Giật mình với gần 1.000 doanh nghiệp FDI bỏ trốn


- Nền kinh tế đang tồn tại tới 92.710 doanh nghiệp không thể xác minh và trong số này có tới gần 1000 doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Số doanh nghiệp hấp hối gia tăng chóng mặt.


Hơn 26.000 DN giải thể, phá sản ngừng hoạt động


Thoát phá sản nhờ Euro


Thoái vốn DNNN: Lỗ còn hơn phá sản


Xem bài khác trên Vef.vn


Bức tranh toàn cảnh thực trạng sự tồn tại của doanh nghiệp trong năm 2011 vừa được Tổng Cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo sáng nay, 29/6.


Doanh nghiệp hấp hối tăng chóng mặt


Theo Tổng Cục Thống kê, nếu tồn tại về mặt pháp lý, cả nước có tới 541.103 doanh nghiệp nhưng nếu loại trừ số doanh nghiệp "ma", chỉ còn có 448.393 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế chỉ có 375.732 doanh nghiệp, chiếm 83,7% số doanh nghiệp.



Khó khăn của DN do sức mua suy giảm (ảnh: PH)


Một lượng lớn các doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động thực sự, tính cả năm 2011 lên tới 17.547 doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp này chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Tổng Cục Thống kê cho biết, hàng năm, tỷ lệ các doanh nghiệp dạng thành lập nhưng chưa hoạt động thường chiếm từ 17-23% so với số doanh nghiệp đăng ký mới. Năm 2011, tỷ lệ này là 22,6%.


Số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh cũng chiếm số lớn, lên tới 23.689 doanh nghiệp, chiếm khoảng 5,3% tổng số doanh nghiệp tồn tại trên pháp lý. Một số thành phố, tỉnh trực thuộc Trung ương có tỷ lệ doanh nghiệp này khá cao, như Sóc Trăng với 19,4%, Cần Thơ có 19%, Hải Dương 15,8%, Nghệ An 13,5%, Vĩnh Phúc 11,4%... Các tỉnh này đã có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động gấp từ 2- 4 lần so với tỷ trọng trung bình toàn quốc.


Các doanh nghiệp đang chờ giải thể tính tại thời điểm 1/1/2012 cao hơn cả số tạm ngừng hoạt đông, với 31.425 doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp này đều tập trung nhiều ở các đầu tầu kinh tế lớn của đất nước như TP.HCM có 13.222 doanh nghiệp, Hà Nội có 7.442 doanh nghiệp, Đà Nẵng có 2.696 doanh nghiệp. Tồn tại tới con số lớn này là do quy trình phá sản doanh nghiệp hiện nay còn chưa phù hợp, phức tạp nên kéo dài thời gian hoàn tất thủ tục.


Theo Tổng Cục Thống kê, các doanh nghiệp thuộc 3 nhóm trên: tạm ngừng hoạt động, đăng ký nhưng không hoạt động... thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân. Là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn hiện nay và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.


Gần 93.000 DN biến mất không thể xác minh


Đặc biệt, cuộc rà soát của Tổng Cục Thống kê còn đưa ra nhóm doanh nghiệp không thể xác minh được. Toàn bộ nền kinh tế có tới 92.710 doanh nghiệp ở trình trạng này, chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân với con số xấp xỉ là 91.517 doanh nghiệp.


So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp không xác minh được chiếm 20,6%.


Dữ liệu từ Tổng cục Thuế báo cáo cho biết, trong số trên, có tới 60.454 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích.


Lý giải về phân loại "không thể xác minh", Tổng Cục Thống kê cho biết, đây thực chất là các doanh nghiệp hoạt động trá hình, doanh nghiệp ma, thành lập để buôn bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, không thực hiện nghĩa vụ thuế và không có địa chỉ rõ ràng. Ngoài ra, nguyên nhân khác được tính đến là do các doanh nghiệp đã giải thể trong im lặng, không làm thủ tục "khai tử" khi không hoạt động thực sự.


Quy mô của các doanh nghiệp này là siêu nhỏ, nhỏ hoặc vừa. Việc chấp hành pháp luật không nghiêm minh, khi thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh và trụ sở làm việc đã không báo cáo cho Cục Thuế và Sở kế hoạch đầu tư tỉnh.


Nói cách khác, các doanh nghiệp này không còn tồn tại trong nền kinh tế. Đa số, nhóm này tập trung ở Tp HCM với 48.531 doanh nghiệp, chiếm tới 26,8%, Hà Nội có 32.174 doanh nghiệp, chiếm 19,7%...


Tuy nhiên, một dữ liệu rất đáng chú ý ở nhóm này là số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất lớn. Hiện có tới 983 doanh nghiệp FDI không thể xác minh, trong đó, TPHCM có 760 doanh nghiệp và Hà Nội có 161 doanh nghiệp FDI. Theo đánh giá của cơ quan thống kê, nguyên nhân được xác minh chính là các nhà đầu tư FDI làm thủ tục xin cấp phép dự án đầu tư, nhưng khi triển khai dự án, đã không xin được đất hoặc có nhiều nguyên nhân khác nên chủ doanh nghiệp bỏ trốn.


Các cán bộ điều tra của Tổng cục thống kê xuống làm việc, thường lần theo địa trong giấy chứng nhận đậu tư nhưng thực tế không tìm thấy doanh nghiệp nào tồn tại trên địa bàn.


Đánh giá chung của Tổng Cục thống kê cho hay, tình trạng doanh nghiệp không xác minh được, chờ giải thể lớn, chiếm tới 22,9% tổng số doanh nghiệp được thành lập đã cho thấy, tính hiệu quả thấp của thể chế đối với cộng đồng doanh nghiệp.


Phạm Huyền


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/vef/78538/giat-minh-voi-gan-1-000-doanh-nghiep-fdi-bo-tron.html