Một sân bay ngoạn mục có một không hai đã được khánh thành ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào năm 2019, được đặt tên là sân bay quốc tế Đại Hưng. Với diện tích sảnh chính lên đến 700.000 mét vuông, Đại Hưng hiện là sân bay lớn nhất và hiện đại bậc nhất trên thế giới.

Kế hoạch độc đáo và các thiết kế tiên phong được sử dụng trong sân bay này đã tạo nên sự khác biệt. Người ra dự đoán đây sẽ là trung tâm giao thông mới được xây dựng cho tương lai. Và còn điều gì thú vị về sân bay này nữa? Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

#1. Sân bay quốc tế Đại Hưng được xây dựng nhằm mục đích chia sẻ gánh nặng với sân bay Bắc Kinh hiện đang bị quá tải và thậm chí là “lỗi thời” so với kỳ vọng của con người. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, hiện Đại Hưng trở thành sân bay độc đáo và hiện đại nhất trên thế giới, và hứa hẹn sẽ chuyển hướng du khách đến một trung tâm giao thông mới trong tương lai gần.

#2. Sân bay Đại Hưng trị giá 11,5 tỷ đô la này sẽ thay thế cho sân bay đầu tiên của Bắc Kinh – Nam Uyển. Nam Uyển là sân bay lâu đời với 109 năm tuổi, chuyến bay cuối cùng của sân bay này đã cất cánh vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. Và giờ đây, sân bay Nam Uyển sẽ tồn tại như một bảo tàng hàng không, nhường chỗ cho sự phát triển của Đại Hưng.

#3. Dự án sân bay Đại Hưng được xây dựng vào năm 2014, và chính thức khánh thành vào năm 2019, trải qua 5 năm xây dựng với hơn 40.000 công nhân làm việc không ngừng nghỉ trên công trường vào lúc cao điểm nhất.

#4. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid, sân bay quốc tế Đại Hưng có kích thước rộng lớn bằng 97 sân bóng đá, trở thành ga sân bay lớn nhất thế giới hiện nay. 

#5. Sân bay được đặt biệt danh là “sao biển” vì kết cấu của nó được tạo thành bởi năm khu vực chờ nối với một sảnh chính, có hình dạng như những cánh tay khổng lồ đang vươn ra trên một diện tích hết sức rộng lớn. Thiết kế này lặp lại các nguyên tắc trong kiến ​​trúc truyền thống của Trung Quốc nhằm tổ chức các không gian kết nối với nhau xung quanh sân trung tâm. Nó có chức năng hướng dẫn hành khách một cách liền mạch qua các khu vực khởi hành, ga đến và các trung chuyển liên quan khác.

#6. Sân bay quốc tế Đại Hưng ban đầu sẽ phục vụ 45 triệu hành khách mỗi năm, nhưng đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 72 triệu du khách. Ngoài ra, nó còn có kế hoạch mở rộng hơn nữa để phục vụ lên đến 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

#7. Với diện tích 700.000 mét vuông , sân bay bao gồm một trung tâm kiểm soát mặt đất 80.000 mét vuông cung cấp các kết nối trực tiếp đến Bắc Kinh, cùng với mạng lưới đường sắt cao tốc quốc gia và các dịch vụ xe lửa địa phương, tạo chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế ở Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc.

#8. Thiết kế nhỏ gọn, hướng tâm của nhà ga cho phép một số lượng máy bay đậu trực tiếp tại nhà ga với khoảng cách tối thiểu từ trung tâm của tòa nhà. Nó giúp giảm bớt việc đi bộ cho hành khách, mang lại sự thuận tiện và linh hoạt trong di chuyển, đồng thời giảm thiểu nhu cầu sử dụng xe đưa đón và xe trung chuyển tại sân bay. Thiết kế đặc biệt này cho phép thời gian đi bộ chưa đầy 8 phút để đến cổng lên máy bay xa nhất, đảm bảo thời gian và hiệu quả cho hành khách.

#9. Sân bay Đại Hưng Bắc Kinh cũng thực hiện tốt nỗ lực trong giảm thiểu tác động đến môi trường. Công ty kiến ​​trúc Zaha Hadid đã thiết kế một hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống quản lý nước để lưu trữ, thẩm thấu và lọc sạch nước lên đến 2,7 triệu mét khối nước từ các vùng đầm lầy, hồ và suối gần đó để ngăn chặn lũ lụt và tác động đảo nhiệt mùa hè lên vi khí hậu địa phương. Một hệ thống sưởi ấm tập trung cũng được tạo ra để thu hồi và giữ lại nhiệt lượng dư thừa từ hoạt động của sân bay và cắt giảm lượng khí thải carbon.

#10. Mặc dù sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh đã chính thức mở cửa vào cuối tháng 9 năm 2019, nhưng China United Airlines là hãng hàng không duy nhất sẽ có các chuyến bay trong và ngoài nước cho đến ngày 27 tháng 10. Sau đó hãng sẽ mở các chuyến bay Trung Quốc với đường bay nước ngoài, phục vụ nhu cầu của mọi người dân.

Tìm hiểu thêm tại :

10 điều thú vị về sân bay quốc tế đại hưng (bắc kinh) của kiến trúc sư zaha hadid (hoovada.com)