Link nguồn: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/2012/11/40531-fan-kpop-doi-dap-nha-tho-do-trung-quan-bang-tho.html


Sau bài thơ “cảnh tỉnh” fan cuồng Kpop có tựa đề “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, các fan Kpop cũng nhanh chóng “xuất khẩu thành thơ” đáp trả lại. Bài thơ không có tên, được các fan share nhau trên mạng với tiêu đề “Thư của Fan Kpop gửi nhà thơ Đỗ Trung Quân”. Qua bài thơ này, chúng ta một lần nữa thấy rõ cách nhìn của hai thế hệ quả thật quá khác nhau.


Nhân vật xưng “chúng tôi” trong bài thơ là một fan nữ. Bạn trẻ này tái hiện chân dung của những teen Việt trong thời bình: “Đứa thích SuJu, đứa mê UKiss, đứa yêu Dong Bang, đứa cả ngày xem Beast, coi như sở thích cho những lúc nhàn rỗi của thời bình”. Dù “Cả chục năm vẫn là Fan Kpop” nhưng “Vẫn thành người qua từng trang sách, lịch sử nước nhà cũng đâu dám rẻ khinh”.


Tối qua, trên diễn đàn của các fan K-pop đã xuất hiện khá nhiều bài thơ đối đáp thơ của Đỗ Trung Quân.


Bài thơ nói lên nỗi lòng của những fan Kpop tuổi teen vẫn bị người lớn mỉa mai là “fan cuồng”: yêu nhạc Hàn nhưng đồng thời cũng yêu sử Việt, vẫn không quên trách nhiệm học hành và đặc biệt hơn cả là biết mình đang rơi những giọt nước mắt vì những điều chính đáng, dù nó không cao siêu như người lớn mà chỉ đơn giản là “vì một trang sách hay, một thước phim hay, hoặc vì hạnh phúc”.


Nếu như nhà thơ Quê hương cho rằng:


“Tôi nói thật


Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt


Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.


Sắt đá vẫn nghẹn ngào.


Nhưng các em ạ


Chúng tôi không bao giờ rơi lệ


Những chuyện tào lao


Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc


đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu"...


Thì thế hệ trẻ đối đáp lại:


“Thời đại ngày nay cũng đã khác xưa rồi


Nước mắt rơi đi, biết đâu là khóc thật


Nước mắt chúng tôi


Đôi khi rơi vì số phận, vì những hy sinh xưa cũ đã qua rồi


Đừng lấy chiến tranh để đo lòng nước mắt


Khi tôi cũng từng khóc vì một kiếp lầm than, nhưng cũng từng rơi vì các sao Hàn...


Đã là yêu thương, có gì là không thể?”.


Nếu như nhà thơ cho rằng “Nước mắt ngày càng quý hiếm”, “hãy cố mà để dành” thì các bạn trẻ “phản pháo”: “Chẳng có nghĩa khi vui, không ai khóc lấy một lần?”.


Bài thơ đưa những lập luận khá thuyết phục, tuy nhiên đoạn cuối bài thơ bị cho rằng tỏ thái độ thiếu tôn trọng người lớn khi viết: “Tôi cũng chỉ nói một lần thôi nhé: không phải cứ đam mê là bị nói cuồng Hàn”… Nhiều người không hài lòng với cách xưng hô “tôi” của tác giả, cũng như lối đối đáp “miếng trả miếng” với nhà thơ Đỗ Trung Quân, vốn cũng là bậc cha chú của mình.


Một nhà văn trẻ giấu tên cho biết: “Thật sự thì ý tưởng của tác giả không tệ, nhưng phần diễn giải bằng thơ còn thiếu thuyết phục, có nhiều chỗ gượng gạo khi cố ép mình “ăn theo” Đỗ Trung Quân, mà điều này thì không thể bởi các bạn còn quá non trong cách gieo vần, làm thơ. Tôi thấy các bạn chỉ cần viết một lá thư đúng nghĩa, nói lên tâm tư tình cảm của mình gửi cho bác nhà thơ, xưng con, cháu một cách nhẹ nhàng, tôn trọng. Giống như ở trong nhà, bố mẹ có dạy bảo mà gân cổ lên cãi thì có giải quyết được gì đâu”.


Bất chấp những căng thẳng, những tranh cãi về văn hóa thần tượng, tối qua 27/11, các fan vẫn kéo nhau ra sân bay chờ đợi tiễn thần tượng trong vô vọng dù biết các sao đã đi cửa VIP một lần nữa.


Tuy nhiên, không thể phủ nhận bài thơ đã mang lại một cái nhìn khác về các fan tuổi teen thời đại mới. Bạn Ngọc Trần nhận xét: "Mình thích bài thơ này, dù không đồng tình với một số hành động của các bạn fan cuồng, bởi lẽ nó nói lên tâm tư của fan chân chính nhưng lại bị "chụp mũ" là fan cuồng, thậm chí "Thánh cuồng"".


Vài giờ sau khi bài thơ ra đời, một bài thơ khác xuất hiện tiếp tục “ném đá” fan Kpop. Đây cũng không phải là bài thơ duy nhất các fan Kpop làm để "phản pháo" những ý kiến chỉ trích mình. Trong đêm qua các diễn đàn, trang cá nhân đã xuất hiện khá nhiều những bài thơ cùng nội dung. Và vẫn tiếp tục là những ồn ào, tranh chấp đúng sai, bảo vệ quan điểm. Nhiều người lo lắng, nếu cứ tiếp tục tranh cãi qua lại thì có làm thêm chục bài thơ nữa, mọi chuyện cũng sẽ không tới đâu bởi cách nhìn nhận vấn đề của hai thế hệ đã có sự chênh lệch khá rõ rệt. Hy vọng, những tranh cãi sẽ dừng ở sự tôn trọng, kiềm chế cũng như ý thức của mỗi bên để tìm được tiếng nói chung về lòng yêu nước và “văn hóa thần tượng”.