Thực tế đã giúp hàng chục người phụ nữ có con sau nhiều năm vô sinh bằng bài thuốc từ loài cây chưa có tên,


Bà Hồ Thị Tèn (SN 1950, tên thường gọi là Pỉ Dung, ngụ thôn Xi La, xã Xy, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) còn tự tin về bí quyết của mình đến mức có cách tính tiền công “cực lạ”: Người vô sinh đến lấy thuốc uống thoải mái, chỉ khi nào sinh con xong thì mới phải quay lại hậu tạ bà số tiền một triệu đồng.


Cây thuốc chưa được đặt tên


Gần mười năm nay, Pỉ Dung vẫn được những cặp vợ chồng hiếm muộn xã Xy xem là vị cứu tinh giúp họ giải toả nỗi “thèm khát con cái”. Nói vậy bởi người phụ nữ Vân Kiều này đang sở hữu bài thuốc dân gian có thể chữa khỏi bệnh vô sinh. Pỉ Dung cũng không quên giải thích cụ thể, là bà chỉ có thể chữa khỏi bệnh vô sinh nếu nguyên nhân nằm ở người phụ nữ.


“Phụ nữ không có con thường có triệu chứng quặn đau bụng từng cơn; có số ít trường hợp thi thoảng xuất hiện tình trạng ra khí hư ở vùng kín. Nếu không chữa trị kịp thời thì người phụ nữ sẽ hiếm có cơ hội sinh nở”, Pỉ Dung nói.



Bà Pỉ Dung, người cho rằng có thể chữa bệnh vô sinh ở nữ giới


"Bật mí" về thảo dược chữa bệnh vô sinh ở phụ nữ, Pỉ Dung cho biết đó là một loại cây rừng có kích thước thấp, có củ và chỉ thường tìm thấy ở vùng rừng sâu. Mô tả về hình dáng “thần dược”, Pỉ Dung cho biết loại cây này gần giống với cây gừng rừng và hiện bà vẫn chưa thể biết tên gọi của “thần dược” là gì mà chỉ tạm gọi là cây Me.


Chúng tôi cũng xin phép được tạm lấy tên gọi trên sử dụng trong bài viết này. Về phương thức sử dụng cây Me để chữa bệnh, Pỉ Dung cho hay: Lấy củ và lá của cây trộn đều đun lấy nước cho phụ nữ mắc bệnh uống hàng ngày như uống nước bình thường, khi nào nước nhạt thì thay xác cây mới. Có thể sử dụng cây Me ở hai dạng tươi hoặc khô, tác dụng không thay đổi.


Liều lượng mỗi lần dùng theo lời Pỉ Dung hướng dẫn là 3 chụm tay thuốc (người dân tộc thiểu số dùng tay ước lượng thuốc chứ không cân đong đo đếm cụ thể - PV) cho một ấm nước lớn. Kiên trì uống nước thuốc trong vòng hai tháng, người phụ nữ hiếm muộn sẽ khỏi bệnh và có khả năng thụ thai như người bình thường.


Tuy không thể giải thích nguyên lý tác động của thuốc nhưng Pỉ Dung khẳng định chắc chắn chữa khỏi đối với những người bệnh mới xuất hiện triệu chứng bị bệnh. Trường hợp phụ nữ đã bị bệnh trong thời gian dài thì khả năng lành bệnh ít hơn.


Chỉ bằng bài thuốc đơn giản đơn như vậy nhưng gần mười năm nay, Pỉ Dung đã giúp không ít trường hợp hiếm muộn do bẩm sinh, hoặc chịu hậu quả từ sử dụng thuốc tránh thai, có thể sinh đẻ trở lại. Trường hợp vợ chồng Hồ Văn Bình (30 tuổi) và Hồ Thị Păng (25 tuổi) ở thôn PgiăngXy là một minh chứng điển hình. Hồ Văn Bình kể lại cách đây 5 năm, vợ anh sau lần sinh đẻ đã quyết định dùng thuốc tránh thai.


Nhưng có lẽ vì dùng thuốc tránh thai sai cách, 5 năm sau vì muốn có thêm con cho “vui nhà vui cửa” nên hai vợ chồng anh quyết định đẻ tiếp nhưng mãi mà chị vợ vẫn không thể mang thai. Được người quen giới thiệu, vợ chồng Bình tìm đến nhờ Pỉ Dung chữa trị. Kết quả thật mĩ mãn khi hai tháng trước, vợ anh vừa sinh hạ một bé trai kháu khỉnh.


Bà Pỉ Dung kể chuyện chữa bệnh



Cách hậu tạ lạ thường



Mặc dù nắm giữ bài thuốc quý chữa bệnh vô sinh ở phụ nữ nhưng bà lão người Vân Kiều không bao giờ lấy đó làm cơ hội kiếm tiền, hàng ngày công việc chính vẫn là lặn lội lên rẫy trỉa lúa đều đặn, đến tối mịt mới về. Trở lại với câu chuyện chữa bệnh, bà lão cho biết chi phí cho mỗi ca chữa bệnh là trong một triệu đồng. Nhưng bà chỉ nhận tiền do chính bệnh nhân tự tay đem đến sau khi đã có con.


