Đầu xuân đi chợ Viềng Nam Định


Cập nhật lúc 10:21, Thứ năm, 10/02/2011 (GMT+7)


http://nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/tin-chung/u-xuan-i-ch-vi-ng-nam-nh-1.284784#tElGRD3GHx61



Mua bán nông cụ tại chợ Viềng.



NDĐT: Cứ vào ngày mồng 8 tháng Giêng, người dân thập phương lại nô nức đổ về Nam Định đi chợ Viềng cầu may. Họ mua một cây cảnh, một cái cuốc hay con dao, cân thịt bò thui…để gửi gắm niềm tin, mơ ước vào một năm mới an khang, thịnh vượng, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm mới.


Chợ Viềng mở chính thức vào ngày mồng 8, nhưng ngay từ chiều ngày mồng 7 tháng Giêng đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hoá về bày bán. Câu ca dao cổ còn lưu truyền đến ngày nay: “Chợ Viềng năm có một phiên/ Để cho trai gái tốn tiền trầu cau” như lời mời gọi du khách gần xa dừng chân du xuân chợ Viềng Nam Định cho dù dẫu chưa một lần tường tận gốc tích của phiên chợ độc đáo này! Trước đây, Nam Định có tới bốn chợ Viềng cùng tồn tại, đó là chợ Viềng Phủ Giày (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc) nhưng bây giờ thu hút du khách nhiều nhất vẫn là Viềng Vụ Bản và Viềng Nam Trực. Mỗi chợ đều có nét độc đáo riêng nhưng tựu chung đây là hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng đầu xuân của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ xa xưa.


Đến với phiên chợ đầu năm, khách thập phương dễ nhận thấy tại đây bày bán đa phần là các sản phẩm nông nghiệp từ cái cày, cái cuốc cho đến cơ man nào là giống cây, giống con, đồ cổ và cả đồ giả cổ. Điều làm nên nét duyên của phiên chợ Viềng xuân chính là ở ý nghĩa cầu may trong năm mới, mong muốn sản xuất gặp mưa thuận, gió hoà, làm ăn phát đạt quanh năm. Bên cạnh đó, đi chợ cũng là một thú vui, được sống trong không khí mà cả người bán và người mua đều rất vui vẻ. Đắt rẻ không còn quan trọng, miễn là mua được thứ mình ưng ý nhất. Về chợ Viềng, ai cũng muốn mua được cây, mua được may mắn. Người thành phố chọn mua cây hoa, cây thế, người ở các miền quê thoả thê tìm kiếm các giống cây đặc sản như nhãn lồng, vải thiều, quýt không hạt…Người mua cũng để cầu may mà người bán cũng vậy, chính vì lẽ đó mà nhiều du khách ở thành thị sẽ hết sức ngạc nhiên khi thấy trong phiên chợ bày bán cả những dụng cụ nông nghiệp đã qua sử dụng. Dù mua hay không mua nhưng họ đều tặng nhau những nụ cười ,những câu nói tươi tắn ngày xuân. Với người dân Nam Định, đi chơi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một thói quen không dễ gì thay đổi được, những bạn trẻ thì coi đây là chuyến du xuân tuyệt vời trong năm. Uớc tính phiên chợ này hàng năm thu hút không dưới hàng chục nghìn người từ Hà Nội về, từ Hải Phòng sang, từ Ninh Bình, Thanh Hoá ra để được đắm chìm trong lung linh, huyền diệu của chợ Viềng xuân. Khách thập phương thường lấy lộc kết hợp luôn cả đi lễ chùa, lễ phủ vì ở Viềng Nam Trực có chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh còn Viềng Vụ Bản có phủ thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” được truyền tụng trong dân gian cả ngàn đời nay.


Du xuân chợ Viềng, mấy ai từ chối món thịt bò được thui bằng rơm nếp, thịt mềm, ngọt, bì vàng suộm được treo tại các quầy bán phở, bán bún, được bày bán la liệt trên các sạp, các bàn, thậm chí cả nong nia trên đường vào chợ ngày xuân. Hầu như ai cũng có ý thức mang lộc từ chợ,từ đất thánh về lấy may! Trong bốn điểm chợ Viềng ở Nam Định thì chợ Viềng Phủ Giày (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) là đông đúc hơn cả vì thuận tiện đường đi lại và là điểm tham quan danh thắng đền phủ có sức hút lớn. Đây cũng là nơi lượng thịt bò thui được tiêu thụ nhiều nhất. Mọi người cứ đi hội, đi mua thịt bò đem về hoặc mời nhau ăn một bát bún, bát phở, một đĩa sào thịt bò để thưởng thức hương vị ngày xuân, trong tâm thức luôn luôn có sự cầu may. Sở dĩ ở chợ Viềng xuân chỉ bán thịt bò thui vì nó đã đi vào tâm thức dân gian là món lễ vật đầu năm cúng thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa. Trong một số văn bia ở Phủ Giày có ghi: Ngày mồng 3 tháng 3 hoặc mồng 4 tháng 3 đều dùng hai mâm xôi (mỗi mâm 10 đấu gạo), một buồng cau to, hai vò rượu và đặc biệt là một con bò thui để cúng thánh.


Chợ Viềng xuân là hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi năm du khách thập phương tới đây ngày một đông hơn, mặc dù phiên chợ đã ít nhiều mang đôi chút tính chất thương mại nhưng ý nghĩa cầu may thì vẫn còn vẹn nguyên.


Mai Tú