Giáng sinh và những câu chuyện thần kỳ về ông già Noel đã “hút hồn” trẻ em thành phố. Đứng cạnh cây thông Giáng sinh lấp lánh, đứng cạnh túi quà to của ông già Noel, đứng cạnh gà rán KFC… Tết truyền thống có nguy cơ bị “thất sủng”!


Ngày Giáng sinh tràn qua vẫn để vương lại trên phố không khí lấp lánh, tưng bừng, huyền ảo. Những cây thông sặc sỡ sắc màu, những gói quà sinh động, những ông già Noel với túi quà to đứng mỉm cười như thể vẫn sẵn sàng chia quà cho bất kỳ ai đi qua… Lễ Giáng sinh bây giờ không còn là ngày lễ của riêng những người theo đạo Thiên chúa. Giáng sinh đã đến với mọi nhà. Đặc biệt ở những thành phố lớn, không khí ngày Giáng sinh tràn ngập ngay từ đầu tháng 12. Khi chưa ai nhắc đến hoa đào, chưa ai nhắc đến bánh chưng, chưa ai nhắc đến quất chín, đã thấy trên phố những cây thông Giáng sinh sáng trưng và ông già Noel đứng mỉm cười.




(Minh họa: Ngọc Diệp)


“Phú quý sinh lễ nghĩa”- khi kinh tế khá giả, người ta sẵn sàng vui chơi, ăn nhậu mỗi khi có dịp. Và Giáng sinh đã trở thành lễ hội được ăn mừng, chào đón ở Việt Nam tự bao giờ. Như thế, từ lâu lắm…


Đêm Giáng sinh, người ta tràn ra phố ăn mừng, nhậu nhẹt, chúc nhau làm ăn phát đạt, “tiền vào như nước”… Không phải ai trong đám đông đang “phừng phừng” bia rượu ấy cũng biết, đêm Giáng sinh là đêm Chúa Giêsu giáng trần. Cần gì biết? Chỉ thấy phố sáng đèn, thấy có cây thông lấp lánh, thấy có mấy ông già Noel “dịch vụ” chạy ngược xuôi, thấy có không khí lễ hội là… ăn nhậu!


Người lớn đón Giáng sinh theo cách của người lớn. Nam thanh nữ tú đón Giáng sinh theo cách của những người yêu nhau. Lũ trẻ thành phố cũng háo hức, tưng bừng với Giáng sinh theo cách của mình.


Câu chuyện thần kỳ về túi quà khổng lồ của ông già Noel, câu chuyện về chiếc xe kéo bay từ xa tới cùng với những chú tuần lộc mạnh mẽ, câu chuyện em bé nào cũng được tặng quà vào đêm Giáng sinh… đã “hút hồn” bọn trẻ từ phim ảnh đến cách thức chào đón lễ Noel của bố mẹ.


Đã có câu chuyện hài hước về những em bé Hà Nội viết thư cho ông già Noel rằng “Ông già Noel ơi, năm nay cháu ngoan lắm rồi, ông mua cho cháu một cái Ipad nhé! Đừng mua Ipad cũ ông ạ”. Một bức thư khác, “Ông già Noel ơi, cháu thích dùng Iphone 4 như của mẹ, ông mua cho cháu được không?”…


Giáng sinh trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Giáng sinh được nhận quà từ ông già Noel đầy phép màu. Giáng sinh được bố mẹ đưa đi ăn gà rán KFC, uống Pepsi. Giáng sinh được ngắm phố phường lộng lẫy…! Đứng bên cạnh sự lộng lẫy, đứng bên cạnh những “phép màu” ấy… Tết cổ truyền liệu có nguy cơ bị “thất sủng”.


Bạn hãy hỏi một em bé thành thị về ngày lễ Giáng sinh, về việc viết thư cho ông già Noel “xin” quà, về cây thông… Em bé đó sẽ trả lời vanh vách. Cũng đứa trẻ ấy, bạn hãy hỏi nó về ngày Tết Nguyên đán, hỏi xem ngày mùng 1 chúc Tết ai, mùng 2 chúc Tết ai…? Những món ăn nào được nấu trong những ngày Tết? Tết bắt đầu từ khi nào…?


***


Đã có thời, với trẻ con, đợi đến Tết cũng là một hạnh phúc. Thưởng hơi ấm của nồi bánh chưng thơm nồng trong đêm giao thừa cũng là một hạnh phúc. Nếm miếng bánh nóng dẻo quyện sáng mùng một Tết cũng là một hạnh phúc… Thứ hạnh phức có thể ám ảnh suốt đời.


Bởi thế, những đứa trẻ không biết đợi Tết là những đứa trẻ thiệt thòi.


Cúc Anh