hình ảnh

Thu nhập sụt giảm mạnh


Theo đó, mức lương phi công chỉ còn 77 triệu đồng/tháng, tương đương giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng).

Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, nhân sự đi làm hưởng tiền lương chức danh, cán bộ lãnh đạo từ cấp Ban tự nguyện không hưởng lương, cán bộ cấp phòng hưởng lương tối thiểu vùng. 

Trong tháng 7, sản lượng nội địa dự kiến hồi phục, VNA xem xét việc trả thêm 10-30% tiền lương hiệu quả cho người lao động.

Ngoài ra, VNA tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, làm việc không trọn thời gian để phù hợp với quy mô sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19. Dự kiến, kế hoạch sử dụng bình quân trong năm là 4.785 lao động, giảm 26% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong thời gian toàn quốc thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội (tháng 4), khoảng 50% nhân viên VNA phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương. Với con số nhân viên toàn hệ thống là 20 nghìn người, có khoảng hơn 10 nghìn người phải ngừng việc không lương.

Tính riêng số phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người, việc dừng các chuyến bay khiến tỷ lệ phi công, tiếp viên VNA phải ngừng việc lên tới 90%.


Tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, dịch Covid-19 khiến ngành hàng không thế giới “tê liệt” và cần ba năm nữa mới có thể trở lại mức phát triển của năm 2019. “VNA đang trên đà phát triển vững mạnh, nhưng dịch làm đảo lộn, phá vỡ toàn bộ kế hoạch. Hiện tại, thống kê sơ bộ, hãng đã lỗ ròng 15 nghìn tỷ đồng. Áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu, dự kiến hãng bớt được 2.200 tỷ đồng nên sẽ lỗ khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Hãng sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8 này nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp,” ông Thành tiết lộ thực trạng.

Đặc biệt, VNA đề nghị Chính phủ tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12 nghìn tỷ đồng để hãng phục hồi sớm, giúp vực dậy nền kinh tế đất nước và khu vực.

Chủ động chuyển đổi


Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, VNA đã đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính chất đột phá để cắt giảm chi phí vận hành.

Cụ thể, VNA đã thực hiện cắt giảm 1/3 nguồn lực lao động mặt đất. Riêng trong quý II vừa qua, số lao động giảm tới 56% so với kế hoạch, ngừng sử dụng phi công, tiếp viên nước ngoài và tiếp viên thuê ngoài; kịp thời điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Với các giải pháp trên, dự kiến trong năm 2020, VNA sẽ cắt giảm được hơn 5.000 tỷ đồng do chủ động tiết kiệm (trong đó có hơn 1.700 tỷ đồng do cắt giảm chi phí về nhân sự); giảm hơn 24 nghìn tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động).


Để duy trì tính thanh khoản và dòng tiền, VNA đã chủ động, tích cực đàm phán với các đối tác, nhà cung cấp để giảm giá và giãn tiến độ thanh toán như giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay gần 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Mặt khác, VNA còn tận dụng cơ hội tăng doanh thu bằng việc tăng cường vận chuyển hàng hóa đi quốc tế, bay thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước và khách chuyên gia đến Việt Nam; thanh lý máy bay cũ… trong ngắn hạn, các giải pháp này đã giúp VNA duy trì khả năng thanh toán, giảm mức lỗ.

Về kế hoạch khai thác, VNA cho biết sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi Châu Âu và Australia trong cả năm 2020, song bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ ba đến năm chuyến/tuần và bắt đầu khai thác ổn định từ tháng 12.

Tại thị trường nội địa, VNA sẽ điều tiết hợp lý mức tải cung ứng và giá bán nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác tổng mạng và tiến hành khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dự kiến, trong năm 2020, sản lượng vận chuyển hành khách của VNA chỉ đạt 14,5 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hai triệu lượt, khách quốc nội đạt 12,3 triệu lượt.

VNA dự kiến đạt doanh thu hợp nhất năm 2020 là 40.586 tỷ đồng, bằng 40,5% so kết quả năm 2019, trong đó công ty mẹ đạt 32.535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 15.117 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 14.487 tỷ đồng.

Tổng doanh thu công ty mẹ giảm 56,4%, tương ứng 42.158 tỷ đồng do nguyên nhân dịch Covid-19 ảnh hưởng đi lại của người dân.

Đặc biệt, theo nhận định của đại diện VNA, dư tiền cuối kỳ năm 2020 của doanh nghiệp chỉ đạt 397 tỷ đồng với điều kiện được tiếp cận khoản hỗ trợ trị giá 12 nghìn tỷ đồng của cổ đông nhà nước thời hạn ba năm và Tổng công ty chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020.

Cùng với sự đồng hành của Chính phủ, VNA sẽ tiếp tục chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi phù hợp với tình hình mới để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng, biến nguy thành cơ, vượt qua khủng hoảng, ổn định sản xuất kinh doanh nhằm đưa ngành hàng không đóng vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/luong-phi-cong-tiep-vien-vna-giam-khoang-50-do-dich-covid-19-611983/