(Dân trí) - Từng vòng xe lăn bánh chậm chạp nhưng chắc chắn. Thân hình người phụ nữ bé nhỏ ngày ngày dò dẫm trên chiếc xe đạp lọc cọc tới trường, chống nạng gỗ bước lên mục giảng nhiệt huyết “gieo chữ” cho bao thế hệ học sinh…



Hình ảnh đó của cô giáo Lê Thị Nguyệt đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), các phụ huynh và các em học sinh Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê.




Hình ảnh quen thuộc của cô Lê Thị Nguyệt.



Đã 15 năm nay, cô Nguyệt mắc phải căn bệnh thấp khớp xương nghiệt ngã. Bệnh tình quái ác đã cướp đi của cô dường như tất cả. Sức lực, tiền của suy kiệt, gia đình li tan. Tuy vậy, cô Nguyệt không bao giờ để bệnh tật, cuộc sống riêng tư gia đình làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy của mình.


Dù bệnh tật hành hạ nhưng sáng sáng cô Nguyệt đều cố gắng dậy thật sớm sắp xếp những trang giáo án soạn sẵn cả đêm vào chiếc cặp màu đen cũ sờn quen thuộc. Vai mang cặp, tay cầm chiếc nạng gỗ, đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt nhẹ nhàng đạp những vòng xe lăn bánh tới trường, và cô không bao giờ có ý định từ bỏ đam mê truyền con chữ cho các em học sinh.




Cô Nguyệt tay chống nạng gỗ lên bục giảng bài cho các em học sinh Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.



Hồi cô Nguyệt mới phát chứng bệnh thấp khớp, các bác sỹ bảo chỉ mất độ chục triệu đồng là có thể chữa khỏi bệnh nhưng khổ nỗi đồng lương giáo viên của cô hồi đó cũng chưa lo nổi cái ăn, cái mặc, tiền học hành cho con cái nên cô đành “ngậm đắng nuốt cay” uống những bài thuốc đơn giản, và trong suy nghĩ có gì dần dần rồi tính. Rồi thời gian cứ trôi đi, bệnh tình ngày càng phát tác nặng hơn. Những cơn đau kéo dài đã làm cho cô không thể tự đi trên đôi chân của mình mà phải nhờ đến chiếc nạng gỗ.


Cuối năm 2010, bệnh của cô Nguyệt ngày một nặng hơn. Thấy vậy, các thầy cô trong trường đã góp người một vài ngày lương để cho cô ra Hà Nội mổ khớp xương. Sau gần nửa năm vừa mổ, vừa điều trị ở Hà Nội về, sức khỏe cô đã đỡ hơn nhiều. “Ngày đi mổ khớp ở Hà Nội về, thấy tôi ở ngoài cổng chống nạng gỗ đi vào trường, các em học sinh chạy ùa ra đứa ôm, đứa dìu, đứa hỏi thăm sức khỏe,…” - cô Nguyệt không giấu nổi xúc động khi nhớ lại những tình cảm đặc biệt mà các học trò yêu quý đã dành cho mình.




Những tình cảm đặc biệt mà học trò dành tặng cô Nguyệt ngày đi mổ khớp ở Hà Nội về (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Người chồng thấy vợ ốm đau phải đi bằng nạng gỗ đã lẳng lặng bỏ ba mẹ con cô không một lời từ biệt nhưng cô vẫn gắng gượng vượt lên nỗi đau nghiệt ngã đó. Động lực sống của cô bây giờ là 2 đứa con gái chăm ngoan học giỏi và các thế hệ học trò mà cô đã nắn nót cho từng con chữ, phép tính.


22 năm cống hiến con chữ cho biết bao thế hệ học trò, đến nay khóa học trò đầu tiên của cô cũng đã tốt nghiệp ĐH ra trường có công ăn việc làm. Điển hình như em Nguyễn Văn Đạt đang làm ở Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm tỉnh Hà Tĩnh. “Thấy các em thành đạt như rứa là tôi mừng lắm” - cô Nguyệt tự hào về các thế hệ học trò của mình.


Cô Đặng Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê, cho biết: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại mang chứng bệnh thấp khớp nhưng cô Nguyệt luôn biết vượt lên hoàn cảnh và cô là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm qua. Trong công việc, cô Nguyệt luôn được các em học sinh quý mến vì những bài giảng dạy dễ nhớ, dễ hiểu. Giờ ra chơi cô luôn dạy dỗ các em những điều bổ ích trong cuộc sống”.



Cô giáo Lê Thị Nguyệt sinh năm 1964, hiện là giáo viên Trường tiểu học Thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). 15 năm nay, cô bị căn bệnh thấp khớp hành hạ đến liệt các khớp xương nên phải đi lại bằng nạng gỗ.


Hiện cô đang nuôi 2 người con. Cháu đầu học ĐH Luật Hà Nội, năm thứ 3 và cháu út học lớp 10.


Đ/c: Cô Lê Thị Nguyệt, khối 11, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Điện thoại: 01667.306.885



Cuối năm vừa rồi, thấy hoàn cảnh 3 mẹ con cô Nguyệt ở trong ngôi nhà thưng bằng ván gỗ tạp trống hoác, anh chị em cán bộ Công đoàn Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê đã quyên góp được 5 triệu đồng cho cô sửa sang lại nhà cửa.



Cô Nguyệt có 2 người con gái. Con đầu Nguyễn Thị Hà Trang đang là sinh viên năm thứ 3, trường ĐH Luật Hà Nội. Cháu thứ 2 Nguyễn Huyền Trâm đang học lớp 10, Trường THPT Hương Khê. “Cuộc sống 3 mẹ con chỉ dựa vào đồng lương của tôi. Hàng tháng cháu học ngoài Hà Nội hết 1,5 triệu. Cháu học lớp 10 ở gần nhà nên đỡ hơn. Trước đây, hàng tháng tiền thuốc của tôi cũng hết độ 2 triệu, thời gian gần đây giảm xuống chừng 1 triệu nữa” - kể về chi tiêu hàng tháng, trên khuôn mặt cô Nguyệt không giấu nỗi buồn lo.


Thầy Đặng Văn Toàn - Phó phòng GD-ĐT huyện Hương Khê kể: “Mấy lần tôi sang kiểm tra trường Tiểu học Thị trấn Hương Khê, thấy cô Nguyệt khập khiễng đến trường bằng chiếc nạng gỗ, tôi bảo với cô hãy nghỉ ngơi điều trị bệnh tật một thời gian cho khỏe rồi lại tiếp tục công việc giảng dạy. Cô đã khóc và nói với tôi: “Tôi không sao đâu. Chân tôi đau nhưng tôi vẫn đủ sức khỏe, kiến thức để đứng lớp giảng dạy bài vở cho các em học sinh. Nếu tôi mà nghỉ dạy thì 2 đứa con tôi sẽ không có tiền đi học”.


Đặng Tài - Văn Dũng


Link nguồn http://dantri.com.vn/c728/s728-462209/cam-dong-hinh-anh-co-giao-chong-nang-go-len-buc-giang.htm