Trại Nordhausen ngày 12.4.1945 với 20.000 xác chết của người Do Thái.


Trong những ngày này, rất nhiều nơi trên thế giới đang hướng về người Do Thái, nhân ngày tưởng niệm Holocaust - 27.1. Sự kiện quốc tế này được tổ chức hằng năm nhằm tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Do Thái - Holocaust theo chỉ định của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc từ năm 2005. 27.1 cũng chính là ngày đánh dấu việc kỷ niệm giải phóng trại Auschwitz-Birkenau - trại giết người lớn nhất của quân phátxít.


Ngày tưởng niệm Holocaust được ra đời với mục đích không chỉ ghi nhớ những nạn nhân vô tội của một trong những tội ác lớn nhất lịch sử loài người, mà còn là lời nhắc nhở, cảnh báo để thế giới sẽ không còn phải chứng kiến một nỗi đau tương tự.


Nỗi đau lịch sử


Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến II do phátxít Đức gây ra. Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam - cho Báo Lao Động biết: “Lúc đầu Đức quốc xã chỉ muốn những người Arian được tồn tại. Theo phân loại của họ, người Đức là thượng đẳng nhất, người Do Thái và người Roman (người dân du mục Gypsy) là những chủng tộc hạ đẳng nhất, cần phải tiêu diệt”.


Luật Nuremberg - luật về bài Do Thái của Đức quốc xã - quy định ai được cho là công dân Đức. Theo đó, quyền công dân chỉ được trao cho những người mang dòng máu Đức. Luật quy định những ai trong vòng ba đời huyết thống có người thân là người Do Thái (dù chỉ một người) sẽ bị tính là người Do Thái. Từ đó, những cuộc đồ sát người Do Thái được đẩy lên đỉnh điểm thành “Đại diệt chủng người Do Thái”.


Những người này bị buộc đứng sát nhau theo hàng dọc để bị giết bằng cách bắn xâu chuỗi, nhưng sau đó quân phátxít cho rằng, phương pháp này quá chậm chạp cho chiến dịch diệt chủng và họ chuyển sang sử dụng chất nổ. Tuy nhiên, số người chết không nhiều so với dự tính ban đầu, trong khi nhiều người khác chỉ bị mất tay và chân. Súng máy được đưa vào sử dụng.


Những người mang dòng máu Do Thái bị bắt vào trại tập trung, tự đào những ngôi mộ tập thể cho chính họ. Hơn 1,5 triệu người đã bị bắn chết. Sau đó, để tiết kiệm chi phí súng đạn, vào tháng 10.1941, phátxít đã nhốt những người Do Thái vào trong những chiếc xe tải lớn và dùng chính khí thải từ động cơ để hành quyết. Khi số lượng người Do Thái tăng lên trong các trại tập trung thì phương pháp xử tử phòng kín được áp dụng.


Hàng trăm người bị nhồi nhét trong từng căn phòng kín trước khi khí độc carbon monoxide và thuốc trừ sâu Zyklon B được bơm vào. Để đánh lừa tù nhân, phátxít Đức treo bảng thông báo trước lối vào phòng hơi ngạt có tiêu đề: “Phòng tắm và tẩy uế” hay “Sự sạch sẽ dẫn đến cánh cửa tự do”. Các nạn nhân tử vong chỉ sau khoảng 20 phút. Trại tập trung Auschwitz/Birkenau được cho là đã giết đến 6.000 người mỗi ngày. Đây là cách giết người số đông một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và hơn 3 triệu người đã thiệt mạng trong những căn phòng này.


Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng trại tập trung Birkenau vào ngày 18.1.1945, họ đã phát hiện ra gần 7.000kg tóc người được đóng trong các túi giấy. Phátxít Đức đã cất giữ chúng để làm cơ chế nổ bom, dây thừng nhỏ dành cho tàu... Trong quá trình giải phóng trại tập trung Bergen-Belsen, quân đội Anh phát hiện rất nhiều da người được quân phátxít sử dụng để làm chụp đèn.


