Ma trận sở hữu ngành mía đường của gia đình Đặng - Huỳnh



Một thống kê cho thấy, đại gia đình Thành Thành Công có trên chục thành viên hoạt động trong lĩnh vực mía đường: Đường Ninh Hòa (NHS), Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Điện Gia Lai (GEC)...



Ngoài việc sở hữu của Thành Thành Công (ThanhThanhCong) đối với các đơn vị thành viên thì giữa các doanh nghiệp này cũng có sở hữu cổ phần qua lại lẫn nhau khá chằng chịt.



Được biết, Thành Thành Công, tiền thân là Cơ sở kinh doanh Cồn của vợ chồng ông Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc. Cơ sở được thành lập năm 1979 với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên. Đến năm 1999, Cơ sở kinh doanh Cồn Thành Thành Công được chuyển thành Công ty TNHH Thành Thành Công. Năm 2007 Công ty TNHH Thành Thành Công cổ phần hoá thành Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thành Thành Công.



Vào năm 2011, Thành Thành Công phát triển thành Tập đoàn Thành Thành Công và nâng vốn lên 1,000 tỷ đồng. Trong đó, bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Đặng Văn Thành - Nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB), làm Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Huỳnh Ức My (con gái bà Ngọc) làm Phó Chủ tịch. Bản thân ông Đặng Văn Thành giữ vai trò cố vấn cao cấp của Tập đoàn này.




Đường Ninh Hoà – Đường Phan Rang – Mía đường 333



Trong ngành mía đường, Thành Thành Công sở hữu 4,131,000 cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS), chiếm 51% cổ phần sau khi chào mua thêm 27.76% cổ phần vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, đầu năm 2012 do từ chối hơn 4.13 triệu quyền mua trong đợt phát hành thêm nên tỷ lệ sở hữu của Thành Thành Công tại NHS giảm xuống còn 40.8%.



Mặc dù vậy, việc Điện Gia Lai (GEC), một thành viên của Thành Thành Công, vừa mua gần 10% cổ phần tại NHS, cho thấy Tập đoàn vẫn gián tiếp là công ty mẹ của NHS với tỷ lệ sở hữu 51%.


Được biết, bản thân NHS cũng đang góp vốn và nắm quyền chi phối ở 3 đơn vị thành viên gồm CTCP Bò giống miền Trung (công ty con, sở hữu 59%), CTCP mía đường Phan Rang (sở hữu 41.9%) và CTCP Mía đường 333 – S33 (42.11%).



Tại thời điểm cuối năm 2011, NHS còn có những khoản đầu tư tại Sacombank - STB (3.6 triệu cp, tỷ lệ 0.22%), Sacomreal – SCR (500 ngàn cp, tỷ lệ 0.5%), nắm 1.5 triệu cp, ứng với 10% cổ phần của SonTin-STE và 5,000 cp BHS.



Bourbon Tây Ninh



Năm 2010, Thành Thành Công đầu tư mạnh vào CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) khi mua 35,247,600 cp, tương ứng 24.8% cổ phần từ tay Tập đoàn Bourbon (Pháp). Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đặng Thành cũng mua 35,055,670 cp, tương đương 24.7% từ phía tập đoàn này.



Trong năm 2010, CTCP Chứng khoán Sacombank (SBS) cũng nhiều lần mua cổ phiếu SBT và nâng sở hữu lên tới 14.16%, tức 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sự khó khăn của thị trường chứng khoán, SBS đã lần lượt thoái hết cổ phiếu SBT và hiện không còn là cổ đông của công ty này.



Mới đây, bà Huỳnh Bích Ngọc vừa mua xong 1.5 triệu cổ phiếu, ứng với 1.17% cổ phần (trước đây chưa sở hữu), nhưng lại lần lượt từ nhiệm cương vị Chủ tịch và rút chân khỏi HĐQT công ty này. Một động thái khiến nhiều người khó hiểu. Tuy vậy, bà Ngọc vẫn để lại đây nhiều người thân tín trong HĐQT như bà Đặng Huỳnh Ức My (Chủ tịch), Nguyễn Bá Chủ (Tổng Giám đốc), Thái Văn Chuyện và bà Trần Quế Trang (Thành viên HĐQT).



Đường Biên Hoà



Tại CTCP Đường Biên Hòa (BHS), Thành Thành Công cũng có lịch sử đầu tư vào công ty này từ năm 2010. Đến tháng 3/2011, tỷ lệ sở hữu của Thành Thành Công lên tới hơn 4.11 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 22.21%. Ngoài ra, những cá nhân tổ chức liên quan (Sacombank, Đường Ninh Hòa (NHS), bà Huỳnh Bích Ngọc, bà Đặng Huỳnh Ức My, bà Nguyễn Thị Kim Vân) nắm gần 12.3% cổ phần của công ty này.



Giữa tháng 6 năm này, đến lượt Bourbon Tây Ninh tham gia vào Đường Biên Hòa với tỷ lệ sở hữu lên tới 22.72%.



