http://www.laodong.com.vn/Home/Thu-tuc-hanh-chinh--qua-nhieu-khe/200910/160504.laodong


(LĐ) - LTS: Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6-QH khoá XII, trong đó có nêu: Năm 2010, cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính...


Thông tin trên thực sự là tin vui đối với người dân, bởi cho dù Chính phủ đã cải cách hành chính, nhưng những "thủ tục" vẫn chưa hết gây rắc rối cho người dân. Lao Động xin giới thiệu ý kiến của một số bạn đọc cho thấy, người dân không biết đâu mà lần bởi những nhiêu khê của thủ tục hành chính.


Hành dân là chính


Chị Nguyễn Thị Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) viết: Tôi sinh ngày 15.1.1964, khi chuyển hộ khẩu về nhà chồng, cán bộ công an đã ghi nhầm tháng sinh của tôi (tháng 1 thành tháng 2), có lẽ người cán bộ này đã phát hiện ghi sai nên đã sửa ngay trên hộ khẩu số 2 thành số 1, vẫn cùng một màu mực bút bi. Chẳng ai để ý đến chữ số sửa sai ấy, phiền phức chỉ đến khi anh chồng tôi phải sao y hộ khẩu để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất vì anh tôi mua nhà mới. Bản sao y của anh tôi đã không được cán bộ phường chấp thuận vì tháng sinh của tôi có dấu hiệu sửa chữa và họ hướng dẫn tôi về công an quận để được xác minh là đã sửa.


Tôi cầm cả giấy khai sinh cùng bản sao y hộ khẩu lên công an quận xin xác nhận như cán bộ phường hướng dẫn thì lại được giải thích rằng gia đình tôi đã tách khẩu, hộ khẩu cũ chỉ còn tên bố, mẹ, vợ chồng và hai con của anh chị tôi, phần hộ khẩu của gia đình tôi không còn giá trị trong sổ hộ khẩu gốc, họ khuyên tôi đem cả sổ hộ khẩu của tôi ra phường để chứng minh. Tôi lại quay lại phường với hai quyển sổ hộ khẩu và trình bày với cán bộ phường như lời của cán bộ công an hướng dẫn.


Tuy nhiên vị cán bộ phường bảo: Tại sao trong sổ hộ khẩu của gia đình tôi, công an lại chỉ ghi năm sinh của tôi mà không ghi ngày tháng, vì vậy con số sửa trong hộ khẩu gốc vẫn chưa được làm sáng tỏ, theo nguyên tắc dù gia đình tôi đã tách hộ khẩu nhưng khi sao y vẫn phải sao đầy đủ. Tôi quả thật bó tay với kiểu "sai" do cơ quan nhà nước gây ra nay người dân phải gánh chịu. Tôi nói mãi vẫn không thuyết phục được anh cán bộ phường để được sao y.


Có người hướng dẫn tôi, nếu sao y thì đến UBND phường nào cũng được tia hy vọng le lói, tôi đành liều sang phường "hàng xóm" thì được sao y ngay, chẳng một lời vặn vẹo. Trong khi đó, chị dâu tôi ở TPHCM gửi bản sao y hộ khẩu thì họ chỉ sao phần người có nhu cầu mà không cần phải sao hết toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu. Vì vậy, tôi không hiểu Bộ Tư pháp có một quy định chung cho việc sao y hay tuỳ các địa phương quy định, tôi thấy việc sao y của TPHCM hết sức gọn nhẹ, đỡ tốn kém cho người dân vì không phải photocopy hết cả quyển hộ khẩu với đầy đủ các thành viên trong gia đình.


Ai đúng, ai sai?


Chị Đặng Thị Bích Thu (Gia Lâm, Hà Nội) viết : Bố mẹ tôi có mảnh đất tại một quận ở Hà Nội, đã có sổ đỏ được cấp vào năm 2003 và đã hoàn thành thủ tục tài chính với Nhà nước. Sổ đỏ được mang tên chung cả bố mẹ tôi. Sau đó bố tôi đã mất và không để lại di chúc. Ngày 21.8.2009, gia đình chúng tôi gồm mẹ tôi và các chị em đã đến Văn phòng công chứng (VPCC) Hồ Gươm. Tại đây anh chị em chúng tôi đã thống nhất từ bỏ quyền thừa kế mà bố tôi để lại cho chúng tôi và thoả thuận mẹ tôi là chủ sở hữu mảnh đất trên và đã được VPCC Hồ Gươm lập "Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế " số 001944/2009, quyển số 03/TP/CC-SCC/HĐTC.


Ngay tại VPCC, cùng ngày (21.8.2009), mẹ tôi đã cho tặng lại tôi mảnh đất trên và được VPCC Hồ Gươm lập hợp đồng tặng cho số 001946/2009, quyển số 03/TP/CC-SCC/HĐTC .


Ngày 9.9.2009 tôi đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi sổ đỏ mang tên mẹ tôi tại UBND quận Long Biên. Sau đó tôi đã mang hợp đồng tặng cho số 001946/2009 cùng toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên mẹ tôi đến UBND quận Long Biên để làm thủ tục chuyển đổi sang tên tôi. Tại đây, bộ phận tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận HĐ cho tặng trên vì ngày 21.8.2009, mẹ tôi chưa phải là chủ sở hữu nên chưa thể cho tặng tôi được với lý do: Theo Nghị định của Chính phủ số 84/2007/NĐ-CP, ngày 25.5.2007, chương VII, điều 66: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và yêu cầu tôi về VPCC Hồ Gươm làm lại HĐ cho tặng sau ngày 9.9.2009.


Tôi đã làm đơn gửi VPCC Hồ Gươm yêu cầu lập lại hợp đồng tặng cho theo yêu cầu của UBND quận Long Biên và Nghị định 84. VPCC Hồ Gươm lại không đồng ý lập lại với lý do theo Quyết định số 156/2004/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội (15.10.2004) và họ đã làm đúng theo tiết 4, điểm II, khoản 2 của QĐ này : Trường hợp thừa kế nhà ở, đất ở đồng thời với việc chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở thì cơ quan thụ lý hồ sơ giải quyết thủ tục khai nhận thừa kế đồng thời với thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.


Hiện tại, tôi không biết QĐ của UBND quận Long Biên hay hợp đồng tặng cho mà VPCC Hồ Gươm lập cho tôi thì ai đúng và ai sai? Nhưng hợp đồng tặng cho mà VPCC Hồ Gươm lập cho tôi, tôi đã phải chịu phí lập HĐ và phí công chứng chuyển đổi sử dụng đất và sở hữu nhà từ mẹ tôi sang tôi.


Nay, nếu tôi phải làm lại hợp đồng tặng cho một lần nữa, tôi lại phải chịu chi phí thêm. Tôi đã đi lại quá nhiều lần từ nhà sang UBND quận Long Biên lại quay về VPCC Hồ Gươm.



Nhóm PV Bạn đọc