Nữ “thầy thuốc” miền sơn cước này giải thích tỉ mỉ là khi đến chữa bệnh, lấy thuốc, dù có đến báo nhiêu lần, uống bao nhiêu thuốc thì người bệnh cũng không phải mất đồng tiền nào. “Nếu sau đó họ sinh được con thì mẹ lấy một triệu đồng tiền công đi tìm thuốc, ai cho thêm mẹ cũng không nhận”, Pỉ Dung trải lòng bằng ngôn ngữ bản địa. Nếu trường hợp khỏi bệnh nhưng người ta không đến đưa tiền thuốc thang thì sao?. Bà lão mỉm cười: “Không sao cả, mẹ vẫn vui thôi. Nhưng mà không có ai xấu bụng như vậy đâu”.


Nói về nguồn gốc của bài thuốc quý, bà lão kể lại cách đây hơn 20 năm, khi đó thiếu nữ Pỉ Dung lấy chồng nhưng nhiều năm sau không thể có con, nỗi thèm khát làm mẹ canh cánh từng ngày trong tâm trí người phụ nữ Vân Kiều. Không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày thiếu nữ không quản đường xa khó khăn, lặn lội tìm gặp tất cả các thầy thuốc trong vùng nhờ chữa bệnh. Kiên trì suốt mấy năm trời, trong một lần qua biên giới nước Lào, cô đã được vị thầy thuốc ở đây xem bệnh.


Sau khi xem bệnh, vị thầy thuốc cho biết nếu gặp mặt sớm hơn, Pỉ Dung có thể đã được chữa khỏi, nay vì tuổi tác đã cao nên Pỉ Dung suốt đời phải chấp nhận cảnh không con. Tuy nhiên, trước lúc chia tay vị thầy thuốc người Lào tặng cho cô cây thuốc quý và hướng dẫn cách dùng để giúp đỡ những phụ nữ có cảnh ngộ tương tự. Pỉ Dung biết “thần dược” từ đó.


Bệnh nhân đầu tiên Pỉ Dung áp dụng cây thuốc quý không phải ai khác mà chính là đứa con dâu của mình (chồng Pỉ Dung có hai vợ, con dâu này lấy con trai của “bà bé” - PV). Bà lão kể lại khi mới về làm dâu, cô gái này không thể có thai và xuất hiện triệu chứng đau buồng trứng. Thế là Pỉ Dung liền lặn lội vào rừng sâu tìm “thần dược” cho con dâu “thử nghiệm”.


Chưa đầy 3 tháng sau cô con dâu đã có thai, hiện đã 3 lần làm mẹ, việc sinh nở đều bình thường, sức khoẻ tốt đến mức “nó sinh xong mươi ngày đã lên rẫy trỉa lúa ào ào như trâu”, Pỉ Dung cười ví von theo cách nói dân dã người bản địa.


Phần lớn những bệnh nhân tìm đến nhà “thần y sơn cước” này đều qua lời bạn bè, người thân giới thiệu và được biết hiện cũng chưa có cơ quan chức năng nào về thôn Xi La tìm hiểu, nghiên cứu cây thuốc quý mà bà lão Pỉ Dung biết mặt. Có một thực tế rằng nhiều trường hợp phụ nữ vô sinh tại địa phương đã được Pỉ Dung chữa khỏi bằng cây thuốc nêu trên, nên chăng cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu và nếu thực sự bài thuốc này hiệu quả; có thể công bố ra công chúng để căn bệnh vô sinh không còn là nỗi ám ảnh của những cặp vợ chồng hiếm muộn?.


Những nguyên nhân chính gây vô sinh ở nữ giới:



Thứ nhất do không rụng trứng, hiện nay khoảng 70-80% phụ nữ không rụng trứng do mắc hội chứng buồng trứng đa nang với biểu hiện: Kinh thưa, mất kinh hoặc mọc nhiều trứng cá, lông rậm, béo bệu.


Nguyên nhân thứ hai khiến phụ nữ vô sinh là do tắc vòi trứng; đây là nguyên nhân chiếm đến 40% các trường hợp vô sinh ở nữ giới và có liên quan đến tiền sử hút và nạo thai.


Ngoài ra phụ nữ vô sinh có thể do bị tổn thương dính ở cổ tử cung hoặc ở buồng trứng tử cung


Theo BS Thu Phương/ Sức khoẻ & Đời sống.




Theo Khám phá


http://phapluatxahoi.vn/20120829102248324p1001c1049/bi-mat-ve-loai-cay-chua-vo-sinh.htm