Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 11, một số người đã kêu gọi áp dụng một chiến lược cải cách mới nhằm duy trì tăng trưởng nhanh. Một chiến lược kinh tế mới cho Việt Nam phải ưu tiên xây dựng các thể chế mới thực sự hướng tới quản lý tăng trưởng bền vững và công bằng, thay vì làm giàu cho các nhóm đặc quyền đặc lợi và thân hữu của một số quan chức dưới danh nghĩa cải cách.


Việt Nam đã lướt qua cuộc suy thoái toàn cầu với mức tăng trưởng đạt 5,3% vào năm ngoái và dự kiến lên đến 6,5% trong năm 2010. Tuy nhiên, sự giảm sút của các nguồn vốn nước ngoài chảy vào, cộng với những quan ngại về sự lành mạnh của lĩnh vực ngân hàng và những chính sách kinh tế vĩ mô thiếu nhất quán đã dẫn tới sự phá giá từ từ của đồng nội tệ và giáng cấp mức độ tín nhiệm nợ quốc gia gần đây.


Các lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại ngày càng nhiều về triển vọng tăng trưởng kinh tế đất nước, đặc biệt là về chất lượng đầu tư thời gian gần đây. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào năm tới, lúc mà các chính sách quan trọng sẽ được quyết định, một số người đã kêu gọi áp dụng một chiến lược cải cách mới nhằm duy trì tăng trưởng nhanh trong khi giảm thiểu các nguy cơ do thị trường gây ra, trong đó có sự gia tăng chênh lệch giàu nghèo.


Với việc giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo và tăng trưởng trung bình hàng năm thuộc số những mức cao nhất thế giới trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã được ca ngợi rộng rãi là một câu chuyện thành công về cải cách. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà sản xuất lớn có trụ sở ở Mỹ như Intel, đã cam kết đổ một lượng vốn lớn vào nền kinh tế tăng trưởng nhanh và chi phí thấp của Việt Nam.


Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao hàng năm, chính phủ đã liên tiếp bơm tiền đầu tư. Tổng vốn đầu tư trong năm 1999 chiếm ít hơn 33% GDP nhưng đã tăng lên gần bằng 43% trong năm ngoái. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại ngày càng giảm sút, như được phản ánh qua hệ số ICOR (tỷ lệ biên tế giữa vốn và sản lượng) ngày càng gia tăng của Việt Nam. Có nhiều lý do cho sự tụt dốc này, nhưng đáng kể nhất là sự trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước, hiện chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư và đang chèn ép khu vực tư nhân một cách đáng kể.


Trong cuộc chạy đua thu hút ngày càng nhiều lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã không có những chọn lựa chiến lược và trở nên khá dễ dãi trong quá trình xét duyệt. Do đó, nhiều dự án FDI tại Việt Nam đã tranh thủ tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, các chuẩn mực môi trường không nghiêm, và các lỗ hổng trong quản lý. Hiện tượng này có thể thấy rõ khi các tỉnh thành cạnh tranh nhau để thu hút nhiều FDI hơn nhằm thúc đẩy các thành quả kinh tế trước mắt, nhiều khi là để phục vụ các quyền lợi cá nhân của các lãnh đạo địa phương.


Mặc dù đẩy mạnh xuất khẩu là một nguồn quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế, sự gia tăng giao thương cũng đưa đến một số hệ quả tiêu cực. Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất phát từ việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên; do đó những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá để thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn tới cái giá ngày càng lớn đối với môi trường. Đối với các mặt hàng chế biến, Việt Nam nhập khẩu một tỷ lệ rất lớn các nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả máy móc và các nguyên phụ liệu, để phục vụ cho chế xuất. Và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ của Trung Quốc đã cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.


Điều này đã góp phần đưa đến thâm hụt thương mại cao triền miên. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ước tính thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ bằng 11% GDP trong năm nay, một mức tăng cao so với 7,4% của năm ngoái và biểu lộ "những rủi ro cao" của một khả năng khủng hoảng cán cân vãng lai. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối giảm từ 24,2 tỷ USD trong năm 2008 xuống còn 16,8 tỷ năm 2009. Chính phủ đã tạm ngừng công bố thống kê về lượng dự trữ ngoại hối hồi tháng 10/2009; đây là một trong những yếu tố đã làm cho Fitch hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam từ BB- xuống còn B+ hồi tháng 8 năm nay.


Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thuận lợi hơn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, những "người thua cuộc" trong nước do thương mại gây ra đang gia tăng. Bị tác động nhiều nhất phải kể tới những người nông dân không có khả năng cạnh tranh với dòng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, để các mặc hàng xuất khẩu thâm dụng lao động giữ được giá cạnh tranh, mức lương thực tế đã bị đè nén, làm ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống của công nhân. Những yếu tố này đã góp phần gây ra sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập cho dù mức đói nghèo tiếp tục giảm xuống.


Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tụt hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Việt Nam xếp thứ 68 trong năm 2007-2008 nhưng tụt xuống đến thứ 75 trong năm 2009-2010. Tuy Việt Nam đã có một bước tiến khả quan, đứng thứ 59 trên 139, trong bảng xếp hạng 2010-2011 mới được công bố trong tuần trước, Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực như Malaysia (26), Trung Quốc (27), Brunei (28), và Thái Lan (38).


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng trưởng "nhanh và bền vững". Để đạt mục tiêu lớn này, trong khi ngầm thừa nhận sự trì trệ của khu vực doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng kêu gọi phát triển khu vực tư nhân bằng mọi cách.


Điều này sẽ không hề dễ nếu thiếu sự đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách cấp cao về định hướng tương lai và tốc độ cải cách hướng tới thị trường. Khu vực nhà nước đang được cho đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; và điều này sẽ khó có thể thay đổi nhanh chóng vì có những nhóm lợi vẫn muốn kéo các nguồn lực về cho các doanh nghiệp nhà nước.


Mặt khác, vì thiếu các đạo luật mạnh nhằm đảm bảo một sân chơi cạnh tranh công bằng nên việc bán các tài sản công, thường là thấp hơn giá thị trường, cho các nhà đầu tư tư nhân có những liên hệ mật thiết với chính giới đã làm dấy lên câu hỏi về tính công bằng của quá trình tư nhân hóa. Những người khác còn được cho là đã thu lợi nhờ vào những thông tin về các chính sách và cải cách sắp áp dụng do có quan hệ mật thiết với một số chính trị gia.


Một chiến lược kinh tế mới cho Việt Nam phải ưu tiên xây dựng các thể chế mới thực sự hướng tới quản lý tăng trưởng bền vững và công bằng, thay vì làm giàu cho các nhóm đặc quyền đặc lợi và thân hữu của một số quan chức dưới danh nghĩa cải cách. Các thể chế này sẽ phải nhắm đến việc cải thiện tính cạnh tranh quốc gia và đưa nền công nghiệp thăng tiến trên thang giá trị thặng dư, trong đó có việc hướng tới nhiều lĩnh vực công nghệ cao.


Thành công của bất cứ mô hình tăng trưởng mới nào cho Việt Nam cũng sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng bài trừ nạn tham nhũng. Ở khía cạnh này, Việt Nam vẫn chưa đạt nhiều tiến bộ rõ rệt cho dù miếng bánh kinh tế và thu nhập ngày càng gia tăng. Năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 120 trong bảng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, tệ hơn nhiều so với hầu hết các nước Đông Á, trong đó có Trung Quốc (79) và Thái Lan (84).


Các tác động tiêu cực của tham nhũng là rất lớn, từ việc làm xói mòn chất lượng thực thi chính sách đến việc đảo lộn sự phân phối hiệu quả các nguồn lực kinh tế. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt-Mỹ được thực thi và khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc cải cách hệ thống pháp lý, đặc biệt là việc ban hành nhiều đạo luật điều tiết các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một khoảng cách khá lớn giữa những gì luật lệ quy định và những gì diễn ra trong thực tế.


Một chiến lược hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn nhất thiết sẽ cần phải cải thiện tính minh bạch của chính phủ, giảm bớt các thủ tục rườm rà, đóng những lỗ hổng pháp lý, buộc các quan chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, và tạo điều kiện cho sự tham gia của nhân dân vào quá trình lập chính sách. Giới lãnh đạo chính phủ nên biện hộ cho các cải cách sâu sắc này trước các lợi ích chống đối bằng việc đề cao sự thực thi các nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam trong WTO nhằm đưa đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.


Sau những kinh nghiệm thời kinh tế kế hoạch, Việt Nam vẫn có thói quen đưa ra và đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội. Thay vì đặt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao - và ngày càng không bền vững - giới lãnh đạo Việt Nam nên cân nhắc thực thi các mục tiêu về giảm thiểu tham nhũng và gia tăng hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước trong Đại hội Đảng sắp tới. Nếu không có một sự phân bố công bằng hơn đối với của cải quốc gia ngày càng gia tăng, những cải cách không được thực thi tốt sẽ có nguy cơ đẩy đất nước vào khủng hoảng thay vì đạt tới thịnh vượng.


Tác giả: Trần Lê Anh là giáo sư tại Đại học Lasell, thuộc bang Massachusetts, Hoa Kỳ.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-09-10-viet-nam-dang-can-mo-hinh-moi