(Dân trí) - Từng là vẻ đẹp quyến rũ nhất của mảnh đất giữa đại ngàn Trường Sơn-Tây Trà (Quảng Ngãi), giờ đây con sông Tang thật thảm hại, hoang tàn, ngổn ngang những đá là đá. Và hệ lụy của nó là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây.


Dòng sông đục ngầu, trơ đáy.


Cả thôn lênh cơn dịch ngứa


Sau mấy giờ đồng hồ nín thở, thót tim, vượt qua những con đường khúc khuỷu, gập ghềnh, chúng tôi có mặt tại thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà. Tại “cửa ngõ” vào thôn là suối Y, chúng tôi bắt gặp một chàng trai đang giặt quần áo cùng mấy trẻ nhỏ tắm suối. Dưới cái nắng chói chang của vùng thung lũng không một chút gió, chàng trai có tên Hồ Văn Dé, người trong thôn Tre, nói: “Dòng sông nước đục ngầu, váng vàng màu dầu phủ cả mặt sông; cả đêm, cả ngày không tắm giặt được, phải ra suối xa này thôi. Hồi trước chưa có đãi vàng thì sông nước xanh lắm, tắm giặt thoải mái. Trong thôn không ai bị ngứa cả”.


Dịch ngứa hành hạ cả trẻ em.



Từ suối Y vào thôn còn phải đi một đoạn xa nữa. Trong cái nắng gay gắt như đổ lửa, cả thôn Tre dấu mình dưới núi. Mấy cụ già, trẻ nhỏ đang lúi húi tắm rửa bên vòi nước bằng nứa được thọc vào núi để chắt chiu từng giọt nước quý. Những làn da đen nhánh vằn lên những con nhọt tấy mủ trên lưng.


Cả thôn này đang ngập trong cơn “dịch ngứa”, khi làm, khi ăn người ta cũng không sao thoát khỏi cơn ngứa hành hạ.


Cụ già Hồ Văn Thành vừa gãi ngứa vừa nói: “Tự thuở nào đến giờ có ngứa thế này đâu. Từ ngày mấy “ông Tàu” (tên của một chủ nậu đãi vàng trên sông Tang - theo cách gọi của người trong thôn) về đây đãi vàng, dòng sông không chảy được nữa, nước đục ngầu, có màu vàng làm cho cả thôn ai cũng bị bệnh ngứa, khó chịu lắm”.


Người dân trong thôn này cho biết, bệnh ngứa xuất hiện từ đầu năm 2008. Đến 2009 còn bị thêm bệnh tiêu chảy.


Đầu 2007 cũng là thời điểm các công ty khai thác khoáng sản về đây khai thác tận thu theo chủ trương của tỉnh.


Giữa rừng núi heo hút này không có một cơ sở y tế nào cả, muốn có thuốc chữa trị phải ra tận trung tâm mất cả ngày đi bộ đường rừng nên người dân ở đây chủ yếu chữa trị bằng những nắm lá rừng.


Đền bù 500 đồng một mét vuông đất



Anh trưởng thôn Tre Hồ Minh Trí cho biết, cả thôn có gần 120 hộ với gần 460 nhân khẩu, tất cả đều sống nhờ vào đám ruộng ven sông với khoảng 40 ha. Từ ngày có sà lan đãi vàng về làm trên sông, ruộng đất bị lấy hết.


“Có chính sách đền bù, nhưng mỗi mét vuông đất ruộng chỉ có 500 đồng thôi, mà đến giờ cũng chưa thấy họ mang tiền đến bù cho dân. Họ bảo sau khi di dời trong dự án lòng hồ Nước Trong thì Nhà nước sẽ trả lại ruộng như cũ tại nơi ở mới”, anh Trí nói.


Nhà anh Trí có 7 sào ruộng, bình thường khi chưa có chuyện khai thác vàng trên sông, nhà anh thu hoạch mỗi mùa không dưới một tấn thóc, có gạo ăn, gạo để cả năm. Thế nhưng từ ngày các sà lan đãi vàng tràn về trên sông Tang thì không làm được hạt nào cả.


Anh Hồ Văn Thắng cũng cho biết, hồi trước nhà anh làm mỗi vụ mùa thu hoạch được 15 bao đậu phụng, mỗi bao có giá 200.000 ngàn đồng, nhưng giờ thì không còn làm được nữa.


“Do nguồn nước trên sông Tang bị ô nhiễm, không trồng lúa, trồng đậu được. Phải vào núi chặn suối lấy nước, mà đường xa, nước về đến thôn cũng chẳng còn là bao, chỉ vừa đủ cho bà con sinh hoạt. Đất ruộng thì bị mấy người ta múc hết để tìm vàng rồi”, anh Trí bùi ngùi kể.


Vừa qua, đoàn Đại biểu Quốc hội cũng đã có buổi gặp gỡ cử tri thôn Tre, nhân dân thôn Tre cũng đã có cả tập đơn thư kêu cứu về tình trạng khai thác vàng tràn làn làm việc sản xuất của họ bị chặn đứng, gây ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, trong khi việc di dời chẳng biết đến bao giờ được thực hiện!



Gần chục chiếc máy xúc như thế này đang quần nát sông Tang.



Hiện tại trên sông Tang có hai công ty chính được cấp phép khai thác vàng sa khoáng của tỉnh Quảng Ngãi là Công ty Thành Long (Quảng Ngãi) và Công ty Quảng Định (Quảng Nam). Tuy nhiên, thực tế trên sông còn có gần chục cái sà lan của các đầu nậu lợi dụng “đục nước béo cò” khai thác lậu.


Đã nhiều lần Công an huyện Tây Trà vào cuộc dẹp loạn “vàng tặc” nhưng xem ra cũng như “nước đổ đầu vịt”. Phía chính quyền huyện cũng đang bất lực trước thực trạng này. Để giải quyết vấn nạn này, cần có sự hỗ trợ của các cấp ngành cao hơn.


Thiết nghĩ, dẫu biết rằng một mai nơi đây sẽ chỉ còn là hoài niệm khi lòng hồ Nước Trong đi vào ngăn đập. Thế nhưng cho đến lúc đó, không vì thế mà quên đi cuộc sống của biết bao con người đang chung sống yên bình bên bờ sông này.


Ngang qua con sông Tang trong buổi chiều muộn, từng sà lan di động trên sông vẫn miệt mài san ủi, sàng xả, vì màu vàng le lói từ đống đất đã được xúc lên từ dưới lòng sông. Dòng sông đang oằn mình chịu nỗi đau bị xẻ thịt!


Trọng Huy


http://dantri.com.vn/c20/s20-396245/tan-tac-dong-song-quyen-ru-nhat-cua-dai-ngan-truong-son.htm