Trước khi đi du lịch Sầm Sơn cùng công ty chồng, chị Hoa đã chuẩn bị tâm thế đề phòng hết mức có thể trong việc mua bán, mặc cả do đã nghe quá nhiều tai tiếng về nạn “chặt chém” ở đây. Tuy nhiên, những gì chị chứng kiến lại là một Sầm Sơn hoàn toàn khác.










Bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: VOV


Đi cùng cả công ty vài chục người nên phòng nghỉ, các bữa ăn chính đã được đặt trước, chị Hoa yên tâm không phải lo lắng về vấn đề này. Vẫn ăn chung cùng nhau nhưng mỗi bữa ăn được đặt theo suất, thấp nhất là 120 nghìn/người/bữa. Với mức giá này, chị rất hài lòng với chất lượng bữa ăn. Mỗi mâm 6 người có đầy đủ 5 món chính, cộng thêm một món rau, canh, cơm. Đồ uống được tính tiền riêng.


Thông thường mỗi suất 120-150 nghìn, sẽ có các món hải sản như cá thu, mực xào, ngao hấp, lươn xào… Nếu muốn ăn ghẹ, cua, giá mỗi suất sẽ rơi vào khoảng 200-300 nghìn/người/bữa. “Bữa nào cũng no nê, đầy đủ, chứ không phải chỉ lèo tèo mấy miếng. Đồ ăn lại được chế biến sạch sẽ, phục vụ chu đáo. Chính mắt mình có thể nhìn thấy khu nhà bếp chuẩn bị, nấu nướng như thế nào” – chị Hoa chia sẻ.


Ban đầu, chị nghĩ có lẽ do đã được đặt trước, cộng với khách sạn là chỗ quen, năm nào công ty cũng nghỉ ở đó nên mọi thứ “dễ chịu” hơn chăng. Thế nên, khi sử dụng các dịch vụ khác, chị vẫn hết sức đề phòng. Đã từng nghe câu chuyện ăn 3 bát phở nhưng giá mỗi bát khác nhau do “chỉ mặc cả 1 bát, 2 bát kia chưa mặc cả”, nên chị chuẩn bị tinh thần mặc cả mọi thứ rất kĩ càng.


Khi hỏi giá thuê phao, được trả lời “10 nghìn”, chị vẫn đề phòng hỏi lại “10 nghìn trong bao lâu?”. Tuy vậy, 2 lần thuê phao chị đều được thuê với giá 10 nghìn, sử dụng trong bao lâu tuỳ thích.


Sau ngày đầu tiên, chị và mọi người trong đoàn đều tỏ ra hài lòng với giá cả các dịch vụ, không hề thấy “chặt chém” như lời đồn. Đặc biệt, giá cả gần như là giá chung, không có chuyện nói thách giá trên trời hay chèo kéo lộn xộn.


Chị Hoa cho biết các dịch vụ ăn uống nhẹ giá cũng ở mức vừa phải: phở, bánh cuốn 30 nghìn/bát, bánh mỳ 20 nghìn/chiếc, xúc xích 15 nghìn/chiếc, nước mía 15 nghìn/cốc, nước dừa 25 nghìn/quả , chè 20 nghìn/cốc, bún cua thì cao hơn một chút 50 nghìn/bát… Đặc biệt món bánh cuốn tôm đặc sản ở đây được nhiều người khen là ngon, rẻ. Một suất bánh cuốn từ 25-30 nghìn có lượng bánh gấp đôi ở Hà Nội kèm thêm 2 miếng chả nướng kha khá.


Các dịch vụ khác như xe điện, xích lô, xe đạp đôi… cũng rất tiện lợi với mức giá hợp lý. Giá niêm yết của dịch vụ xe điện là 30 nghìn/km, xe đạp đôi 30 nghìn/tiếng, tuy nhiên chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa lái xe và khách. Nhiều mặt hàng có giá rẻ hơn giá niêm yết của thị xã. Có lần chị Hoa đi xe điện đến một cây số nhưng khéo mặc cả chỉ mất 20 nghìn. Giá xích lô còn rẻ hơn thế. Chủ yếu khách chỉ đi một đoạn đường ngắn, không tốn nhiều công, một ngày có thể chở được chục chuyến nên các lái xe cũng đưa giá rất “mềm”.









Bảng giá niêm yết ở một số cửa hàng, quán ăn. Ảnh: Dân Trí


Trong cả 3 ngày ở Sầm Sơn, cả chị Hoa và nhiều người khác trong đoàn gần như không bị “chém” lần nào, chỉ vài lần bị hớ một chút vì mặc cả chưa kỹ. Ngoài ra, đường sá, hàng quán cũng rất trật tự, sạch sẽ, không có tình trạng chèo kéo, cãi lộn gây mất trật tự.


Một người trong đoàn chị Hoa đã từng nhiều lần du lịch Sầm Sơn cho biết, năm nay trên các con phố thường xuyên gặp những đội dân phòng, an ninh đi kiểm tra và sẵn sàng can thiệp nếu du khách phản ánh. “Năm nay thấy yên tâm và trật tự hơn các năm trước”.


“Những người bán hàng, thợ chụp ảnh vẫn mời chào nhưng ở mức bình thường, không đến mức quá đáng. Nói chung giá cả rất hợp lý, nhiều khi là rẻ do người bán nhiều, người mua ít. Như một chiếc mũ cói chỉ 10 nghìn đồng, giá cưỡi ngựa lên Hòn Trống Mái cũng chỉ 10 nghìn/lượt”. Chị Hoa chia sẻ, hai vợ chồng cảm thấy rất thoải mái về giá cả mấy ngày nghỉ ở đây.


“Các gian hàng bán hải sản, quà bánh, đặc sản đều có mức giá chung, chênh nhau không đáng kể. Người bán cũng chỉ nói thách rất ít thôi nên yên tâm không bị mua hớ” – chị hào hứng kể.


Tuy vậy, chị cũng cảnh báo mọi người vẫn nên cẩn thận mặc cả rõ ràng trước khi mua đồ hay ăn uống, tránh những cãi lộn không đáng có. Như một lần vợ chồng chị định ăn bánh bột lọc ở một quán vỉa hè. Định không hỏi giá nhưng nghĩ đi nghĩ lại chị lại hỏi thì chủ quán trả lời “15 nghìn/đĩa”, chị vẫn cẩn thận hỏi lại “một đĩa có khoảng mấy cái bánh?”, “2 cái” – chủ quán trả lời. Nhìn thấy cái bánh chỉ bằng 2 ngón tay, chị thôi không ăn nữa. Tuy vậy, chị cho rằng chuyến đi lần này vẫn rất vui vẻ và hợp lý.


“Nghe mọi người nói vui là người dân ở đây ‘mài dao 9 tháng chỉ để chém trong 3 tháng’ nhưng chuyến đi lần này mình không gặp phải khó chịu nào, khá thoải mái và trọn vẹn. Năm sau vẫn muốn quay lại Sầm Sơn” – chị Hoa tâm sự.




http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/127942/du-khach-gong-minh-de-phong-chat-chem-o-sam-son.html