(TNO) Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008 tại Quốc hội (QH) sáng 28.5, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo ngại về kỷ luật chi ngân sách bị buông lỏng và căn bệnh sính dự án, “chi hoành tráng” không những không thuyên giảm mà ngày càng có nguy cơ gia tăng.


Bệnh "chi hoành tráng" ngày càng nặng



Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), những căn bệnh thu - chi ngân sách của ta đã được nhiều ĐBQH nêu từ nhiều kỳ họp trước, đến nay vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu nếu chiếu vào báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Đó là tình trạng thu chưa vững chắc, chi dàn trải, không hiệu quả, kỷ luật chi ngân sách không nghiêm.


“Tại một kỳ họp trước của QH, tôi có bổ sung một bệnh đó là bệnh "chi hoành tráng". Căn bệnh này ngày càng nặng nề.
Ở Việt Nam có bệnh cái gì cũng thích to nhất, dài nhất, đường sắt cao tốc sắp tới dài nhất thế giới, từ bánh chưng cũng muốn to nhất để ghi vào kỷ lục Guinness..
. Tại sao trong khi đồng bào của mình đang phải đu dây để vượt qua những con sông, trong đó có cả các cháu học sinh đu dây để vượt qua những con sông để đi học hằng ngày mà mình không phát triển đường ở đấy?”, ĐB Thuyết đặt vấn đề.


Theo ông Thuyết, nếu căn bệnh hoành tráng vẫn chưa giải quyết được, kỷ luật không nghiêm thì vẫn sẽ tiếp tục làm sập cầu. Và điều ông Thuyết thắc mắc là “Ba, bốn cái cầu sập nhưng chưa thấy ai bị kỷ luật, chưa thấy ai từ chức? Cầu sập không phải chỉ là vấn đề giao thông, không phải chỉ là vấn đề xây dựng, đấy là vấn đề chi ngân sách. Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành được nhiệm vụ và gây tốn kém Nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi nhân dân”.


Ông tiếp tục: “Bây giờ còn xuất hiện thêm một bệnh, thực ra bệnh này có từ lâu rồi mà bây giờ mới nghĩ được ra tên, đó l
à bệnh thích dự án, bệnh này đã có khoảng hơn chục năm nay rồi nhưng nếu chúng ta không chữa thì nền kinh tế còn đi xuống”
. ĐB này chất vấn:
“Tại sao vỉa hè đang yên đang lành thì bóc ra để thay bằng thứ đá trơn trượt hơn, ít nữa lại bóc thứ đá đó đi để thay lại,
chỗ này tôi nghĩ chắc có vấn đề "dự án"".


ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu thêm dẫn chứng về sự lãng phí, thất thoát từ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương: Đó là vượt chi xây dựng cơ bản là 18% thể hiện việc sử dụng mang tính dàn trải kéo dài và thanh toán vượt khối lượng, rồi việc chi ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình 135... vẫn còn hiện tượng sử dụng sai mục đích, sai đối tượng và tỷ lệ giải ngân thấp… “Từ đó thấy rằng việc giảm hiệu lực quản lý và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vừa qua kéo dài và chậm khắc phục do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nhưng xét cho kỹ thì nguyên nhân chủ quan nhiều hơn, xuất phát từ sự chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là vấn đề thu, chi ngân sách chưa thực sự quyết liệt mặc dù chúng ta đưa rất nhiều giải pháp và cũng có nhiều đoàn giám sát để xác định những vấn đề hạn chế vừa qua”, ĐB Tuyết nói thẳng.


Nhiều khoản để ngoài báo cáo quyết toán ngân sách


ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) dẫn thực trạng không nhiều ĐBQH nắm rõ, đó là trong quyết toán hiện nay và trong hệ thống hiện nay, số để ngoài nguồn thu hoặc nguồn chi ngân sách còn rất lớn và đang có xu hướng ngày càng tăng lên.


Để ngoài ngân sách của Nhà nước là cái gì? Thứ nhất là vay vốn ODA; thứ hai là vay trái phiếu Chính phủ; thứ ba là các phần xổ số để lại cho địa phương; thứ tư là phần ghi thu ghi chi. Phần ghi thu ghi chi này cũng đang tăng lên rất lớn vì chúng ta đang xã hội hóa mấy lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giáo dục, y tế.


“Những khoản ngoài dự toán mà chúng ta để ngoài như thế phải có một bản xuất trình hay phụ lục kèm theo báo cáo quyết toán ngân sách trình QH để QH kiểm soát, bởi đó là tiền thuế, tiền đi vay. Chúng tôi đề nghị phải có báo cáo những khoản ODA chi những cái gì, vay vốn, vay trái phiếu Chính phủ cái gì, ghi thu ghi chi là bao nhiêu, tăng giảm bao nhiêu phải báo cáo với QH chi tiết như bản quyết toán ngân sách Chính phủ trình QH”, ĐB Dung bày tỏ quan điểm và cho rằng, việc không báo cáo QH những khoản đề ngoài ngân sách nói trên là “không nên, không được”.


ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị, Chính phủ phải trình QH khoản chi từng lĩnh vực một, gọi là ước chi, sau khi QH quyết xong thì từng điểm chi một đóng con dấu chuẩn chi. Việc nào không có dấu chuẩn chi mà chi là sai. Có như vậy thì chúng ta mới kiểm soát được.


Nguyệt Minh


http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201022/20100528160314.aspx