Nỗi buồn của thủ khoa sư phạm thất nghiệp, ở nhà nuôi lợn


Ngày này năm trước, Bùi Thị Hà được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vì là một trong 100 thủ khoa xuất sắc. Năm nay, em thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.


Mười hai năm đèn sách, 4 năm là sinh viên sư phạm, Bùi Thị Hà - cô gái nghèo đến từ vùng đất Hà Giang - luôn cố gắng thực hiện theo mong muốn của mẹ: "Hãy học thật giỏi, bởi chỉ có học mới giúp thoát nghèo".


Thế nhưng, hóa ra hiện thực lại không như lời mẹ em nói, hoặc chí ít hiện tại vẫn chưa, bởi dù là thủ khoa đầu ra của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016, Hà vẫn chưa xin được việc làm.


Không những nghèo tiền bạc, mà cả những hoài bão và ước mơ trước đây của Hà cũng càng ngày càng mai một, bởi em đang thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả và nuôi lợn.


webtretho


'Em đang ở nhà chăn lợn'


Thời điểm này năm trước, Hà tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Nhưng không giống với nhiều người bạn phải vật lộn với việc thi lại, học lại, nợ môn, Hà ra trường với tấm bằng giỏi.


Em là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi mà hàng năm, Thành đoàn Hà Nội dành để tuyên dương những sinh viên có thành tích ấn tượng trong học tập.


Năm nay, Facebook cá nhân của Hà toàn lời rao bán sỉ khoai lang mật; ảnh em check-in bán nho, táo, lê ở chợ. Cô gái trẻ cũng xác nhận, em đang ở nhà bán hoa quả, làm đồng áng, chăn lợn phụ mẹ và đi dạy thêm.


Gần một năm ở nhà, em đã quen với nếp sống làm đồng áng. Nghĩa là lên nương thu hoạch lúa, chăm 2 đàn lợn, nhập hoa quả bán ở chợ Hà Giang. Buổi tối, Hà nhận dạy kèm các em học sinh quanh nhà. Cuộc sống hiện tại không hề giống những gì mà em tưởng tượng hay mong ước, là cô giáo.


"Em ước mơ được truyền tải kiến thức cho học trò từ những ngày được theo bố mẹ lên Đồng Văn, Yên Minh thăm người nhà làm giáo viên. Thế nhưng, các thầy cô hồi đó cũng không thể biết rằng ngày em được phép cầm viên phấn, tỉnh Hà Giang không có đợt tuyển dụng nào. Em thất nghiệp", Hà kể.


Mong muốn làm đúng ngành, nghề đã học


Năm Hà đang học cấp ba, người cha làm phụ xây đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn, chỉ còn lại mẹ vất vả nuôi các con ăn học bằng thu nhập không ổn định.


Niềm tự hào của gia đình nghèo là 3 người con đều vào đại học. Chị gái Hà tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, em trai học năm thứ hai trường Sỹ quan Chính trị. Cũng như những gia đình khó khăn khác, cả 3 chị em Hà từng tính tới việc nghỉ học, nhưng mẹ đã yêu cầu các con phải theo con đường học vấn.


Rửa bát thuê, lau dọn, bồi bàn, dạy gia sư..., tất cả công việc làm thêm quen thuộc của một sinh viên, Hà đều từng trải qua, miễn kiếm được tiền để giảm bớt gánh nặng cơm áo cho gia đình.


Tốt nghiệp, dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ, tân cử nhân cầm tấm bằng trở về quê hương. Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang để cống hiến cho tỉnh nhà. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt.


"Lãnh đạo sở và tỉnh cũng rất quan tâm, hứa khi có đợt tuyển dụng sẽ thông báo để em thi. Nhưng đã qua một năm, em vẫn làm các việc lặt vặt để kiếm thêm và chờ đợi. Em không biết chờ tới bao giờ", cô gái nói.


webtretho


Khi được hỏi tại sao không linh động tự tạo cho mình những lựa chọn khác, Hà cho biết em học sư phạm, mơ ước trở thành nhà giáo, chứ không phải chỉ muốn tìm một công việc 8 tiếng đơn thuần.


Ngoài ra, tư tưởng của em vẫn là muốn được ở gần chăm sóc mẹ và dạy trường công. Nhưng từ giờ đến Tết, nếu không có gì thay đổi, em sẽ phải tự thay đổi tư duy, tìm việc dạy ở trường tư, hoặc công việc không liên quan viên phấn, tấm bảng.


"Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang ngỏ ý hỏi em có muốn đi làm xa, ở huyện Xín Mần (một trong 6 huyện nghèo nhất tỉnh), cách nhà khoảng hơn 100 km hay không. Em đồng ý nhưng cũng chỉ nhận được phản hồi là khi nào có tuyển dụng thì thông báo, còn không có thời gian cụ thể", Hà kể.


Từ cô sinh viên sư phạm tràn đầy tự tin, hào hứng với công việc, chỉ sau một năm, những lời xì xào, bàn tán, ánh mắt dò xét của xóm làng cũng như đôi bàn tay chai sạn vì cầm liềm gặt lúa, kiểm đếm hoa quả ở chợ đã khiến Hà mau rơi nước mắt, tự ti, và sống khép kín.


https://news.zing.vn/noi-buon-cua-thu-khoa-su-pham-that-nghiep-o-nha-nuoi-lon-post785849.html