Nhầm khái niệm



Chủ Nhật, 09/12/2018, 13:05:55





Sa Pa được bê tông hoá toàn diện



NDĐT -
Nếu đảo Lý Sơn thành một “đô thị biển”, nó sẽ hấp dẫn khách du lịch bằng đặc trưng gì, so với những đô thị biển khác? Phát triển hạ tầng du lịch ở những khu vực có vẻ đẹp hoang sơ đang bị hiểu lầm thành “đô thị hoá”. Đúng hơn, là bê-tông hoá.


Khi du lịch Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người ta mong muốn điều gì? Quá dễ để có câu trả lời. Dấu tích của đợt núi lửa phun hàng chục triệu năm trước đã để lại những vách đá có hình thù kỳ dị. Bãi biển Lý Sơn không hình vòng cung trải dài tít tắp, nhưng lại hấp dẫn bởi làn nước trong veo, bãi cát trắng xen lẫn những khối đá nham thạch núi lửa – “thiên đường” cho những người thích chụp ảnh. Nhưng đó chưa hẳn là “giá trị cốt lõi” của Lý Sơn. Thương hiệu du lịch Lý Sơn là sự hoang sơ của cảnh quan, ít có sự can thiệp của con người. Và chính sự biệt lập khỏi đất liền hai hòn đảo Lớn – Bé của huyện đảo Lý Sơn cũng giúp con người nơi đây giữ được nét hồn hậu, chất phác – một sự hấp dẫn khác về văn hoá. Đó là chưa kể đến những đặc sản của miền đất này, nổi tiếng nhất là tỏi Lý Sơn.



Nhưng nếu thay vào cảnh hoang sơ, tự nhiên bằng những công trình dịch vụ giải trí, những khách sạn, nhà nghỉ hiện đại, khách du lịch có tìm đến Lý Sơn nữa không? Cũng quá dễ để có câu trả lời.



Thực tế, Lý Sơn đang yếu về hạ tầng du lịch. Khách du lịch đến đông, nhưng phía chính quyền “lo ngại” là nguồn thu tăng không lớn. Và cái người ta muốn, là xây dựng những công trình du lịch, dịch vụ “hấp dẫn”. Tất nhiên, với tư duy ấy, bê-tông được đổ xuống, nhà cao tầng ồ ạt mọc lên. Mãi gần đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi mới có động thái ngăn chặn tình trạng thay đổi hiện trạng sử dụng đất, xây nhà cao tầng ảnh hưởng cảnh quan, nhưng việc ngăn chặn mới chủ yếu diễn ra ở đảo Bé, chứ không đề cập đến đảo Lớn.



Lý Sơn vẫn có “cơ hội” (hay nguy cơ?) trở thành một “đô thị biển” để “phát triển bền vững”. Nhưng có lẽ, nó sẽ hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch, nếu vẫn giữ được chất “làng biển”, nhưng được bổ sung hệ thống hạ tầng hiện đại và phù hợp.



Lý Sơn đang đứng trước “nguy cơ”. Tức vẫn có cơ hội sửa chữa. Nhưng Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thì không. “Thị trấn trong mây” lãng mạn bây giờ ninh ních những khối bê tông sừng sững. Nhiều người vỡ mộng với mong muốn “sống chậm” hay tìm sự “lặng lẽ” khi đến Sa Pa. Đến nơi mới thấy Sa Pa náo nhiệt, ồn ã, cà phê, quán xá chẳng kém... Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vốn nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng, giờ khách du lịch Sa Pa giờ cũng phải đeo khẩu trang chống bụi.



Câu chuyện không mới. Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo không nên biến Sa Pa từ một thị trấn yên bình, với các công trình xây dựng hài hoà trong mây trong núi, với vẻ đẹp lãng mạn của các bản làng dân tộc Mông, Dao thành một đô thị đông đúc dân cư. Nhưng người ta đã làm ngược lại. Đi kèm với đó là sắc màu văn hoá của các dân tộc thiểu số phai nhạt dần.



Du lịch những vùng hải đảo, hay vùng núi xa xôi có điểm yếu cố hữu là hạ tầng. Nhưng dường như người ta đang cố tình hiểu lầm giữa đầu tư hạ tầng với “xây cao ốc”, khách sạn, nhà hàng. Thay vì xây dựng những công trình hạ tầng hài hoà với cảnh quan, phát huy bản sắc văn hoá địa phương, tạo điều kiện để người dân địa phương làm du lịch thì người ta luôn chào mời những nhà đầu tư lớn và nhanh nhạy trong giải phóng mặt bằng. Sự phát triển ồ ạt khiến bản sắc của cảnh quan thiên nhiên lẫn văn hoá bị phá tan. Đó là chưa kể những hệ luy văn hoá xã hội khác khi nhà đầu tư “giải phóng mặt bằng”. Trong bối cảnh đâu đâu cũng chịu tác động của toàn cầu hoá, thế giới phẳng khiến lối sống cũng “phẳng” theo, nét văn hoá riêng biệt, nét hoang sơ của tự nhiên mới là thứ quyến rũ nhất.



Báo cáo về khách du lịch đến Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng vẫn là những con số đẹp về tăng trưởng. Nhưng đi vào chi tiết mới thấy, mấy năm nay, khách quốc tế không còn mặn mà với Sa Pa nữa. Thậm chí lượng khách quốc tế có thời điểm còn giảm. Vì sao lại thế? Một lần nữa, câu trả lời cũng quá dễ dàng. Ai cũng biết, khách quốc tế đến Việt Nam thường đem lại nguồn thu lớn, do khả năng chi tiêu cao. Với khách nội địa, điểm hấp dẫn của Sa Pa bây giờ chỉ còn là được đi cáp treo lên đỉnh Phan-xi-păng. Đó là lời cảnh báo với nhiều địa phương khác, khi tự tay đánh mất bản sắc.




TUỆ MINH



http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/38520502-nham-khai-niem.html