Trình Quốc hội phê chuẩn dự án đường sắt cao tốc vào năm 2013


(Dân trí) - Đó là lộ trình phát triển được JICA nghiên cứu và đề xuất xây dựng tuyến riêng cho đường sắt cao tốc tại Việt Nam, khi việc cải tạo tuyến đường sắt đơn hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải khổng lồ vào năm 2030.


>> Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo các đoạn đường sắt cao tốc ưu tiên diễn ra hồi đầu tuần với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất 2 kịch bản mới cho tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong đó: Một là cần phát huy tối đa năng lực đường sắt đơn trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiến hành đường đôi hóa cho một số đoạn có nhu cầu cao; Hai là, cần có tuyến riêng cho đường sắt cao tốc mới với lộ trình khai thác thương mại toàn tuyến vào năm 2041.


Đi tàu Hà Nội - TPHCM sẽ còn hơn 25,4 tiếng


Phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để rút ngắn thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TPHCM còn 25, 4 tiếng đồng hồ được tư vấn Nhật Bản đưa ra trên cơ sở đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt đơn hiện tại, trước khi xây dựng 2 đoạn đường sắt cao tốc mới dài khoảng 70 km vào năm 2018.


Theo đó, từ nay đến năm 2020 cần tập trung nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam theo hướng giữ nguyên tốc độ chạy 90 km/giờ đối với tàu khách và tàu hàng là 60 km/giờ, thời gian chạy tàu sẽ được rút ngắn từ 28 tiếng xuống còn 25,4 tiếng, nâng năng lực chạy tàu từ 32 tàu lên 50 tàu/ngày. Tổng chi phí đầu tư cho phương án này khoảng 1,8 tỷ USD.


Khi được nâng cấp, thời gian chạy tàu trên tuyến đường sắt chạy tàu chỉ còn 25,4 tiếng


Đối với các đoạn có nhu cầu cao, đoàn nghiên cứu của JICA đề xuất nên làm đường đôi khổ ray 1m và mở rộng bán kính đường cong bé nhất từ 100m hiện tại lên 800m để có thể đạt vận tốc tối đa 120km/giờ. Còn nếu áp dụng phương án đường đôi hóa toàn bộ tuyến để đạt vận tốc 120km/giờ, rút ngắn thời gian từ Hà Nội - TPHCM xuống còn 15 giờ 36 phút với chi phí đầu tư ước tính khoảng 14,5 tỷ USD.


Đánh giá nhu cầu vận tải tương lai trên hành lang Bắc - Nam, chuyên gia tư vấn JICA cho biết: “Năm 2030, nhu cầu vận tải đường sắt sẽ tăng khoảng 3 lần so với hiện nay và GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3,4 lần, khi đó việc cải tạo tuyến đường sắt đơn hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này”.


Trong kịch bản nâng cấp mức độ dịch vụ, việc cải tạo đường sắt hiện tại không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác (như vận tải hàng không - PV) và không đáp ứng được nhu cầu tương lai.


Ngoài ra, các chuyên gia nhận định về mặt kỹ thuật thì việc tăng tốc chạy tàu lên 200 km/giờ trên đường sắt đơn khổ 1m và 1,067m hiện nay là không khả thi. Nếu mở rộng bán kính đường cong của tuyến đường sắt hiện nay lên 2.000m ở 1.500 vị trí và bố trí đường ngang khác mức ở hơn 2.000 vị trí cũng không đáp ứng được tốc độ trên, do đó cần phát huy được năng lực tối đa của đường sắt đơn (mức A2) trong giai đoạn 2020 - 2025 và đường đôi hóa (mức B1) cho một số đoạn có nhu cầu cao.


Kịch bản đường sắt cao tốc ưu tiên


Phân tích nhu cầu tương lai trên hàng lang Bắc - Nam cho thấy khi không có đường sắt cao tốc thì đường bộ (xe con, xe khách) và hàng không sẽ không đủ để đáp ứng năng lực vận tải, trong khi đó khi có đường sắt cao tốc thì tính cạnh tranh giữa các loại hình vận tải - đường sắt cao tốc có mức vé bằng nửa vé máy bay và gấp đôi vé xe khách. Tại Việt Nam, phần lớn hành khách khi sử dụng đường sắt cao tốc là có nhu cầu đi/đến Hà Nội và TPHCM.


Với 2 đoạn tuyến đường sắt cao tốc ưu tiên là Hà Nội - Vinh dài 280 km và TPHCM - Nha Trang dài 360 km, đoàn nghiên cứu JICA cho rằng sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế - EIRR đạt 12%. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư của 2 tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỷ USD, bằng 6,3 % GDP của Việt Nam vào năm 2030.


Nhu cầu vận tải năm 2030 trên các đoạn ưu tiên (Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang) lần lượt là 80.800 và 69.300 lượt khách/ngày, tương đương với 12,2 triệu và 19,0 triệu khách-km/ngày. JICA đề xuất, dùng đầu máy, toa xe của Nhật Bản để có thể đạt vận tốc chạy tàu tối đa 320 km/h và có thể tăng lên 350 km/h.


Đặc biệt, trong kịch bản mới về phát triển đường sắt cao tốc, JICA khẳng định cần xây dựng đoạn chạy thử đường sắt cao tốc càng sớm càng tốt và đề xuất xây dựng đối với đoạn Ngọc Hồi - Phủ Lý (khoảng 40 km) và Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 30 km). Đoàn nghiên cứu đề xuất phương án Nhà nước sẽ đầu tư vốn cho hạ tầng, hệ thống kỹ thuật và kêu gọi tư nhân bỏ vốn đầu tư đầu máy, toa xe để tiến hành khai thác, bảo trì. Đây là cơ chế mà các chuyên gia Nhật Bản nhận định sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho đơn vị khai thác do không phải đầu tư và gánh nợ từ hạ tầng


JICA khẳng định do việc cải tạo đường sắt hiện tại không đáp ứng được chạy tàu tốc độ cao nên cần có tuyến riêng cho đường sắt cao tốc. Lộ trình phát triển từng bước như sau: Năm 2013 sẽ trình Quốc hội phê duyệt dự án; Năm 2014: chuẩn bị kế hoạch triển khai, đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở/xây dựng thể chế; Năm 2017: Bắt đầu thu hồi đất; Năm 2018: Xây dựng đoạn chạy thử; Năm 2023: Khai thác thương mại đoạn chạy thử; Năm 2031: Khai thác thương mại đoạn ưu tiên và đến năm 2041 thì khai thác thương mại toàn tuyến.


Quỳnh Anh


http://dantri.com.vn/c20/s20-631196/trinh-quoc-hoi-phe-chuan-du-an-duong-sat-cao-toc-vao-nam-2013.htm