Phải đấu giá mới có nơi đỗ ôtô, nhà mọc nấm mốc vì thấm nước, thiết bị báo cháy dở chứng, chờ 3 năm chưa được ký hợp đồng mua bán... là những tình huống cười ra nước mắt mà người mua nhà chung cư không lường trước.


> Chưa đủ luật xử lý tranh chấp nhà chung cư / Lắm phiền toái khi mua nhà chung cư


Chủ hộ tầng 8, chung cư Copac, quận 4, TP HCM kể, để có chỗ đỗ ôtô bà phải tham dự phiên đấu giá do chủ đầu tư tổ chức với giá khởi điểm 1,8 triệu đồng một tháng. Cư dân nơi đây không còn lựa chọn nào khác vì diện tích đỗ ôtô của cả chung cư 280 căn hộ chỉ giới hạn 50 chỗ. "Tôi bị sốc về việc này. Nếu phải thuê chỗ đỗ ôtô lâu dài với mức giá khủng ngay tại chung cư mình ở thì quá vô lý", chủ hộ tầng 8 chia sẻ.


Những hộ dân đang thuê chỗ đỗ ôtô tại chung cư Copac cho hay, trước khi dọn đến sống ở tòa nhà này, họ gần như không thể tin nổi mình phải trả tiền đỗ ôtô đắt đỏ như hiện nay.


Trong khi đó, người dân chung cư New Saigon huyện Nhà Bè lại phát cáu khi căn hộ bị thấm nước làm sàn gỗ bong lên, tường ố vàng và cửa phòng tắm nổi nấm mốc. "Thỉnh thoảng tôi phải nhặt nấm mốc trên cửa nhà vệ sinh", một hộ dân ở lô B, tầng 1 chung cư New Saigon bức xúc nói trong cuộc họp với chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà hồi tháng 10.


Nhiều người đi đường hiếu kỳ trước vụ việc cư dân Copac phản đối chủ đầu tư, đã dừng lại đường Tôn Đản, quận 4, TP HCM để theo dõi sự việc. Ảnh: Vũ Lê.


Không khá hơn là bao, cư dân chung cư Hoàng Kim quận 7 từng mấy phen hốt hoảng khi thiết bị báo cháy của tòa nhà dở chứng. Lần đầu tiên là ngày 25/1 hệ thống báo cháy phát tín hiệu lúc 22-24h đêm. Kế đến, một căn hộ lầu 7 liên tục phát tín hiệu báo cháy mà không tìm ra nguyên nhân. Cư dân phải di chuyển ra khỏi tòa nhà mấy bận khi có tín hiệu này. Sau đó, ban quản lý trấn an cư dân rằng, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà vẫn chạy tốt, sự cố xảy ra vì thay bảo vệ mới nên họ chưa biết cách vận hành hệ thống máy móc của tòa nhà.


Còn ở chung cư Mỹ Phước quận Bình Thạnh trong tháng 11 đã nổ ra cuộc chiến xoay quanh cái thùng rác. Một hộ dân tầng 12 chung cư này cho biết: "Khi chủ đầu tư bàn giao việc quản lý tòa nhà cho đơn vị mới, toàn bộ thùng rác trong tòa nhà bị mang đi hết. Cư dân phải bỏ rác ở hành lang, gây mất vệ sinh, và vận động mọi người gom tiền mua thùng rác mới". Đây là tình huống hi hữu chưa từng có trong lịch sử vận hành chung cư tại Sài Gòn.


Sở dĩ xảy ra câu chuyện cái thùng rác trên chỉ vì chủ đầu tư cho rằng toàn bộ hệ thống kỹ thuật, thang máy, tầng hầm, hệ thống thu gom rác và kể cả các thùng rác... đều thuộc sở hữu của họ.


Tại TP HCM không hiếm những tòa nhà dân dọn về sống hơn 5 năm vẫn như kẻ ở trọ trong nhà mình dù đã trả đủ tiền mua căn hộ vì chờ dài cổ không có sổ hồng. Tuy nhiên, tình huống của khách mua căn hộ chung cư Gia Phú, quận Bình Tân, được liệt vào hàng cá biệt.


Thành viên ban quản trị chung cư Gia Phú cho hay, nhận nhà hơn 3 năm nhưng các chủ hộ chỉ cầm trong tay hợp đồng góp vốn, chưa được ký hợp đồng mua bán chính thức với chủ đầu tư. Nhiều cư dân lo ngại, với tình huống này, không biết đến bao giờ họ mới có giấy chủ quyền nhà. Bởi lẽ, một trong những thủ tục đầu tiên làm hồ sơ chủ quyền căn hộ là phải có hợp đồng mua bán.


Cư dân New Saigon đang trình bày với chủ đầu tư những bức xúc xoay quanh việc căn hộ bị thấm nước, nổi nấm mốc. Ảnh: Vũ Lê.


Trao đổi với VnExpress.net, Thành viên ban đại diện lâm thời chung cư Tản Đà (do cư dân bầu), Phạm Ngọc Đảnh nhận xét: "Giai đoạn hậu mua nhà chung cư khá phức tạp. Cơ quan chức năng cần xây dựng cẩm nang cho người mua nhà chung cư đồng thời cần có một khung chuẩn về nội quy nhà chung cư để hỗ trợ người dân".


Theo ông Đảnh, khi mua căn hộ chung cư, khách hàng đang cần nhà nên muốn mọi sự nhanh chóng và không mấy chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng đã được chủ đầu tư soạn thảo từ trước. Đây là một thiệt thòi cho người mua căn hộ vì họ mất đi quyền yêu cầu điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng sao cho công bằng. Thậm chí, các mâu thuẫn và bức xúc trong quá trình vận hành nhà chung cư chỉ xuất hiện khi cư dân dọn đến ở.


Theo ông Đảnh, người mua và sống trong các căn hộ chung cư đang ở trong tình thế bị động, bất cân xứng về quyền lực do chưa có kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết về lối sống trong nhà chung cư. Nếu có cẩm nang chỉ ra cho người mua nhà chung cư những kinh nghiệm, các trục trặc thường gặp phải và giúp họ đối phó với các sự cố khi sử dụng nhà chung cư thì mọi việc sẽ dễ thở hơn.


Giám đốc điều hành Trường quản lý khách sạn Toàn Cầu GlobalHM, Thạc sĩ Trang Minh Hà cho rằng, các vấn đề người dân gặp phải khi sống trong nhà chung cư thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là: không được phổ biến rõ ràng những nội quy, quy định tại chung cư; không được cung cấp những yêu cầu cơ bản như vệ sinh, khu vực công cộng, nơi để xe; chậm trễ trong việc giải quyết những sự cố cho cư dân; các khoản phí bất hợp lý, thiếu sự công khai minh bạch tài chính...


Ông Hà phân tích, để giảm thiểu những bức xúc của cư dân, chủ đầu phải tỏ rõ thiện chí bằng cách nêu rõ những điều khoản, nội quy, quy định trong hợp đồng góp vốn hay mua bán để có sự đồng thuận ngay từ ban đầu. Kế đến, chủ đầu tư nên thành lập Ban quản trị càng sớm càng tốt để cùng phối hợp vận hành tòa nhà tốt hơn.


"Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những những quy định pháp luật về nhà chung cư để hỗ trợ người dân hơn là để họ tự bơi trong các sự cố này", ông nói.


http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Bat-Dong-san/2010/12/3BA23A0B/