Từ đám tang bước ra, bà Ngô Thị Hải (ở Liễu Giai, Hà Nội) ca cẩm: “Thương bà N quá. Bà ấy ăn ở có đến nỗi nào đâu mà sao con cháu không có nổi được một tiếng khóc, tiếng hờ”. Ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình nhưng cũng có người cho rằng, khóc lóc trong đám tang rất có hại cho người chết. Vậy có nên khóc trong đám tang hay không?




Mỗi vùng miền có những cách tổ chức đám tang theo những nét văn hóa riêng. Ảnh: Chí Cường


Tiếng khóc khiến người “ra đi” không thanh thản



Theo các nhà nghiên cứu tâm linh, các đám tang truyền thống thường người thân phải khóc lăn lộn.Thậm chí đưa tang ra khỏi nhà con gái còn vật vã giữa đường để “ngăn” không cho người ta đưa người thân đã mất ra khỏi nhà. Khóc thì mới chứng tỏ tình thương yêu, không khóc thì xóm giềng chê là không có hiếu. Thậm chí còn ôm ấp, lay động thân thể người sắp mất, khiến họ không đành lòng nhắm mắt chia tay.



Có người còn cho rằng, con cháu cần phải khóc lóc để “hung tin đi hết”. Vì vậy, khi người thân lâm chung, mọi người gào khóc, than vãn não lòng. Dường như càng khóc to, khóc lớn càng được hàng xóm khen ngợi.



Ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, việc khóc lóc trong đám tang phụ thuộc vào dân tộc, tôn giáo và tập quán từng vùng miền. Một số đạo như: Đạo Mẫu, đạo Lão… trước người hấp hối, trong đám tang khóc càng to, càng bi ai sầu thảm càng tốt. Nhưng đạo Phật và đạo Thiên Chúa thì không khóc lóc ồn ào trước người hấp hối và trong đám tang, cho rằng việc đó sẽ làm người “ra đi” không yên tâm, thanh thản.



Ông Nguyễn Mạnh Cường (nguyên chuyên gia nghiên cứu của Viện Phật học) khẳng định, rất nhiều gia đình theo đạo Phật gần đây khi tổ chức đám tang đã không khóc trước người hấp hối, trong đám tang. Thậm chí khi nhà có người lâm chung còn tổ chức ca hát là vì họ mong muốn động viên linh hồn người chết. Bởi như thế người chết mới nhanh siêu thoát, không bịn rịn quyến luyến với cõi tục.



Trong kinh sách nhà Phật cho rằng, khóc lóc là chuyện thường tình của thế gian, nhưng lại là không tốt cho một thần thức (con người khi chết chỉ còn lại thần thức) đang lìa khỏi xác. Phút lâm chung con cháu khóc than, người thân níu kéo… đặc biệt là động chạm vào thân thể (trong khoảng 12 giờ đầu tiên) thì thật khổ cho người chết, bởi thần thức họ chưa biết là đã chết và đang phải đối diện với nhiều cảnh giới hãi hùng đau đớn (hồn phách phân ly, oan gia trái chủ, nghiệp chướng hành hạ… ập tới). Nếu con cháu không hiểu đạo cứ khóc lóc ai bi sẽ khiến người chết gặp chướng ngại và có thể đọa vào cảnh ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).



Nhiều kinh sách nhà Phật khuyên, khi có người “ra đi”, người thân không nên khóc, mà hãy phát tâm hộ niệm cho nhau để cứu độ vãng sanh cực lạc. Các gia đình Phật tử khi có người “ra đi” sẽ niệm danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức người “ra đi”.



Xử lý thế nào khi vòng hoa đến muộn?



Gia đình ông Nguyễn Văn (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) sau khi đưa người thân tới Đài Hóa thân Hoàn Vũ trở về, thấy trước nhà một vòng hoa viếng. Nhìn "vòng hoa viếng muộn" trơ trọi, cả nhà không biết xử trí thế nào, có người còn lo lắng sợ “ảnh hưởng gì” về mặt tâm linh.



Trong trường hợp này, có nhà thì cử người mang vòng hoa viếng đến cửa hàng bán vòng hoa nhờ bán lại. Có nhà gần nghĩa trang thì lọc cọc tới nghĩa trang lần nữa để đặt vòng hoa. Nhà ở xa lại e ngại về mặt tâm linh thì cứ để tạm ngoài cửa hoặc gốc cây, cột đèn… nào đó "nhờ" nhân viên môi trường thu dọn, khiến người đi qua nhìn thấy cũng gợn lòng.



Theo TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp KHCN tin học ứng dụng UIA) chưa có sách nào viết “vòng hoa đến muộn” là “có vấn đề” gì về mặt tâm linh. Nhưng để tránh khó xử cho gia chủ, những người có lòng viếng vòng hoa thì nên đem đến viếng khi đang tổ chức tang lễ. Với gia chủ nào chẳng may có “vòng hoa viếng muộn”, nếu gia đình ở không quá xa nơi chôn cất thì tốt nhất hãy mang những “vòng hoa viếng muộn” đó tới nghĩa trang đặt lên mộ người quá cố.



Theo đạo Phật, chết là được chuyển kiếp, được cầu nguyện về cõi Tây phương cực lạc theo đức Phật A di đà tiếp dẫn. Vì vậy, đạo Phật khuyên người dân hãy tạo không khí thoải mái để người mất an lành ra đi, không để họ luyến tiếc trần thế bất cứ điều gì. Và dự những đám tang không tiếng khóc, không bi thương sầu thảm sẽ làm người sống bớt xót xa và để lại ấn tượng đẹp nhẹ nhàng cho người sống.



Trà Giang/Báo Gia đình & Xã hội


http://giadinh.net.vn/xa-hoi/co-nen-khoc-trong-dam-tang-20150624095508121.htm