Chuẩn bị báo cáo thẩm tra Nhà máy lọc dầu Dung Quất để trình Quốc hội ít ngày nữa, các thành viên trong ban soạn thảo đang cân nhắc lựa từng từ ngữ để diễn đạt những kết quả cũng như mặt hạn chế, tồn tại.


Chiều 18/10, Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên cùng nhiều đại biểu và thành viên Chính phủ, đại diện các bộ ngành đã có buổi ngồi rà soát lại bản báo cáo nghiệm thu dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước khi đưa ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Mở đầu cuộc họp, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đã lưu ý rằng dự án này kéo dài 13 năm và mới qua giai đoạn đầu tư nên còn quá sớm để đưa ra các ý kiến nhận xét hiệu quả hay chưa hiệu quả. Do vậy, báo cáo cần nhìn nhận vào những cái được và chưa được để chọn lựa lời lẽ mềm mẠi nhất để “không khen quá đáng và chê quá đà”. Ông Kiên cho rằng nếu khen quá sẽ khiến dư luận không đồng tình mà nếu quá chê sẽ phủ nhận công sức của những người thực hiện dự án. Hơn nữa, dự án kéo dài tới 13 năm kinh qua vài nhiệm kỳ Quốc hội và trải qua các đời lãnh đạo khác nhau, nếu chê quá thì những người tiền nhiệm phải nghe còn khen quá sẽ khiến chỉ thấy thành tích mà không thấy những tồn tại.


Tuy nhiên, không ít đại biểu có mặt trong cuộc họp đều băn khoăn về những nội dung được thể hiện trong bản báo cáo. Nhiều đại biểu cho rằng bản dự thảo báo cáo dù dài tới 41 trang và 5 chương nhưng vẫn chưa diễn đạt được hết những điều các đại biểu quan tâm. Nếu không chỉnh sửa, bổ sung khi ra trình bày trước Quốc hội có thể sẽ bị nhiều ý kiến phản đối.


Ông Lương Văn Kết, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng với tổng giá trị dự kiến quyết toán là 43.000 tỷ đồng, thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt là 51.000 tỷ đồng trong khi dự án bị chậm tiến độ, thời gian thử nghiệm kéo dài. Vì thế, bản báo cáo rõ ràng là có sự mâu thuẫn.


“Khi có sự cố và phải kéo dài thời gian chạy máy thì càng phải thiệt hại chứ không phải là có lợi. Kéo dài hơn 2 tháng trời, không vận hành thương mại mà lại làm giảm vốn đầu tư thì vô lý”, ông này nói.


Trong báo cáo của Chính phủ thể hiện chủ đầu tư tiết kiệm được 11% so với tổng mức đầu tư được duyệt, và hiệu quả cao hơn thực tế. “Dự án kéo dài 13 năm mà lại hiệu quả quá thì rất đáng ngạc nhiên. Theo tôi một dự án càng kéo dài thì chúng ta càng thiệt chứ không thể nói là được lợi cả”, ông này nhận xét.


Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bộ Xây dựng có mặt trong cuộc họp cũng nhấn mạnh: "Một dự án mà kéo dài tới 13 năm thì không nói là thành công được. Tuy nhiên, cũng phải xét thực tế tiềm lực về tài chính, con người của VN hạn chế nên dự án bị chậm. Do đó, trong báo cáo cần thể hiện được những khó khăn này để Quốc hội và dư luận hiểu được".


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng những gì mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt được thì báo cáo đã ghi nhận. Do vậy, không nên quá nhấn mạnh vào những thành tích đã đạt được. “Trách nhiệm của chúng ta là giải quyết hậu quả của những năm tháng trước đây, dù là nhỏ cũng phải đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm. Đôi khi là cái nhỏ thôi nhưng không đánh giá, phân tích, chúng ta cũng sẽ phải trả giá đắt”, bà Khánh nói.


Bà Khánh nhấn mạnh xây dựng nhà máy Dung Quất là một phần không nhỏ công sức tiền bạc của người dân đóng góp. Do vậy, cần phải xem xét đến đời sống của nhân dân ở khu vực có nhà máy, điều kiện, cuộc sống của họ có ổn định không... “Đặc biệt, chúng ta cần phải thu xếp công ăn việc làm cho bà con vào làm việc ở nhà máy. Tôi đề nghị báo cáo thẩm tra cần có số liệu và đánh giá cẩn thận chi tiết, tránh trường hợp dân khiếu kiện, khiếu nại vì cho rằng đền bù chưa thỏa đáng”, bà Khánh nhấn mạnh.


