Những lỗi ngớ ngẩn của VTV1 khiến dư luận bức xúc


Không chỉ biên tập viên (BTV) Diệp Anh bị các thành viên Diễn đàn nhà báo trẻ soi vài lỗi chính tả trên Facebook (vụ vi phạm bản quyền trên YouTube), mà nhiều BTV khác của VTV cũng bị chê te tua khi dính lỗi chính tả kiểu này…


Những câu nói mà biên tập viên buột miệng với thái độ cáu gắt, dùng cụm từ “vô duyên” - “con số ấn tượng” khi nói số người chết trong vụ động đất ở Nepal, hay những lỗi chính tả vụn vặt như "chì" thành "trì", “chung kết” thành “trung kết”, “trốn” thành “chốn”… là những lỗi sai ngớ ngẩn của VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) từng khiến dư luận xôn xao.


Cụ thể, tháng 5.2015, trong phần Tin tức do MC Hoài Anh dẫn có dòng phụ đề bị sai chính tả, thay vì "Tìm kinh phí cho trẻ bị ngộ độc chì" thì dòng phụ đề bị nhầm từ "chì" thành "trì". Trong một chương trình khác phát sóng trên kênh VTV1, thay vì phần phụ đề là "Doanh nghiệp bỏ trốn người lao động lao đao" thì "trốn" lại viết là... "chốn", hay “chung kết Cup C1” thì thành “trung kết”; “yêu nước phải có lý trí” thành “yêu nước phải có lý chí” (trong chương trình Cuộc sống thường ngày)…


Những lỗi chính tả ngớ ngẩn của VTV từng gây xôn xao dư luận


Ngoài những lỗi cơ bản đó, một vài chương trình khác của VTV1 còn có cách dùng từ ngữ khá “đặc biệt”.


Ví dụ, trong bản tin dự báo thời tiết, khi nói về không khí lạnh đang tràn về Việt Nam, BTV nói: “Khối không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”, trong khi từ “mấp mé” thường thì chỉ dùng khi muốn nói đến nước mấp mé mặt đê… hay “Nhiệt độ quanh quẩn ở 18 độ C đến 21 độ C” thì từ “quanh quẩn” thường nói đến con trâu, bò, chó… hoặc “Không khí ẩm thấp ít nắng sẽ làm cho các đối tượng sâu bọ phát triển”, thì từ “đối tượng” khiến khán giả ngỡ ngàng bởi không biết từ bao giờ “sâu bọ” thành “đối tượng” được ghép chung với đối tượng tội phạm, đối tượng hình sự…


Đó là chưa kể đến vài phát ngôn khác của các BTV còn khá... sốc.


Ngày 2.5.2015, trên VTV1, trong bản tin thời sự quốc tế khi nói về tin: "Nepal 1 tuần sau thảm họa", BTV Phương Thảo đọc lời dẫn như sau: "1 tuần sau trận động đất lịch sử, số người thiệt mạng tại Nepal đã tăng lên hơn 6.620 người. Bản tin 17h hôm nay sẽ điểm lại những con số ấn tượng trong thảm họa kinh hoàng này”. Cụm từ “con số ấn tượng” khiến người xem... giật mình.


Ở phút thứ 2, BTV Phương Thảo lại đề cập đến cụm từ này: “Một tuần sau thảm họa người dân Nepal vẫn chưa khỏi bàng hoàng về những gì xảy ra, nhiều người còn sợ hãi không dám trở về nhà do lo ngại những dư chấn sau động đất. Chúng ta sẽ cùng nhìn lại những con số ấn tượng về sức tàn phá kinh hoàng của trận động đất lịch sử tại Nepal”.


Rồi khi phần thống kê kết thúc, BTV Phương Thảo nhắc lại: “Vâng đúng là những con số rất ấn tượng”.


Nhiều người khi xem bản tin đã không khỏi ngỡ ngàng vì bản tin thay vì dùng từ "khủng khiếp" thì lại chọn "ấn tượng" để nói về những con số kinh hoàng mà vụ động đất gây ra cho người dân Nepal.


Những sai sót cả trong phát ngôn và chính tả trên các chương trình truyền hình khiến người xem đặt ra câu hỏi, phải chăng điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng và hiểu biết của một số người trong đội ngũ thực hiện các chương trình truyền hình đối với khán giả truyền hình trên cả nước?


Huy Hoàng


http://danviet.vn/van-hoa/nhung-loi-ngo-ngan-cua-vtv1-khien-du-luan-buc-xuc-665445.html