Các nhà quản lý trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm năng suất lao động - cơn đau cứ bốn năm lại đến một lần và kéo dài cả tháng.


Người hâm mộ cuồng nhiệt vì World Cup. Ảnh: AFP.


Vòng chung kết có rất nhiều trận đấu diễn ra vào giữa giờ làm việc tại châu Mỹ và châu Âu. Ở những nước điên cuồng vì bóng đá như Anh, Đức, nhiều công ty thậm chí chẳng buồn cấm phát sóng trận đấu. Một số còn để nhân viên xem trong giờ làm việc. Tại vài nơi khác, các nhà quản lý phải điều chỉnh giờ làm của nhân viên để phù hợp với lịch thi đấu.


Riêng tại Paraguay, Tổng thống Fernando Lugo đã ban sắc lệnh cho phép các nhân viên công chức được nghỉ chiều hôm qua để xem trận đấu giữa đội tuyển quốc gia với Italy.


Tại Anh, tổn thất từ tình trạng suy giảm năng suất lao động do World Cup gây ra ước tính lên tới 1,45 tỷ USD. Hơn một nửa đàn ông và 21% phụ nữ sẽ xem các trận đấu diễn ra trong giờ làm việc, theo cuộc khảo sát của hãng PricewaterhouseCoopers thực hiện trên 1.000 người.


Hãng Asda, thuộc tập đoàn Wal-Mart, cho phép nhân viên nghỉ không lương hai tuần nếu muốn tới Nam Phi. Công ty cũng cho phép nhân viên thay đổi ca trực, nghỉ giữa giờ lâu hơn và được xin nghỉ để xem giải đấu tại nhà. Các TV đặt trong cửa hàng điện tử của Asda được chuyển sang kênh phát sóng các trận đấu bóng World Cup, để nhân viên bán hàng có thể vừa xem vừa làm việc.


Jonathan Grant, một nhà quản lý tại London, thì cho nhân viên nghỉ sớm vào những ngày có đội Anh thi đấu. Nhân viên của ông đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên ông phải gánh thêm trách nhiệm ngăn chặn các xung đột xảy ra giữa những cổ động viên cuồng nhiệt.


Người Mỹ thì không cuồng nhiệt như dân Anh nhưng bóng đá cũng đang tác động lên nước này. Năm 2006, tổng cộng 78 triệu người dân xem World Cup trên các kênh của Walt Disney, tăng so với 70 triệu vào năm 2002.


Tại một quán bar ở New York, Jack Keane - chủ quán - cho biết cửa hàng chật kín khách vào hôm khai mạc World Cup. "Toàn bộ phòng chật kín. Rất nhiều người bỏ làm để đến đây xem. Và hầu như ai cũng uống bia rượu".


Tại một hãng in ở Texas, ban đầu người chủ Jeff Henderson cho phép nhân viên (nhiều trong số đó có nguồn gốc từ Mexico) được phép làm việc thêm giờ trong tuần trước để có thể được nghỉ ngày 11/6 và xem trận đấu có đội Mexico. Nhưng trước đó một ngày, công ty nhận được một dự án lớn yêu cầu tất cả phải có mặt vào ngày thứ sáu.


Lo sợ rằng mọi người sẽ cáo ốm xin nghỉ, Henderson ra một tuyên bố rằng tất cả nhân viên phải có mặt nhưng TV sẽ được bật tại nhà kho và phòng họp. "Có thể thấy sự thất vọng trên một số khuôn mặt", ông kể.


Cuối cùng mọi người đều đi làm nhưng hiệu quả lao động thì rõ ràng bị giảm, Henderson thừa nhận.


Diệu Minh


http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Cuoc-song-do-day/2010/06/3BA1CF6A/