Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển công nghệ pin có thể ngăn ngừa cháy xe điện "tự phát" do thấm nước khi phải lội qua vùng ngập.

Xe điện ngập trong nước mặn có thể gây nguy cơ hỏa hoạn, vì nước mặn có thể ăn mòn pin và gây đoản mạch. Ngay cả khi mưa lớn trong vùng nội địa không kéo theo nước biển cũng không có gì đảm bảo nước mưa không cuốn theo các hóa chất có thể ăn mòn - Ảnh: UCF

Xe điện ngập trong nước mặn có thể gây nguy cơ hỏa hoạn, vì nước mặn có thể ăn mòn pin và gây đoản mạch. Ngay cả khi mưa lớn trong vùng nội địa không kéo theo nước biển cũng không có gì đảm bảo nước mưa không cuốn theo các hóa chất có thể ăn mòn - Ảnh: UCF

Theo thông tin đăng lên tạp chí khoa học Nature Communications, một nhánh của tờ Nature nổi tiếng đã ra đời từ năm 1869, công nghệ pin mới này thay thế các dung môi hữu cơ dễ bay hơi và dễ cháy có trong pin lithium-ion bằng nước mặn. Từ đó sẽ tạo ra loại pin an toàn hơn, sạc nhanh hơn, mạnh hơn và không bị đoản mạch khi ngập nước.

Yang Yang - giáo sư của Trung tâm Công nghệ khoa học nano Đại học Central Florida (UCF), Mỹ, chuyên về vật liệu cho các thiết bị năng lượng tái tạo như pin, người đứng đầu nghiên cứu - cho biết: "Sau cơn bão Ian, rất nhiều xe điện ngâm trong nước lũ đã bốc cháy. Đó là do nước mặn ăn mòn pin và gây đoản mạch, đốt dung môi dễ cháy và các thành phần khác. Pin của chúng tôi sử dụng nước mặn làm chất điện phân, loại bỏ các dung môi dễ bay hơi đó".

Nghiên cứu cũng nhận được tài trợ từ Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ và Hiệp hội Hóa học Mỹ.

Điểm mấu chốt trong thiết kế của loại pin này là kỹ thuật nano mới, cho phép khắc phục những hạn chế của pin truyền thống, như thời gian sạc chậm và độ ổn định chưa đủ tốt.

Yang Yang, chuyên gia về vật liệu năng lượng tái tạo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu loại pin không chập cháy - Ảnh: UCF

Yang Yang, chuyên gia về vật liệu năng lượng tái tạo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu loại pin không chập cháy - Ảnh: UCF

Pin do UCF thiết kế có khả năng sạc nhanh cực kỳ ấn tượng khi chỉ mất 3 phút là đầy. Trong khi đó, với pin lithium-ion truyền thống, phải mất cả tiếng để đạt được mức năng lượng tương tự.

Ngoài ra, tận dụng các ion kim loại tự nhiên có trong nước mặn, như natri, kali, canxi và magie, pin của UCF cũng có thể lưu trữ nhiều năng lượng hơn.

Việc sử dụng nước mặn thay thế cho các dung môi truyền thống sẽ đảm bảo được rằng trong trường hợp có rò rỉ sẽ không xảy ra chập cháy cũng như hạn chế tối đa sự độc hại mà các hóa chất mang lại cho con người nếu không may có tiếp xúc.

Yang cho biết: "Pin của chúng tôi vẫn an toàn ngay cả khi chúng bị sử dụng không đúng cách, hoặc bị ngập trong nước mặn. Nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp cải thiện công nghệ xe điện và đưa phương tiện này trở thành hình thức di chuyển an toàn và đáng tin cậy".

Mùa mưa đến, nhiều ô tô không thể tránh khỏi việc phải lội nước. Những hình ảnh ô tô trổ tài vượt qua vùng nước ngập cao, đặc biệt là xe điện, được lan truyền khiến nhiều người háo hức. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một số xe có thể không hỏng ngay, mà một thời gian sau vấn đề mới lộ ra.

Chẳng hạn, sau cơn bão Sandy năm 2012, cơn bão Isaias năm 2020, và bão Ian hồi cuối tháng 10-2022 ở Mỹ, người ta nhận thấy số lượng xe điện cháy tăng mạnh. Có ít nhất 12 vụ cháy xe điện chỉ tính riêng ở các hạt Collier và Lee thuộc bang Florida sau cơn bão Ian. Hầu hết liên quan đến việc xe bị ngâm trong nước mặn do cơn bão "kéo vào".

Thực tế, UCF không phải đơn vị duy nhất nghiên cứu công nghệ pin mới để cải thiện độ an toàn. Yi Cui, nhà khoa học, giáo sư hóa học của Đại học Stanford, đã tạo ra loại pin tận dụng sự khác biệt về độ mặn giữa nước ngọt và nước biển để tạo thành dòng điện.

Theo trang công nghệ Engadget, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã tìm cách loại bỏ các hóa chất độc hại và chỉ sử dụng sunphat, nước muối để làm ra loại pin an toàn hơn.

https://tuoitre.vn/xe-dien-loi-nuoc-bi-canh-bao-gio-co-pin-dam-bao-ngam-nuoc-van-an-toan-2023092913324254.htm