Từ xưa đến nay, rượu không thể thiếu trong nhiều lễ nghi của người Việt Nam, nên “uống rượu” được xem là một nét văn hóa (văn hóa uống rượu), còn “nhậu nhẹt” có hàm ý chê (nhậu liên miên, quá độ, không biết tiết chế được xem là tệ nạn). Điều đáng lo ngại là hiện nay có một bộ phận người dân dù thu nhập thấp, kinh tế chưa ổn định,... nhưng hay nhậu nhẹt, thậm chí sáng nhậu, chiều nhậu. Một người nghèo mà ham nhậu hơn làm thì con đường thoát nghèo xem như mờ mịt.

hình ảnh


Ảnh minh họa​

Khi trụ cột gia đình lo... nhậu

Theo nhận định của các địa phương trong tỉnh, tình hình lạm dụng rượu, bia quá mức đang xảy ra ở một bộ phận nhân dân, trong đó có một số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có người sáng nhậu, chiều nhậu, bỏ bê việc nhà, trong khi thu nhập của gia đình mình không có hoặc chưa ổn định. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo, trong đó có nguyên nhân lạm dụng rượu, bia. Chú Phạm Ngọc Ch. (61 tuổi) đang ở một mình trong căn nhà tôn đơn sơ ở tổ 34, khóm 4, phường 6, TP.Cao Lãnh cho biết, trước đây do chú hay nhậu, kinh tế gia đình ngày càng xuống, vợ chồng ngày càng mâu thuẫn nên đến năm 1987 vợ chồng chú không còn chung sống, 3 đứa con theo mẹ và sau đó vợ của chú đã đi thêm bước nữa. Từ khi vợ con bỏ đi, chú Ch. buồn nên nhậu nhiều hơn. “Trước đây tôi cũng có đất ruộng, trúng một tờ vé số giải đặc biệt, nhưng hay nhậu, nên dần dần đi đến cái nghèo. Bây giờ tôi thấy nuối tiếc, nhưng đã muộn. Mong con cháu tôi và các thanh niên ở xóm đừng “dính” rượu như tôi. Xã hội bây giờ phát triển nhanh lắm, nếu mình không lo làm, nhậu nhiều thì rất mau nghèo” - chú Ch. bộc bạch.

Sau nhiều năm nghiện rượu, đến tháng 2/2012, anh Phạm Văn Đ. đã qua đời ở tuổi 47 để lại vợ là chị Nguyễn Thị S. (46 tuổi) ở ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh và 3 đứa con. Theo chị S., chồng chị nghiện rượu đã nhiều năm, chị hết lời khuyên anh giảm uống rượu, nhưng không tác dụng mà còn hay bị chồng chửi, đánh. Dần dần chị không phản ứng, chiều theo ý anh cho anh không lớn tiếng. Vậy là ngày nào chồng chị cũng nhậu bí tỉ với những người bạn nhậu, mặc cho chị phải bươn chải kiếm tiền nuôi cả gia đình. Điều đau lòng nhất đối chị là một trong những người bạn nhậu của chồng chị đã hiếp dâm đứa con gái (tuổi trẻ em) của chị ngay tại nhà chị. “Chồng tôi bị nghiện rượu bị tâm thần một thời gian, lần nhậu sau cùng anh bị xuất huyết não mà chết. Trước đây, gia đình tôi có hơn 1 công đất ruộng, đất nền cũng rộng, nhưng chồng tôi uống rượu nhiều, một mình tôi đi phụ quán ăn không đủ tiền lo cho gia đình nên bán đất ruộng, bán một phần đất nền nhà, chỉ chừa một phần để cất nhà ở...”- chị S. kể.

Khi đến một số địa phương tìm hiểu về đời sống “dân nhậu”, hầu như nhờ người nào người đó cũng không khó giới thiệu cho tôi một, hai trường hợp điển hình về nhậu dẫn đến vợ con bỏ đi, nghèo khó, bệnh,... Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp Bình Trung, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết, trong ấp chị cũng có vài anh lạm dụng rượu, kiệt quệ về kinh tế và không ít người nhậu vài lần/tuần ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, nếu không có giải pháp can ngăn, dần dần họ sẽ có nguy cơ cao lún sâu vào rượu với nhiều hệ lụy.

Kèm cặp “dân nhậu”

Thời gian qua, công tác tuyên truyền chương trình giảm nghèo tập trung nêu những tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả... Đối với người hay nhậu nhẹt, các hội đoàn thể chủ yếu tuyên truyền, vận động để họ nhận thức được, bỏ rượu chè, tập trung lao động, tạo việc làm vươn lên thoát nghèo, nhưng chưa phê phán. Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp Bình Trung đề xuất: “Tuyên truyền cho những người nam đang có dấu hiệu nghiện hoặc đang nghiện rượu từ bỏ hoặc hạn chế dần việc nhậu nhẹt bỏ công ăn việc làm là rất cần thiết, nhưng hiện nay chưa có căn cứ cụ thể về vấn đề này nên chúng tôi chỉ khuyên các anh, chứ chưa có giải pháp căn cơ. Cấp trên cần có văn bản chỉ đạo cụ thể về phòng, chống tệ nạn nhậu, rồi các đoàn thể vào cuộc mạnh mẽ hơn như phân công người kèm cặp người hay nhậu để giúp họ thay đổi hành vi,...”.

Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Giảm nghèo - Việc làm tỉnh cho biết, thời gian tới đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức; giáo dục làm thay đổi và chuyển biến nhận thức cho hộ nghèo, vận động người nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đối với nhóm chủ hộ nghèo, cận nghèo mắc các tệ nạn rượu chè, cờ bạc,... chỉ biết hưởng thụ riêng mình, lười lao động, mặc cho vợ con tự bươn chải, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể cần phân công những thành viên, hội viên có điều kiện nhận đỡ đầu cho một hộ nghèo bằng việc làm thiết thực như hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để họ tiếp cận dần cách quản lý gia đình, chuyển biến nhận thức... Định kỳ (tháng, quý, năm) các hội đoàn thể có đánh giá hiệu quả của việc phân công đoàn viên, hội viên giúp đỡ những người lạm dụng rượu, bia phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Thực tế những năm qua, khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, một số hộ nghèo sau một lần nhận tiền hỗ trợ là một dịp để họ “tiêu xài xả láng” vào việc ăn uống, không đầu tư cho sản xuất, tạo thế trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Đối với nhóm hộ nghèo vướng vào tệ nạn xã hội, các chính sách hỗ trợ cần phải cân nhắc và các hội đoàn thể giáo dục đến khi nào họ có chuyển biến, chí thú làm ăn thì mới thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thành Nam

Nguồn: baodongthap.vn