http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/cac-mai-am-nhan-dao-chi-tinh-thuong-thoi-chua-du.aspx


PN - Không ai dám phủ nhận tấm lòng của những người làm công các thiện nguyện tại các mái ấm nhân đạo, nhưng trước tình trạng hàng loạt trẻ ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương nhiễm bệnh, một số cháu tử vong vì bệnh tình quá nặng, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ hơn thực trạng của một số trung tâm nuôi dưỡng người già, cô nhi.


Bệnh tật theo về...


Nhà dưỡng lão chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nuôi 60 cụ già trên 70 tuổi, không người thân, không nhà cửa. Trong số này, có đến 21 cụ bị bệnh mãn tính, lao phổi, thận, tiểu đường và ung thư. Ngoài gạo, mắm có sẵn, mỗi ngày tiền chợ cho 60 cụ khoảng 400.000đ - 500.000đ, tính bình quân chỉ khoảng 8.000đ tiền ăn cho mỗi cụ một ngày. Số tiền này là quá ít ỏi đối với nhu cầu của các cụ vốn cần nhiều sự chăm sóc, nhất là về dinh dưỡng.



Trẻ mồ côi tại cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Phùng Huy


Trung tâm dưỡng lão Dòng nữ tu bác ái Vinh Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có 63 cụ già tá túc. Trong số này có đến 22 người bị bại liệt, lại thêm bệnh thần kinh. Xơ Nguyễn Thị Khải, một trong những người quản lý nhà dưỡng lão, cho biết: Thức ăn của các cụ phải nấu nướng cẩn thận, xay nhuyễn. Có những cụ không thể tự ăn được, phải có người phục vụ. Do trí óc đã kém minh mẫn nên nhiều cụ cứ la mắng, có khi còn hất cả thức ăn vào người chăm sóc. Với những công việc nặng nhọc, phức tạp như thế, không phải người từ tâm thì khó thể đảm nhận được.


Cơ sở từ thiện chùa Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nuôi dạy 221 trẻ mồ côi, trong đó đến gần 200 trẻ khuyết tật, bại não, thần kinh. Những người chăm sóc trẻ cũng là người có hoàn cảnh khó khăn, vừa làm việc vừa nương tựa nhà chùa. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II, cho biết: "Việc chăm sóc các cháu rất vất vả, nhưng hàng ngày còn có nhiều người thiện tâm đến hỗ trợ nên cũng đỡ phần nào".


Nhà tình thương chùa Diệu Giác (Q.7, TP.HCM) đang nuôi 126 trẻ mồ côi. Ni sư Như Trí, quản lý nhà tình thương, chia sẻ: sự đóng góp của người có lòng cũng hạn chế. Tiền trường, tiền học đã ngốn gần hết kinh phí của trung tâm. Ngoài gạo, muối, nước tương được các nhà hảo tâm tặng, khẩu phần ăn của mỗi cháu chỉ khoảng 3.000đ/ngày. Thăm các cháu vào đúng bữa ăn trưa, chúng tôi không khỏi ái ngại khi thấy mỗi cháu một phần cơm với một chén canh loãng. Món mặn là vài lát thịt mỏng kho ruốc. Hỏi về những người chăm sóc các cháu, ni sư Như Trí kể, lúc trước có sáu bà mẹ quê ở các tỉnh miền Trung dắt con đi xin, nhà chùa thương tình cho vào tá túc ở trung tâm. Nay, những bà mẹ ấy là lực lượng chăm sóc chính cho 126 trẻ ở tại đây.


Chăm sóc cần có kỹ năng


Theo BS Đinh Quang Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chăm sóc những người già, trẻ em bệnh tật là công việc đòi hỏi phải có chuyên môn nghiệp vụ, nếu chỉ chăm sóc như chăm sóc người bình thường sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.


Người già thường bị loãng xương, nếu chăm sóc không đúng cách thì sẽ gây gãy xương, trật khớp. Hoặc, trường hợp các cụ nằm một chỗ sẽ dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét... Để phòng ngừa những nguy cơ trên thì người chăm sóc phải nắm vững kiến thức về bệnh, có những cách chăm sóc đặc biệt: hai giờ phải thay đổi tư thế một lần; thường xuyên vỗ, vuốt lưng để phổi không bị đọng đàm, nhớt. Có hàng ngàn tình huống liên quan đến sức khỏe của người già, trẻ em mà nếu chỉ chăm sóc theo cảm tính thì rất nguy hiểm. Ví dụ: trường hợp trẻ bại não thường hay bị cứng cơ, nếu không biết cách xoa bóp, vận động, trẻ sẽ bị biến dạng khớp, không tự đi đứng được.



Người già tại nhà dưỡng lão chùa Diệu Pháp


Riêng việc chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật (câm, điếc), tự kỷ, ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng khoa giáo dục đặc biệt, Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, phân tích: Mỗi trẻ bị bệnh, về nguyên tắc phải có cách chăm sóc, giáo dục riêng. Cô giáo phải tìm hiểu cặn kẽ tâm sinh lý trẻ, mức độ căn bệnh để có cách tiếp cận, hướng dẫn phù hợp. Với trẻ tự kỷ, nếu không có chuyên môn về tâm lý trị liệu, tình hình trẻ sẽ càng trầm trọng hơn.


Phải có chuẩn hoạt động


Từ năm 2001, Chính phủ đã có Nghị định 25 Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội. Tháng 5/2008, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 68, thay thế cho Nghị định 25. Theo quy định mới này, hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội phải có tiêu chí cụ thể về các nội dung hoạt động: đối tượng được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, quản lý tài chính, điều kiện môi trường, cơ sở vật chất, định mức cán bộ nhân viên chuyên môn...


Bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: những quy định trên nhằm hỗ trợ các cơ sở chăm sóc những người thiếu may mắn tốt hơn. Nếu chỉ có tấm lòng mà thiếu chuyên môn, nghiệp vụ thì không hẳn đã tốt cho những người đang ở các cơ sở đó. Trong hơn 50 cơ sở từ thiện ngoài công lập đang hoạt động tại TP.HCM, chỉ có khoảng 30 cơ sở hoạt động đúng quy định.


Cũng theo bà Hoa, thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổng kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, người già cơ nhỡ. Cơ sở nào không tuân thủ những quy chuẩn về lĩnh vực này phải giải thể. Những người cơ nhỡ sẽ được chuyển về những trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước để được chăm sóc tốt hơn.


Cát Nguyệt