Chủ thẻ nghĩ kế né phí ATM


Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thu phí nội mạng, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người rủ nhau lập hội "tẩy chay" ATM, và tuyên bố rút toàn bộ tiền mặt ngay khi được trả lương.



Theo Thông tư vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, từ ngày 1/3 các ngân hàng bắt đầu thu phí giao dịch trên chính ATM của mình. Trong thư gửi tới VnExpress, độc giả tên Nguyễn Tiến Nghĩa bày tỏ thái độ không đồng tình và cho biết nếu có nhu cầu rút tiền, sẽ tới quầy giao dịch của ngân hàng chứ không dùng ATM.


Nhiều chủ thẻ đòi tẩy chay ATM. Ảnh: T.L


Cho rằng dịch vụ và chất lượng hiện nay còn thấp, nhiều chủ thẻ đòi tẩy chay ATM nếu bị thu phí giao dịch nội mạng. Ảnh: T.L


Trên các trang mạng xã hội như Facebook hay các diễn đàn có hàng nghìn thành viên, nhiều người tuyên bố "tẩy chay ATM". Một bạn trẻ có nick name binbinxxx cho biết :"Nếu thu phí rút tiền ATM, mình sẽ ra ngân hàng rút tiền cho các nhân viên ngân hàng có việc làm".


Một thành viên có nickname "layla" cũng ủng hộ quan điểm trên. Theo layla, nếu người tiêu dùng nào cũng dứt khoát như vậy, sẽ có một làn sóng các ngân hàng miễn phí rút tiền ATM để câu kéo khách trở lại.


Theo biểu phí mới quy định, mỗi lần rút tiền ATM nội mạng, người dùng phải trả tối đa 1.000 đồng. Truy vấn số dư và in sao kê, khách hàng phải mất thêm 1.000 đồng nữa. Về quy định này, nhiều người có thu nhập thấp, chỉ vài ba triệu đồng một tháng - cho rằng bất cập. Diệu Linh (công nhân làm việc tại khu công nghiệp Nam Thăng Long) cho biết: "Với mức thu nhập 2,9 triệu đồng một tháng của tôi như hiện nay mà phải trả quá nhiều loại phí mỗi khi rút tiền như vậy, tôi sẽ rút toàn bộ lương về nhà. Đáng lẽ ra ngân hàng nên thu phí từ chính doanh nghiệp trả lương cho chúng tôi".


Ông Tám, quận Bình Tân, một cán bộ về hưu nhận lương qua ATM cũng cho rằng, tiền của mình trong thẻ cũng là một hình thức cho ngân hàng vay với lãi suất gần như là 0% rồi, vậy mà lại còn bị tính phí khi rút tiền thì không thể vui được.


Cho rằng thu phí giao dịch để tái đầu tư cho hệ thống là hoàn toàn cần thiết, nhưng ông Tám nhìn nhận các ngân hàng thương mại thực hiện thu phí thời điểm này thì chưa hợp lý. Bởi hiện nay hầu hết ATM mới thực hiện chức năng trả lương cho người lao động là chính, chưa phát triển các dịch vụ kèm theo… "Cho nên phải có cơ chế khuyến khích dịch vụ thanh toán qua ATM phát triển và trở thành nhu cầu chính đáng của người dân. Lúc đó chúng tôi sẽ sẵn sàng trả phí cho việc sử dụng dịch vụ của mình", ông Tám chia sẻ.


Nhiều người lập hội tẩy chay ATM trên mạng cộng đồng.


Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thu phí ATM từ những người thu nhập thấp là chưa thỏa đáng. Bởi có những công nhân mỗi tuấn chỉ dám rút 100.000 đồng đến 200.000 đồng về chi tiêu, tính ra số phí phải trả sẽ rất lớn với họ.


Tại một diễn đàn khác, bạn Maximax kiến nghị: "Các ngân hàng nên thống nhất mức rút tối đa mỗi lần tại các cây ATM vì có nơi cho phép 5 triệu có nơi lại chỉ được 2 triệu đồng mỗi lần rút".


Là một trong số ít khách hàng không phản đối chuyện thu phí rút tiền mặt, nhưng chị Hiền, chủ thẻ Vietcombank ở quận 3, TP HCM cho rằng, đi đối với việc thu phí, ngân hàng cần phải cam kết cung ứng dịch vụ thật tốt. "Tôi thà bỏ 1.000 đồng để được hưởng dịch vụ hoàn hảo, hơn là phải chứng kiến cảnh nghẽn mạng, xếp hàng dài chờ giao dịch, hoặc ATM hết tiền vào ngày cuối tuần hay dịp lễ, thậm chí không rút được nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền", chị nói. Tuy nhiên, điều chị băn khoăn là nếu thu phí rồi, nhưng chất lượng dịch vụ ATM vẫn không cải thiện thì đúng là không thể chấp nhận được.


Trước những phản ứng của khách hàng dùng thẻ, phía nhà băng cho rằng chuyện thu phí rút tiền mặt kể từ 1/3 tới là nhằm bù đắp phần nào chi phí đầu tư cho máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng cũng như chi phí quản lý khách hàng. Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng có mạng lưới ATM thuộc loại lớn nhất nước cho rằng, giá nhập mỗi chiếc ATM lên đến hàng chục nghìn USD. Nhiều ngân hàng đang phát hành thẻ không công, nếu có thu của khách hàng cũng không đủ bù chi phí in ấn, phát hành và quản lý...


"Chúng tôi biết rằng, việc thu phí giao dịch nội mạng sẽ khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng. Nhưng sau hơn chục năm đầu tư mạng lưới và phục vụ khách hàng miễn phí, đã đến lúc khách hàng phải có sự chia sẻ chi phí cùng ngân hàng để tạo động lực cho nhà băng phát triển dịch vụ ATM tốt hơn", Giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng cổ phần bộc bạch.


Một lãnh đạo của Vietcombank cũng thông tin, việc thu phí này đã được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu rất kỹ trước khi ban hành ra bản mức phí cụ thể cũng như lộ trình thực hiện.


Đại diện DongA Bank thì cho biết, qua đợt nghỉ Tết dương lịch nhà băng mới họp bàn về vấn đề thu phí ATM.


Thanh Lan - Lệ Thanh


http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tin-tuc/thanh-toan-dien-tu/2013/01/chu-the-nghi-ke-ne-phi-atm/