Bệnh viêm tai ngoài có thể xuất hiện do thói quen ngoáy tai và nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.



Viêm tai ngoài là bệnh khá phổ biến, đặc biệt thường gặp ở trẻ em và những người thường hay bơi lội hoặc ngâm mình lâu trong nước.


Bác sĩ Nguyễn Thúy Lan, khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Về cấu tạo, tai có 3 ngăn là ngoài, giữa và trong. Tai ngoài và tai giữa ngăn cách nhau bởi màng nhĩ. Khi bị trầy xước hoặc nước lọt vào ống tai ngoài, sẽ khiến vi khuẩn ở khu vực này sinh sôi, gây viêm nhiễm nặng.


Viêm tai ngoài gây tử vong


Theo bác sĩ Lan, khi bơi lặn, nước vào tai, gây ngứa, cảm giác khó chịu, khiến nhiều người thường ngoáy tai. Chính hành động này làm xây xước da ống tai dẫn tới phù nề. Vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm ống tai với các triệu chứng đau tai, đau ngày càng tăng kể cả khi nhai, ngáp và há miệng. Viêm ống tai thường kéo dài 5- 7 ngày, hay tái phát nếu thường xuyên ngoáy tai.


Viêm tai ngoài cấp tính thường xảy ra khi tắm gội vì nước lọt vào ống tai làm giảm độ axit trong ống tai nên vi khuẩn phát triển nhanh. Biểu hiện bệnh gồm các triệu chứng: tai bị ngứa và đau, ống tai sưng, nóng, đỏ. Đặc biệt nguy hiểm là bệnh zona trong ống tai ngoài gây ra đau tai nặng và thường kèm theo liệt mặt cùng bên do tác động lên hạch gối của dây thần kinh sọ não số VII (hội chứng Ramsay Hunt). Ngoài ra, nó còn có thể gây ra viêm tai ngoài mạn tính (gây ngứa nhưng không đau). Nguyên nhân thường do kích thích bởi chấn thương nhẹ ống tai nhiều lần như cào xước hoặc dùng miếng gạc bông, tiết dịch vì nhiễm khuẩn tai giữa mạn tính.


274679


Nên đưa trẻ đi khám tai định kỳ. Ảnh: Phổ Ninh.


Nhiễm khuẩn từ tai có thể gây tử vong là viêm tai ngoài xâm lấn. Vi khuẩn xâm lấn dần dần từ ống tai ngoài đến các mô mềm kế cận, gây viêm xương chũm và xương thái dương, rồi sau cùng lan qua nền sọ. Bệnh biểu hiện đau và tiết dịch tai trong nhiều tuần hay nhiều tháng nên thường chẩn đoán sai là viêm tai giữa mạn tính. Một số trường hợp, có tình trạng cứng khít hàm hoặc liệt một phần dây thần kinh mặt.


Cách phòng bệnh


Các bác sĩ khuyến cáo, với các đối tượng với những người có ráy tai dẻo, đặc; ống tai nhỏ hẹp; sức đề kháng giảm; nhiều mồ hôi; hoạt động dưới nước nhiều... việc phòng bệnh viêm tai ngoài là hết sức cần thiết.


Nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh: sau khi tắm hay bơi lội dưới nước nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở trong ống tai; nhỏ thuốc sát khuẩn vào tai; tránh dùng tăm bông ngoáy tai gây trầy xước ống tai; khi cần nên nhờ bác sĩ rửa ống tai và giúp lấy ráy tai; những người đang bị viêm tai ngoài cấp tính nên tránh bơi lội hoặc hoạt động dưới nước cho đến khi điều trị khỏi.


Những người hay bơi lội nên mang nút tai khi bơi; sau khi bơi xong lau khô nhẹ nhàng bên ngoài tai bằng khăn mềm, và nghiêng đầu sang một bên để cho nước chảy hết khỏi tai; nhỏ dung dịch sát trùng tai (thường là dung dịch axit acetic loãng) sau khi rời khỏi bể bơi; không nên để cho trẻ tự vệ sinh tai và không nên sử dụng tăm bông để ngoáy tai.


Đặc biệt, ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất thải do một số người vô ý thải ra (đờm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu...), đây là những yếu tố lớn làm người đi bơi mắc bệnh tai - mũi - họng, đau mắt, các bệnh ngoài da... Do đó, nên chọn những hồ bơi có nước sạch, được thay nước thường xuyên, trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào mũi họng; sau khi bơi xong tránh việc ngoáy tai làm trầy xước da ống tai vì sẽ tạo điệu kiện cho vi trùng xâm nhập (trường hợp nước bẩn vào tai); sau khi trẻ bơi xong nên tắm lại cho trẻ bằng nước sạch (phòng nước hồ bơi nhiễm bẩn), xì nhẹ mũi để nước bẩn còn trong mũi ra hết...


BACSI.com (Theo AF)