k cho mỗi 45 phút, các điểm đến cơ bản: Giếng nước cổ, chùa Hải Tạng, bảo tàng Cù Lao Chàm, bãi Ông, bãi Xếp và bãi Làng.

Tự túc đi như mình thì thuê hẳn một chiếc xe, giá 150k/ngày bao gồm bình xăng đầy. Nhờ đó, mình có thể đi nhiều hơn, tự sướng nhiều hơn các điểm trên, cụ thể: mình đi thêm được bãi Bắc, đường vòng lưng đảo, bãi Hương, bãi Chồng, eo gió, bãi Bìm…

Chú ý cung đường đi một chút để tiết kiệm thời gian, lúc mình đi không tính toán nhiều nên bị lòng vòng chạy ngược chạy xuôi phí lắm.

Khi cập bến ở cảng, các bạn thuê xe xong, nên tham quan theo trình tự như thế này:

1. Giếng nước cổ (cách bến mấy trăm mét), nằm ở giữa ngã ba người ta buôn bán.

2. Bảo tàng Cù Lao Chàm (ngay đấy mấy bước luôn), bảo tàng nhỏ, miễn phí vào cửa, bao gồm một gian trưng bày các loài cá, một gian trưng bày tranh và một gian là mô hình địa lí.

3. Bãi Làng - chính là bãi bao gồm bến tàu, thuyền đậu lác đác nhưng bãi sạch sẽ, thoải, tây vẫn tắm, hàng quán nhiều.

4. Bãi Xếp - cách bãi Làng độ 3km, chỗ này bãi nhỏ, trong vắt, đẹp, tây tắm nhiều, không có hàng quán gì, hoang dại luôn.

5. Bãi Chồng - đặc biệt bãi này không dễ thấy có đường đi xuống. Khi nào bạn nhìn thấy người ta đỗ xe máy men men rào chắn thì biết là đã đến. Phải nhìn kĩ, bước qua rào chắn, đi xuống con đường đá núi mới tới nơi. Chỗ này hàng quán nhộn nhịp, bãi lớn, nhưng hầu hết là khách tour đi cano ghé vào nên không có đường xuống tử tế. Và bãi này đặc dân Tàu với dân Hàn đi tour.

6. Bãi Bìm - đang xây dựng, chưa thấy đường vào, đường và nhà đang xây, chỉ có thể ngắm từ xa thôi.

7. Bãi Hương - thực tế là một làng chài, nhiều ghe, thúng, tàu đậu, cũng tắm được. Người dân ở đây nhiệt tình, dễ mến, nấu ăn cũng được, giá tốt. Mình ăn một đĩa cơm chiên hải sản và một đĩa mực nướng 8 con, no phát ớn, hết 90k. Nếu đi đông một chút, bạn nhờ người ta mua hộ các loại ốc ở dưới ghe lên làm là có đại tiệc rồi. Kết thúc ăn trưa ở đây là vừa xinh nhé.

8. Eo gió - là con đường mới tinh đi vòng trên cao ngắm toàn cảnh bãi Hương và đi tiếp thì nối với con đường cuối bãi Hương và vòng lưng đảo. Tuy nhiên, năm 2017, đường lưng đảo đã bị sạt lở nặng, đến nay chưa được sửa chữa nên không còn đi được nữa. Bạn chỉ cần lên đến chỗ chụp toàn cảnh bãi Hương rồi quay lại đường cũ thôi.

9. Sân bay trực thăng cũ - men theo đường chính của đảo, bạn theo chỉ dẫn đến bãi Ông, trên đường đi sẽ thấy sân bay trực thăng, từ đây ngắm toàn cảnh bãi Ông (bãi Ong - trên bản đồ) và view biển rất xịn. 

10. Bãi Bắc - đi thẳng qua bãi Ông là bãi Bắc, nhưng năm 2017 cả khu vực bãi Bắc và resort ở đây đã bị sạt lở, đường vào không nổi, hiện đang để khôi phục, nhiều con đường bị cấm. Bãi Bắc tạm thời không còn hoạt động và chưa biết lúc nào thì hoạt động.

11. Cố đi thêm chút nữa mình lượn đường vòng sau đảo thì chỉ đi đc một quãng, còn lại đường đã sập, nhưng từ vách đá chụp xuống rất đẹp nhé.

12. CUỐI CÙNG - nên là cuối cùng nhé - dừng chân ở bãi Ông tắm biển. Tại sao? Thứ nhất, bãi này đông người, biển xanh cát trắng đẹp, có khu nhà phao để chơi bời ở đây cho sướng nhé. Giá thuê ghế 20k/chiếc, tắm nước ngọt, wc và thay quần áo miễn phí. Thứ 2 là mình tiện mua luôn vé cano ở đây để đi ghép với các đoàn về mà không cần quay lại bến. Mình chỉ việc gọi điện cho chủ xe qua lấy xe là xong.

hình ảnh
Bãi Ông và cây cầu gỗ sống ảo tuyệt đẹp luôn.

Chú ý các hoạt động khác

Tùy vào thời gian bạn dành cho Cù Lao Chàm là bao lâu, trong ngày hay 2 ngày 1 đêm để bạn có thể cân đối trải nghiệm các hoạt động khác. Các bạn tây đến đây thường đi 2 ngày 1 đêm, lịch trình phía trên của mình chỉ đi trong ngày (8h30 - 14h30).

Ở trên đảo các bạn có thể đến đại lí để chơi trò đi bộ dưới dưới đại dương (đội mũ phi hành gia xuống ngắm san hô) hay snorkeling ghép đoàn. Buổi tối các bạn hoàn toàn có thể liên hệ với tàu cá địa phương để trải nghiệm hoạt động câu cá, câu mực, chỉ ở loanh quanh mức 100k. Chỗ neo tàu cá là một cái eo biển nhỏ, trên đường đi bãi Ông các bạn sẽ tìm thấy. Người dân rất nhiệt tình và thật thà, hãy nói chuyện nhiều với họ và nghe họ khoe về nhiều điều thú vị trên đảo này nhé!

Tổng chi phí tự túc của mình trong ngày là 530.000 VNĐ.

- Vé tham quan đảo: 70k

- Vé tàu gỗ: 40k

- Vé cano về: 150k

- Thuê xe máy: 150k

- Ăn trưa, uống nước mía: 100k

- Thuê ghế tắm biển: 20k

 Giá tour dao động từ 540k - 650k nhé!

Chia sẻ từ bạn: https://hoovada.com/article/kham-pha-cu-lao-cham-tron-1-ngay-chi-voi-500k

Đến từ cộng đồng: https://hoovada.com/