blogradio.vn - “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” đã là truyền thống mãi bao nhiêu đời nay, thấm vào lòng, vào dạ con Lạc, cháu Hồng, tiếp nối thế hệ này đến thế hệ khác về sự kính trọng, trân quý thầy cô giáo.

***

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết nhường phần ai… Và tôi vẫn nhớ hoài. Một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng…”

Lời bài hát nâng nhẹ nỗi lòng những ai đã vượt qua những vất vả, gian nan để rồi vỡ oà khi thành công trên đường đời. Khi nghĩ tới những thầy cô nơi miền sơn cước của vùng đất Tây Nguyên, miền núi cao Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều nơi khác, tôi cứ nhạt nhoè đôi mắt mà nói chẳng nên lời khi mình cũng làm nghề “Bắc cầu kiều” như họ mà chưa bao giờ gặp những vất vả, nhọc nhằn như thế. Ôi! Phải dành cho các thầy cô nơi đây bó hoa bất tử nhất của muôn loài hoa quý nhân ngày Nhà giáo Việt Nam!

Nhìn họ vượt qua gian nan ấy trên nẻo đường đến trường qua thước phim quý giá mà phóng viên Đài truyền hình Việt Nam ghi lại phát sóng chương trình chuyển động 24H khi khắp nơi lên đèn, tôi cứ tưởng chuyện ngày xửa ngày xưa. Nào ngờ, chuyện đang diễn ra thời nay khi trường học các cấp trên cả nước đang thực hiện chiến lược công nghệ 4.0. Những con đường tới trường của họ khiêng con chữ về cho học sinh vùng khó khăn ấy không dễ như những kiến thức học trong trường Sư phạm? Con đường lên vùng cao ấy chỉ có những người thầy, người cô với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ muốn trải hoa cho đất nước mình thêm đẹp, thêm xinh về công việc mà nghề mình chọn lựa. Gánh những gian truân và nỗi nhọc nhằn để tương lai miền quê mình đẹp mãi, lan tỏa tới mai sau cũng là nguồn động viên thế hệ khác vào nghề.

Tôi rùng mình với những vất vả mà các thầy giáo nơi vùng quê Nghệ An tới trường trên con đường bùn đất nhão nhoẹt cản ngăn. Giá như câu được con cá vàng trong truyện “ông lão đánh cá và con cá vàng” của nhà văn nước Nga, tôi sẽ có một điều ước cuối cùng dành cho các thầy đi trên con đường gian truân ấy để khỏi đẩy xe lên dốc cao bùn ngập bánh. Thương vô cùng. Vậy mà các thầy vẫn tranh thủ soạn bài trong ánh đèn dầu le lói, lờ mờ để theo kịp chương trình SGK mới thì tới khi nào mới mơ tới chiếc ti vi thông minh của ngôi trường nơi phồn hoa đô thị? Thiết nghĩ rằng chả biết khi nào các em học sinh nơi này nghĩ tới máy điều hoà mát lạnh khi mùa hè miền Trung nắng vung lửa xuống? Cuộc sống đã sang trang mới. Ước gì những miền quê ấy lúc nào cũng bình yên, ngừng bão tố, phong ba nghiệt ngã ghé thăm. Và cứ ước để ngày mai đây các em có quyền mơ tưởng mảnh đất đầy khó khăn sánh bước với điều diệu kì trong tương lai cùng muôn nẻo. “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” đã là truyền thống mãi bao nhiêu đời nay, thấm vào lòng, vào dạ con Lạc, cháu Hồng, tiếp nối thế hệ này đến thế hệ khác về sự kính trọng, trân quý thầy cô giáo.

hình ảnh

Vết cắt của mảnh ghép cuộc sống mấy ngày nay trên báo mạng đang bị che mờ, giống như ngày “nguyệt thực” mà người dân khắp nơi nhìn lên bầu trời xem sự kì thú của thiên nhiên. Thầy Hiệu trưởng ở trường học cũng dải đất miền Trung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) quỳ gối trước mặt phụ huynh học sinh để xin lỗi về việc làm quá, lẽ không cần hành động như vậy trong ngành Giáo dục, nơi mà dạy chữ, dạy người thì thật đáng buồn với “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Lòng tôn kính đang đi ngược lại với men say của những bộ phim dài tập trình chiếu trên ti vi mỗi buổi trưa mà người dân đang nghiền ngẫm. Dòng tít có thể dừng lại bởi hai từ “giá như” khi soi lại mình trong cái gương thần của mụ phù thủy trong truyện cổ “nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” để nâng tầm giá trị nghề dạy học. Và chẳng đáng khi lòng nhân hậu của mình trỗi dậy tặng các em một “phần quà” (BHYT) chỉ mấy trăm ngàn đồng sẽ tựa giá ngàn vàng, có là bao để đong đếm lại còn ý nghĩa nhiều, khỏi phải để cho dân mạng khắp nơi biểu cảm những con rối thay lời muốn nói rồi kì thị lẫn nhau. Mất hay!

Đã có nhiều thầy cô trên mọi miền tổ quốc làm được điều này, cho đi thì sẽ nhận lại những điều phi thường khác, các em học sinh rất cần sự chia sẻ bởi thế giới ảo làm cho các em thích hơn. Cổ nhân dạy “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có thể lời nói của thầy cô làm cho các em nhớ mãi không bao giờ quên. Đó là những lời động viên, an ủi. Là nụ cười tỏa nắng in thành kí ức. Các em xa thầy cô còn nhớ mãi, ước sẽ làm gì có ích cho xã hội để trả lại công ơn. Hình ảnh thầy giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long bán vé số chăm lo cho học sinh đáng trân quý biết nhường nào! Các cô vùng cao phía Bắc thương các em mà lo cho bữa ăn để các em yên tâm học tập, mang hình ảnh đẹp lan tỏa trong phụ huynh để họ chung tay mang những thức quà mang vị quê cùng cô chăm lo cho tương lai, chứ làm sao họ vác “dao” vào được? Truyện cổ tích của xứ Ba Tư trong “nghìn lẻ một đêm” tôi đọc mà chưa gặp tình huống này bao giờ cả. Giọt nước mắt của học sinh nóng hổi ừng ực rơi khi nhận một món quà từ tay thầy cô khi em còn nhiều khó khăn nhất trên đường đời vô tận mà chương trình gặp gỡ thầy cô mỗi năm ngày 20/11 đến. Câu hỏi “sau này lớn lên con sẽ làm gì?” Đôi mắt nhác nhìn ai đó khiến các em vô tư trả lời “con sẽ làm cô giáo.” Rồi vang lên tràng cười đầy niềm tin và hi vọng.

Bản nhạc của ca khúc “một đời người, một rừng cây” vang lên “và rừng sẽ lên xanh. Rừng gìn giữ đất quê hương!” Thật đầy ý nghĩa.

© Phùng Văn Định - blogradio.vn