Các thí nghiệm rùng rợn được tiến hành trên cơ thể người Do Thái cũng là bằng chứng cho tội ác của phátxít và nỗi đau của dân tộc Do Thái như bỏ đói nạn nhân, đo thời gian họ sống được mà không có đồ ăn, ngâm mình trong nước lạnh bao lâu thì chết... Thậm chí, những ác quỷ máu lạnh của Hitler còn kiểm tra xem trẻ em không được bú sữa mẹ có thể sống sót được trong bao lâu.


Cuộc thảm sát diệt chủng là đỉnh điểm của sự đau thương cho dân tộc Do Thái dù vốn dĩ, họ đã có một lịch sử đầy nỗi thống khổ. Trong 3.500 năm lịch sử của họ thì đến 2.000 năm phải sống lưu vong, chịu đựng biết bao cuộc tấn công, tàn sát vô cùng dã man, bị cấm sở hữu bất cứ tài sản cố định nào như nhà đất, tài nguyên thiên nhiên, bị bắt làm nô lệ của Đế quốc La Mã. Vậy mà dân tộc nhỏ bé này vẫn không bị diệt vong, không bị đồng hoá, thậm chí đang phát triển rực rỡ.


Vượt qua bi thương


Sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, chế độ phátxít bị tiêu diệt, người Do Thái lại thêm một lần di cư đến Mỹ, đến các nước châu Âu, cho đến khi Nhà nước Israel được thành lập. Dù vừa trải qua một bi kịch lịch sử nhưng những thành quả mà dân tộc Do Thái đạt được đã khiến cho cả thế giới khâm phục.


“Người Do Thái không chỉ thống trị nước Mỹ, mà họ thống trị cả thế giới”, lời nói cách đây 8 năm của một vị Giáo sư khả kính đã khiến tôi luôn chú ý tới dân tộc kỳ lạ này. Đặc thù công việc lúc đó cho tôi cơ hội được tiếp xúc và làm việc với hàng ngàn con người mỗi năm. Phần lớn người Do Thái luôn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề.


Tại Mỹ, vùng đất được nhiều người Do Thái tìm đến sau cuộc thảm sát, họ đã trở thành cộng đồng giàu có nhất của lục địa mới. Chỉ chiếm 2% tổng dân số nhưng người Do Thái chiếm tới 35% tổng số các tỉ phú Hoa Kỳ. Trên bình diện toàn cầu, dù không phải là dân tộc lớn, chỉ với 13 triệu người, nhưng gần như không thể tìm được một dân tộc nào khác có thể sánh được với người Do Thái về trí tuệ và những thành tựu mang tính nhân loại. Không chỉ phát minh ra hệ thống ngân hàng, riêng người Do Thái đã đoạt 22% tổng số giải Nobel trong khi họ chỉ chiếm 0,2% tổng dân số thế giới.


Những người Do Thái ngoài những nhân vật vĩ đại và có sự ảnh hưởng to lớn đến lịch sử thế giới như Chúa Jesus, Albert Einstein, Karl Marx… thì những nhân vật đương đại cũng đang “làm mưa làm gió” địa cầu, như Alan Greenspan với 17 năm liên tiếp được 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ tín nhiệm trong vai trò Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, nằm quyền chi phối hệ thống tài chính toàn cầu, hay như Ben Bernanke - đương kim Chủ tịch - được Tổng thống Obama nhận định: “Tính cách, nền tảng, lòng dũng cảm và sáng tạo của Bernanke sẽ giúp nước Mỹ tránh khỏi một cuộc đại khủng hoảng”. Ngoài ra, không thể bỏ qua tỉ phú Michael Bloomberg - thị trưởng thành phố New York, Sergey Brin - “cha đẻ” Tập đoàn Google, Mark Zuckerberg - “cha đẻ” của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, hay Tổng giám đốc Microsoft - Steve Ballmer, tỷ phú Roman Abramovitch - chủ tịch CLB bóng đá Chelsea...


