Cụ bà 80 tuổi ở… chuồng heo11:47' 15/01/2009 (GMT+7) - Lấy 3 cục gạch kê gần máng heo làm bếp, nhóm lửa bắc nồi cơm, mùi phân heo xộc vào mũi nồng nặc, khi bữa cơm chiều vừa xong, cụ lấy chiếc võng cước mắc ngang làm chỗ ngủ đêm. Cụ Lưu Thị Lợt (80 tuổi) ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên sống cảnh đời cơ cực như vậy.



Nhà sập, không có chỗ để ở, bà Lợt phải ra ở chuồng heo. Hơn 1 tháng nay, cụ “sống chung” với 2 con heo chật chội đến nỗi không có chỗ để kê cái giường. Cụ không được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc diện hộ nghèo vì trong sổ hộ khẩu NK3a không có người thừa kế. Con của cụ nhắc đến chuyện chăm sóc mẹ già, ai cũng ngó lơ…



Nhờ có chuồng heo mới có chỗ trú thân



Cách nay hơn 1 tháng, ngôi nhà của cụ Lợt bất ngờ bị đổ sập. Ngôi nhà hiện giờ đang nằm bẹp ấy cũng chỉ vẻn vẹn 9m2, tranh không ra tranh, rạ không ra rạ. Ban đầu lợp tranh, thời gian làm nhà tranh mục nát lỗ chỗ, vách nhà bện bằng tấm liếp, tấm lá mía, mùa đông gió lọt vào không giữ ấm cho tuổi già.



Cách đây 2 năm, ngôi nhà xiêu vẹo “cảnh báo” nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cụ lấy mấy cây tre chống đỡ xung quanh, vừa qua, mưa to mấy ngày liền, các cây tre chống đỡ không còn chịu được vì đất lún, ngôi nhà ngã bẹp. Cụ rầu rĩ nói: “Tôi đi hái rau về thấy ngôi nhà nằm bẹp, may mà nhà ngã sập ban ngày nếu xảy ra ban đêm chắc tôi mềm xương, bây giờ xanh cỏ rồi”.


Chuồng heo cụ Lợt ở chỉ đủ mắc chiếc võng cước.



Nhà đổ sập, không còn nơi nào để trú thân, chỉ còn duy nhất cái chuồng heo đứng vững phía sau mé hè. Ngăn rộng nhất là nơi “sở hữu” của 2 con heo. Chỉ còn một cái xó chật chội gần máng heo là nơi trống, cụ dọn vào ở chỗ đó. Cái xó chuồng heo đó chật đến nỗi không đủ kê cái gường, vì vậy, ngoài cái bếp nấu, cụ muốn ngả lưng nên mắc cái võng cước. Hai con heo kề đó nằm thở khò khè. Chỗ được xem như cửa ngõ ra vào dây bầu, bí quấn quanh lụp xụp, ra vào phải cúi thấp người. “Nhờ có xó chuồng heo này mới có chỗ trú thân, nếu không ra bờ bụi ở” - cụ mếu máo nói như đứa trẻ lên ba.



Vốn liếng của bà hiện giờ chỉ có 2 con heo, cân nặng khoảng 30 kg/con, nhưng không phải bà bỏ tiền mua mà đây là nguồn vốn nằm trong chương trình hỗ trợ người nghèo cách làm ăn, địa phương ưu tiên cho cụ một suất. Cụ nói: “Sức khỏe tôi còn đi lại được, mấy năm giờ muốn nuôi heo kiếm tiền nhưng không có vốn, nay được Nhà nước hỗ trợ người nghèo cách làm ăn, cho tôi nuôi 2 con heo, mừng húm”. Mọi vật dụng của cụ đựng gói gọn trong 2 cái rọ heo con, từ cái lược cho đến gói mắm ruốc, chai dầu gió…



Không nằm trong tiêu chí xây dựng nhà ở?



Cụ có 4 người con (2 trai, 2 gái), ngay chỗ chuồng heo cụ ở cũng chỉ ở “ké” vì đây thuộc phần đất thổ cư của người con dâu thứ 2. Nhắc đến chuyện này, cụ đang ngồi bó gối bỗng dưng gục đầu, hai tay đưa lên chống cằm, nước mắt lăn ra: “Hồi nhà cũ của tôi ở trong hốc núi, trong đó không có nước uống mới ra ngoài này ở “ké” trên phần đất thổ cư đứa con dâu thứ 2. Bốn đứa con, đứa nào cũng lo “nồi riêng” nên không quan tâm đến. Tuổi già có lúc thèm chút cá tươi nhưng không có tiền đành chịu, thức ăn hằng ngày quẹt chút muối ớt, có khi có con cá mặn ăn cả ngày”.



Nhà sập, bà không được hỗ trợ xây nhà vì trong hộ khẩu NK3a không có người thừa kế.



Hiện tại, trong sổ hộ khẩu NK3a của cụ chỉ duy nhất một mình tên cụ, vì vậy căn cứ theo quy định không nằm trong tiêu chí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ông Trần Xuân Đường, trưởng thôn Thạnh Đức cho biết: “Tiêu chí được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo phải có người thừa kế, tức là căn cứ vào sổ hộ khẩu NK3a phải có tên ít nhất 2 người. Nhiều cuộc họp thôn đưa tên cụ vào danh sách được hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhưng khi đưa ra thảo luận vì không nằm trong tiêu chí đành phải gạt tên ra ngoài”.



Ông Đường cho biết thêm, hiện nay, 4 người con của bà chỉ duy nhất có một người con gái út hoàn cảnh gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo, 3 người còn lại kinh tế ổn định nhưng ai cũng “nạnh” chăm sóc mẹ già. Cụ thể mới đây, thôn mời 4 người con của cụ đến thảo luận về việc quyên góp tiền xây dựng nhà ở cho cụ, khi đề cập đến vấn đề ai cũng ngó lơ…



Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, ông Lâm Văn Minh, cho biết: “Khi nhà cụ Lợt đổ sập, địa phương báo cáo với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Xuân, lãnh đạo phòng đã cử cán bộ về chụp hình nhưng đến nay chưa thấy trả lời. Địa phương vận động bà đến ở một ngăn phòng trụ sở thôn gần đó đang bỏ trống nhưng bà không đi”.



Đêm về, nghĩ đến hoàn cảnh của bà cụ, tôi trăn trở không sao ngủ được, trong đầu suy nghĩ năm hết, Tết đến, biết tìm nơi nào để cụ đặt bàn thờ thắp nén hương tạ ơn tổ tiên ông bà? Nhớ lại những giọt nước mắt từ trong hai hốc mắt sâu hoắm của cụ lăn ra lúc chiều, tôi thấy lòng mình trắc ẩn.


http://vietnamnet.vn/bandocviet/2009/01/824013/