Như vậy, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Thành Thành Công tại Đường Biên Hòa tính đến giữa năm 2011 đến hơn 57%. Số người đại diện cho Thành Thành Công chiếm 5/10 thành viên của HĐQT BHS bao gồm bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Nguyễn Bá Chủ, bà Đặng Huỳnh Ức My, ông Trần Tấn Phát, ông Phạm Đình Mạnh Thu.



Cuối năm 2011, Thành Thành Công lần lượt thoái hết vốn tại BHS nhưng quyền đại diện của Tập đoàn tại công ty vẫn còn rất lớn. Điều này thể hiện qua việc bà Ngọc được bầu làm Chủ tịch HĐQT BHS tại Đại hội thường niên 2012. Các thành viên HĐQT khác gồm bà Đặng Huỳnh Ức My, ông Phạm Đình Mạnh Thu, ông Thái Văn Chuyện, ông Tống Thông.



Sau kỳ Đại hội này, Sacombank bất ngờ thoái hết vốn tại BHS còn Thành Thành Công đăng ký mua lại 6.8 triệu cổ phiếu BHS nhưng chỉ thực hiện được 100,000 cp.



Tương tự như tại SBT, bà Huỳnh Bích Ngọc cũng lên tiếng từ nhiệm Chủ tịch HĐQT, đồng thời rút chân khỏi HĐQT chỉ để lại các đại diện gồm ông Thái Văn Chuyện (Chủ tịch), ông Phạm Đình Mạnh Thu và bà Đặng Huỳnh Ức My.



Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Thành Thành Công tại BHS đang gia tăng trở lại khi CTCP Điện Gia Lai (GEC), nơi ông Thái Văn Chuyện làm Chủ tịch, bất ngờ mua 10 triệu cp, tương ứng 10% cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Đường Biên Hòa.



Mía đường Nhiệt điện Gia Lai



Tại CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Thành Thành Công không đầu tư trực tiếp nhưng có quyền chi phối thông qua Công ty Đặng Thành (nắm 10.91% SEC) và Sacombank (nắm 10.34% SEC) với các đại diện là ông Thái Văn Chuyện (Phó Chủ tịch) và ông Dương Tấn Hải (Thành viên HĐQT), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thành viên BKS).



Tại ĐHĐCĐ thường niên 2012, ông Hải và ông Nghĩa từ nhiệm, thay vào đó, bà Nguyễn Thị Hoa (đến từ NHS) được bầu vào HĐQT và nắm giữ cương vị Chủ tịch. Ông Chuyện tiếp tục làm Phó Chủ tịch. Ông Phạm Cao Sơn (đại diện cho Đặng Thành) làm Trưởng BKS.



Sau kỳ Đại hội này, Công ty Đặng Thành lại thoái hết 10.91% vốn, trong khi Đường Ninh Hòa lại mua 2 triệu cổ phiếu SEC, tương ứng với tỷ lệ sở hữu gần 11.5% và trở thành cổ đông lớn. HĐQT công ty cũng có sự biến động lớn khi ông Phùng Nguyễn Âu Đệ (đại diện GEC), ông Thái Văn Chuyện và ông Trịnh Minh Châu lần lượt rút khỏi HĐQT, thay vào đó là ông Đinh Văn Hiệp và ông Cáp Thành Dũng (TGĐ).



Điện Gia Lai



Đây là đơn vị liên quan “mật thiết” đến các cổ phiếu mía đường của gia đình Đặng – Huỳnh.



Trước đây, Đầu tư Tín Việt có vai trò chính giúp Thành Thành Công chi phối Điện Gia Lai khi công ty này mua và nắm giữ 40.03% cổ phần và Sacombank nắm 11% cổ phần. Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn lên 522.87 tỷ đồng, Tín Việt đã thoái hết vốn. Thay vào đó, Sacombank góp thêm vốn và tăng sở hữu lên gần 33.74%. Các thành viên khác như Đường Ninh Hòa, Sontin-STE và Betrimex mỗi công ty mua vào 13.39% cổ phần. Còn Thien Son Logistic mua 9.84% cổ phần.



Tính đến hết tháng 9/2012, Thành Thành Công đã gián tiếp kiểm soát gần 84% cổ phần Điện Gia Lai, trong khi công ty này cũng trực tiếp sở hữu gần 65% cổ phần của Mía đường Nhiệt Điện Gia Lai (SEC).



Được biết, Đầu tư Tín Việt (tiền thân là Công ty Đầu tư Sài Gòn Thương tín (STI)) cũng có “họ hàng” khá mật thiết với Thành Thành Công hiện nay và Sacombank trước đây. Đầu tư Tín Việt được thành lập bởi Thành Thành Công, Sacombank, Sacomreal, Toàn Thịnh Phát, Chứng khoán SBS, và Betrimex. Hiện nay, Tín Việt đã tăng vốn lên 397 tỷ đồng.



Viết Vinh (Vietstock)