Ai cũng nghĩ đó là những trang tuyệt sắc nhưng không ít bà hoàng chẳng những không đẹp mà “nhan sắc” còn làm người ta phát sợ.


Mô Mẫu, vợ của Hoàng Đế



Hoàng Đế là một trong ba vị vua thời thái cổ của Trung Quốc (bên cạnh Phục Hy, Thần Nông). Ông có 4 bà vợ và 25 người con. Một trong các bà vợ của ông là Mô Mẫu, người được coi là người phụ nữ xấu xí nhất thời viễn cổ.



Tương truyền, bà người lùn, khuôn mặt xấu như quỷ dạ xoa. Thế nhưng người phụ nữ này lại cũng nổi tiếng bởi tài năng và đức hạnh. Đến nỗi nhà thơ Khuất Nguyên khi viết về bà đã dành những lời thơ đẹp nhất, ca tụng bà là một người phụ nữ hoàn hảo.



Nhờ tài và đức, Mô Mẫu đã giúp chồng rất nhiều trong sự nghiệp. Thắng lợi của Hoàng Đế trong các trận chinh chiến, hợp nhất các bộ lạc để yên thiên hạ, đưa Trung Quốc cổ đại tiến đến thời kỳ văn minh hơn… có đóng góp không nhỏ của Mô Mẫu. Hoàng Đế được coi là vị vua đầu tiên của Trung Quốc tỏ ra tôn sùng vẻ đẹp nội tâm thay vì vẻ bề ngoài.



Chung Vô Diệm


Tên thật của bà là Chung Ly Xuân, người huyện Vô Diêm nước Tề, thời Chiến quốc. Đó là một người đàn bà ai nhìn thấy cũng ngán ngẩm: trán dô, mắt trũng sâu như miệng hố, bụng to, mũi hếch, yết hầu trồi lên như đàn ông, da đen như hắc ín, đầu đã to lại ít tóc, lưng gù, chân như cột đình…



Vì bà quá xấu nên đến 40 tuổi vẫn không ai thèm lấy. Ấy thế mà đùng một cái, Chung Ly Xuân trở thành vợ của Tề Tuyên vương, một ông vua nổi tiếng hiếu sắc.




Chuyện kể rằng, Tề Tuyên vương chỉ lo ăn chơi mà không màng việc nước, tính tình bạo ngược. Một hôm trong buổi tiệc với quần thần, một phụ nữ (chính là Chung Vô Diệm) xin vào ra mắt, khiến vua quan giật mình hoảng hốt vì dung mạo quá xấu xa. Họ Chung nói nàng biết đoán trước những việc chưa xảy ra, nhưng khi vua bảo đoán thì nàng chỉ dương mắt, vỗ gối, khua tay và lắc đầu.


Vua bắt giải thích, nàng nói: “Thiếp giương mắt để thay bệ hạ nhìn thấy khắp thiên hạ lửa cháy. Thiếp vỗ gối để thay bệ hạ phạt cái tật tin dùng bọn gian thần. Thiếp xua tay để thay bệ hạ đuổi bọn xu nịnh”. Tề Tuyên vương thấy người đã xấu lại nói khó nghe, nổi giận thét lôi ra chém. Nàng Chung xin được nói vài lời trước khi chết.


Một cách rành rẽ, nàng phân tích tình hình chính sự, vạch ra các mối nguy của nước Tề, khiến nhà vua tỉnh ngộ, truyền bãi tiệc và rước nàng về cung làm chính thất. Nhà vua coi sự có mặt của Chung Vô Diệm bên mình như một sự cảnh tỉnh để dốc tâm trị nước, tránh điều sai trái.


Sau đó, với sự trợ giúp của nàng Chung, vua Tề đã làm cho nước mình trở nên cường thịnh. Người có tài có đức trong thiên hạ thấy nhà vua sủng ái người đàn bà vừa già vừa xấu nhưng đức hạnh đó càng tin tưởng ra mặt cống hiến.



Túc Lựu – cô gái bướu cổ


Túc Lựu cũng người nước Tề, làm nghề chăn tằm, dệt lụa. Nàng là cô gái xấu xí, dị dạng bởi một khối u lớn ở cổ. Bởi ai nhìn thấy cũng ghê nên đã đến tuổi trưởng thành vẫn chẳng có ai hỏi cưới.



Một lần, Tề Mẫn vương đi tuần du Lâm Truy, quê hương Túc Lựu. Thấy vua đi với cả một đoàn ngựa xe lộng lẫy, cờ xí rợp trời, dân chúng xung quanh nô nức đổ ra đón. Chỉ có nàng Túc Lựu vẫn thản nhiên hái dâu bên đường. Vừa ngạc nhiên vừa “tự ái”, vua cho gọi lại hạch hỏi, nàng trả lời: “Bố mẹ sai đi hái dâu, thiếp không dám để tâm đến việc gì khác”.


Hỏi han thêm mấy câu thấy cô gái đối đáp thông minh, cứng cỏi, nhà vua thú vị vì cô gái quê mà tỏ ra không màng danh lợi, không sợ uy quyền nên ra lệnh đón về cung. Tưởng Túc Lựu cảm động dập đầu tạ ơn, không ngờ nàng từ chối: “Chưa xin phép cha mẹ đã lên xe với người khác là hành vi xấu xa. Nếu nhà vua không dùng lễ để tương cầu, thiếp dù chết cũng không dám tuân lệnh”. Tề Mẫn vương đành dùng lễ chính thức đón nàng vào cung.


Thấy nhà vua long trọng rước về một người con gái dị dạng, các mỹ nữ trong cung thảy đều bật cười khinh thị. Nhưng tất cả phải tái mặt im tiếng khi Tề Mẫn vương sẵng giọng: “Cái đẹp của diện mạo sao dám sánh với vẻ đẹp của đức hạnh? Bên ngoài lụa thơm gấm đẹp mà trong hỏng nát xấu xa thì có ích gì?”.



Thế là cô gái hái dâu bướu cổ trở thành vợ vua.



Vừa xấu xí vừa thất đức


Nhắc đến các hoàng hậu xấu ma chê quỷ hờn, không thể không nói đến Giả Nam Phong. Có điều trong khi những bà vợ vua kể trên được người đời kính trọng vì dung mạo tuy xấu xí nhưng tài đức rạng rỡ, thì hoàng hậu của Tấn Huệ đế lại khiến thiên hạ rùng mình vì xấu cả nết lẫn người.



Giả Nam Phong là con gái công thần nhà Tấn nên mới được cưới cho thái tử (người sau này là Tấn Huệ đế). Bà lùn tịt, chỉ chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu, các nét trên mặt bất cân đối, với cái mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác. Tóm lại, toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong cho xứng với tâm địa đen tối hết mực của bà.



Từ khi là thái tử phi cho đến lúc ở ngôi hoàng hậu, Giả Nam Phong đều giết người không gớm tay, từ các mỹ nữ nhận được ân sủng của chồng mình cho đến các vị quan không ăn cánh với bà. Bà cũng hãm hại thái tử của Huệ đế, giết thân tộc bên ngoại của nhà vua. Cuối cùng, vị hoàng hậu độc ác cũng phải đền tội bằng cái chết.



Theo Hồng Phạm


Đất Việt


http://giadinh.net.vn/20110607082832952p0c1006/nhung-hoang-hau-ma-che-quy-hon.htm