Tinh thần vươn lên


Được làm việc trực tiếp hàng ngày với người Do Thái, tôi nhận ra rằng, giáo dục là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cho sự thành công của họ. Giáo dục với mục đích sở hữu kiến thức thực sự, chứ không phải để phô trương bằng cấp. “Tài sản có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi” là quan niệm của họ. Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho biết thêm, người Do Thái có tinh thần dám nghĩ, dám làm, chấp nhận đương đầu và tư duy ngoài khuôn khổ.


Ngoài ra, tinh thần đoàn kết trong lúc khó khăn cũng như khi thịnh vượng được thể hiện rõ trong cộng đồng Do Thái. Tinh thần này hoà quyện với tư tưởng làm giàu khiến họ thành công, đặc biệt về kinh tế. Tài sản là nguyên nhân của chiến tranh. Một cộng đồng tồn tại chênh lệch giàu - nghèo sẽ không thể bình đẳng. Không có bình đẳng đồng nghĩa với sự không tồn tại của hạnh phúc. Do đó, người Do Thái rất coi trọng việc kiếm tiến và tôn vinh những người giàu có. Tiền bạc chính là phương tiện giúp dân tộc này tồn tại ở những vùng đất lưu vong. Từ đó, kiếm tiền dần trở thành kỹ năng gốc của người Do Thái. Việc phát minh ra hệ thống ngân hàng là một minh chứng cho tư duy sáng tạo kiếm tiền.


Người Do Thái sống rải rác trên toàn thế giới do hậu quả lịch sử để lại. Một nửa dân số Do Thái hiện đang sống tại Hoa Kỳ và đây cũng là vùng đất mà người Do Thái thành công nhất, vì họ không bị xua đuổi. John Adams - Tổng thống thứ hai của nước Mỹ - nói: “Tôi khẳng định rằng người Do Thái đóng góp cho sự phát triển của nhân loại nhiều hơn bất cứ dân tộc nào. Nếu tôi là một kẻ vô thần, tôi sẽ vẫn tin rằng tạo hoá đã ban cho người Do Thái những phẩm chất quan trọng nhất để cải tạo thế giới. Họ là một dân tộc vinh quang nhất trong văn minh loài người. Đế chế La Mã dù đã tàn phá người Do Thái, nhưng Đế chế La Mã chỉ như một quả bong bóng khi đứng bên cạnh dân tộc Do Thái”.


Winston Churchill - cố Thủ tướng Liên hiệp Anh - đã nói: “Có người thích dân Do Thái, có người không thích họ; nhưng không một người hiểu biết nào có thể phủ nhận một sự thật không thể nghi ngờ, đây chính là dân tộc đáng gờm nhất trên thế giới”. Đại văn hào Lev Tolsoy (không phải người Do Thái) đã phải nói rằng: “Những người Do Thái mang ngọn lửa vĩnh hằng từ thiên đàng xuống đây, để thắp sáng thế giới”.


Dù đạt được những thành tựu to lớn nhưng cộng đồng Do Thái và cả thế giới không thể quên đi nỗi đau Holocaust khi các mối hiểm họa từ nạn phân biệt đối xử giữa các nhóm người khác nhau trên thế giới vẫn đang tồn tại. Một số nhóm người chưa chấp nhận sự khác biệt và đa dạng về sắc tộc, tôn giáo giống như tư tưởng của Đức quốc xã, là một trong những căn nguyên của bạo lực toàn cầu. Thảm hoạ diệt chủng Do Thái là một dấu mốc của lịch sử thế giới, là bài học cho cả loài người.






http://laodong.com.vn/the-gioi/holocaust-noi-dau-cua-nhung-nguoi-khong-lo-do-thai-291234.bld