Theo bà, Chính phủ và Quốc hội không thể “xuê xoa” làm mềm hóa vấn đề bằng các câu từ. Trong báo cáo cần phải thể hiện rõ trách nhiệm thuộc về ai để tránh khi đưa ra Quốc hội, các đại biểu sẽ phản đối.


Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc – Mã Điền Cư cũng cho rằng báo cáo cần đánh giá tổng thể chặng dài xây dựng nhà máy cho đến khi ra đời sản phẩm đầu tiên trong vòng 13 năm. Dự thảo báo cáo hiện tại đã nêu được những vấn đề đạt được và chưa đạt được nhưng cũng cần phải rút ra được những bài học, kinh nghiệm. Trong đó có nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành, có tính phản biện cao mới thuyết phục được các đại biểu Quốc hội. “Đồng thời, trong báo cáo cần nêu bật được trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ làm gì và những kinh nghiệm rút ra là gì”, ông Cư nhấn mạnh.


Trước băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Công Thương – Vũ Huy Hoàng cho biết dự thảo báo cáo này đã được Thủ tướng xem xét và thông qua. “Những băn khoăn của các đại biểu sẽ được chúng tôi tiếp thu và báo cáo Thủ tướng chỉnh sửa. Tất nhiên, tôi cũng nhận thấy bản báo cáo hiện tại còn quá tập trung vào những cái đã đạt được, chưa đánh giá nhiều cái còn tộn tại. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và chỉnh sửa”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.


Theo ông, dự án kéo dài tới 13 năm, trong khoảng thời gian ấy, tình hình kinh tế biến động và rất nhiều sự kiện xảy ra, do đó cần phải cân nhắc, đánh giá cho phù hợp. Do đó, báo cáo cũng sẽ được sử dụng các từ ngữ “mềm” hơn để tránh nói quá về thành tích hoặc chê quá những cái chưa làm được.


Khác với sự điềm tĩnh của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (Petrovietnam) – Đinh La Thăng lại phản ứng ra mặt trước những ý kiến phản biện. Ông cho rằng các đại biểu đến đây để nghe báo cáo chứ không phải đến để phản đối. Bởi lẽ, báo cáo đã được Thủ tướng duyệt sau khi lấy ý kiến tất cả các bộ ngành và soạn thảo. “Các bộ ngành đã đồng ý giờ đến đây để phản biện là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần có ý kiến nhắc nhở các đơn vị có ý kiến phản đối trong cuộc họp này”, ông Thăng nói.


Theo ông, với một dự án trọng điểm và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất việc đánh giá cái đạt được và chưa đạt được cần phải thận trọng, cân nhắc. Không thể so sánh con số 1,5 tỷ đôla của năm 2007 đến 3 tỷ đôla của thời điểm hiện tại. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để chỉnh sửa báo cáo cho chất lượng tốt nhất. Nhưng quả thật, một bản báo cáo không thể thỏa mãn mấy trăm đại biểu được”, ông Thăng nói.


Kết thúc cuộc họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường – Phan Xuân Dũng cho rằng trong báo cáo ngoài việc đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả về an ninh, quốc phòng cũng cần phân rõ các nguồn vốn vay, lãi suất trả nợ để làm rõ hơn hiệu quả. Đồng thời, cũng cần đánh giá khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực lọc hóa dầu và nhập khẩu dầu mỏ sau này.


“Đây cũng không chỉ là đánh giá hiệu quả hiện nay của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà còn là vấn đề mở rộng công suất lên 8-10 triệu tấn và đầu tư các dự án khác hiện nay”, ông Dũng nói.


Chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thông qua ngày 5/12/1997, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá X. Đến 22/9/2009, nhà máy cho ra dòng sản phẩm đầu tiên. 29/5/2010, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã nghiệm thu công trình. Ngày 30/5/2010, Tổ hợp nhà thầu Technip đã chính thức bàn giao Nhà máy cho Chủ đầu tư.


Tổng mức đầu tư tạm tính của dự án vào năm 1997 là 1,5 tỷ USD. Đến tháng 6/2005, Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2,501 tỷ USD. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án (2005-2008), do có nhiều yếu tố biến động về giá cả, tỷ giá ngoại tệ và bổ sung khối lượng công việc, Petrovietnam xin điều chỉnh tổng mức đầu tư và được duyệt lên mức 3,053 tỷ USD, tương đương 51,72 nghìn tỷ đồng (tính theo tỷ giá trung bình 16.937 VNĐ/USD). Tuy nhiên, giá trị quyết toán dự kiến chỉ là 40,41 nghìn tỷ VNĐ, do khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong giai đoạn chạy thử nhà máy. Thời hạn hoàn thành công tác quyết toán dự kiến tháng 12 năm 2010.


Hồng Anh


http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA21C6C/