Hơn 97% độc giả Dân trí "hoàn toàn phản đối" vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm cao tốc


Dân trí đã thực hiện một khảo sát ý kiến bạn đọc với câu hỏi đặt ra “đồng ý hay phản đối hoàn toàn đối với đề xuất vay vốn của một ngân hàng Trung Quốc để đầu tư dự án?”. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau hơn 1 ngày khảo sát, đã có hơn 10 nghìn lượt bạn đọc tham gia bình chọn. Trong đó có tới hơn 97% đồng tình với ý kiến “hoàn toàn phản đối”.


webtretho


(Ảnh minh hoạ).


Trong một công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.6000 tỷ đồng, trong đó vay Trung Quốc 300 triệu USD, tương đương gần 7000 tỷ đồng.


Liên quan tới đề xuất này, Dân trí đã thực hiện một khảo sát ý kiến bạn đọc với câu hỏi đặt ra “đồng ý hay phản đối hoàn toàn đối với đề xuất vay vốn của một ngân hàng Trung Quốc để đầu tư dự án?”. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau hơn 1 ngày khảo sát, đã có hơn 10 nghìn lượt bạn đọc tham gia bình chọn. Trong đó có tới hơn 97% đồng tình với ý kiến “hoàn toàn phản đối”.


Các ý kiến bình luận của độc giả cũng chủ yếu xoay quanh những lo ngại về chất lượng của khoản đầu tư khi sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc. Nguyên nhà là do lo ngại các dự án vay Trung Quốc thường bị ràng buộc bởi các điều khoản về nguyên vật liệu, lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông liên tục trễ hẹn, đội vốn cũng được đưa ra làm minh chứng cho sự “kém hiệu quả” của các dự án có yếu tố Trung Quốc.


Trao đổi với Dân trí trước đó, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm trên.


Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thẳng thắn: "Tôi chưa xét tới việc lỗi của giám sát Chính phủ, chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nhưng thực tế chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả cả”.


Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thông tin về việc phải có tới 90% tổng thầu ở Việt Nam là rơi vào tay Trung Quốc. Vị chuyên gia cũng khẳng định "Là người đóng thuế, tôi không ủng hộ vay vốn Trung Quốc vì chỉ mang lại lợi cho Trung Quốc mà tác hại cho Việt Nam là rất lớn”.


Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đức Kiên cho hay: "Lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay ADB… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước".


Không đặt nặng việc "vốn ODA của nước nào" nhưng ông Kiên cũng lưu ý tới các yếu tố như quản lý, sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay dự án xe buýt nhanh Hà Nội. Thêm vào đó, nếu lãi suất khoản vay thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn dài mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại.


Dưới góc độ cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ đề xuất hình thức đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc…"


"Trung Quốc họ thoả thuận cho Việt Nam vay. Chúng ta có quyền tìm kiếm đối tác để vay và đương nhiên là các điều kiện có lợi thì mới vay. Chính phủ đang đa dạng hoá tất cả các nguồn vay. Điều kiện vay thế nào, vay ai... cũng phải xem xét cẩn trọng. Còn quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao", ông Dũng nói.


Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, quan điểm khi đàm phán là phải hài hoà lợi ích người đi vay và cho vay. Về việc người dân không muốn Chính phủ vay vốn Trung Quốc đối với dự án này, ông Dũng khẳng định: "Đây cũng là quan điểm để Chính phủ cân nhắc, tính toán chuyện có vay hay không. Còn hiện giờ chúng ta chưa quyết định, đang đàm phán tiếp điều kiện vay có thuận lợi hay không. Sau đó căn cứ trên các điều kiện cần - đủ mới quyết định có đầu tư vào dự án này bằng nguồn vay ưu đãi từ Trung Quốc hay không".


Còn theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội: "Quan điểm cá nhân của tôi, nếu như việc này nằm trong tổng thể phát triển ngành giao thông thì mình triển khai. Thứ hai là cân đối giữa nhu cầu về các tuyến đường, nếu cần thiết thì mình làm. Nếu làm bên cạnh việc vay vốn thì cũng cần phải xem xét các điều kiện để vay vốn là gì. Nếu có những nhà tài trợ, tổ chức khác cho vay với điều kiện tốt hơn ở dự án này thì mình vay chứ cứ gì phải Trung Quốc".


Phương Dung


http://dantri.com.vn/kinh-doanh/hon-97-doc-gia-dan-tri-hoan-toan-phan-doi-vay-trung-quoc-7000-ty-dong-lam-cao-toc-20160729191136405.htm